(GLO)- Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW, ngày 18-9-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở tỉnh Gia Lai đã chuyển biến tích cực, giúp người lao động có điều kiện làm việc tốt hơn, doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 29 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thực hiện Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2017-2020; thành lập Hội đồng ATVSLĐ tỉnh; ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020; kế hoạch tiếp tục triển khai Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và chủ sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2017-2021, cùng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung về công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.
Công nhân làm việc tại Nhà máy Gạch không nung Tiến Minh Gia Lai (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T |
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ đã ngày càng được nâng cao; công tác ATVSLĐ đã đi vào thực chất hơn. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, quan tâm bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ, xây dựng kế hoạch triển khai công tác ATVSLĐ hàng năm. Đặc biệt, tháng 5 hàng năm, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc Tháng Hành động về ATVSLĐ.
Để giảm thiểu các vụ tai nạn lao động xảy ra, trong giai đoạn 2014-2018, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã tổ chức 192 buổi tuyên truyền cho 2.134 doanh nghiệp và 62.700 lượt chủ sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ ở cấp huyện, xã, cán bộ y tế doanh nghiệp, người lao động... Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, ban ngành, đoàn thể đã bố trí kinh phí để đẩy mạnh hoạt động này. Nhiều doanh nghiệp thuê người đủ điều kiện và trình độ về huấn luyện kỹ năng đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động của mình. Đội ngũ cán bộ khuyến nông trên địa bàn tỉnh cũng được tổ chức hướng dẫn về ATVSLĐ để sau đó hướng dẫn lại cho nông dân thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình sản xuất. Công tác truyền thông về ATVSLĐ cũng được đẩy mạnh trên báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan sinh động tại các nhà xưởng, cơ sở sản xuất... Các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác ATVSLĐ; thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nguyên là một trong 10 đơn vị mới đây được Hội đồng ATVSLĐ tỉnh khen thưởng vì có nhiều thành tích trong thực hiện công tác ATVSLĐ. Ông Lê Văn Sang-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: Là doanh nghiệp xây dựng các công trình dân dụng nên chúng tôi luôn xác định công tác ATVSLĐ có vai trò quan trọng trong việc duy trì sản xuất hiệu quả. Nhiều năm qua, lãnh đạo Công ty thường xuyên tăng cường kiểm tra hiện trường để đôn đốc cán bộ, công nhân viên thực hiện nghiêm chỉnh công tác bảo hộ lao động. Công tác khám sức khỏe định kỳ cũng được Công ty quan tâm thực hiện hàng năm, nếu phát hiện người lao động không đủ sức khỏe làm việc ở vị trí hiện tại thì bố trí làm công việc khác phù hợp hơn. “Môi trường làm việc ở Công ty luôn được duy trì tốt bằng việc kiểm tra đầy đủ các quy trình rồi mới cho thi công. Nếu phát hiện yếu tố không an toàn sẽ cho ngừng ngay. Nhờ đó, Công ty chưa để xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào”-ông Sang nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo ATVSLĐ thì vẫn có những doanh nghiệp còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Bằng chứng là trong giai đoạn 2014-2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 182 vụ tai nạn lao động, làm 112 người chết, 70 người bị thương. Theo bà Thanh: “Nguyên nhân các vụ tai nạn lao động là do sự lơ là, chủ quan của người lao động và chủ sử dụng lao động; đồng thời vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhiều người lao động chưa được huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về ATVSLĐ. Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị không an toàn, không xây dựng quy trình, nội quy an toàn lao động, không trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho người lao động cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn”.
Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW, cùng những dự báo về tình hình lao động sản xuất, ATVSLĐ, trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ; tăng cường huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ, đặc biệt quan tâm đến các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động làm việc trong môi trường có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. “Hội đồng ATVSLĐ tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về ATVSLĐ, đặc biệt xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp tái phạm. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Tiếp tục mở các lớp huấn luyện, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ ATVSLĐ cho cán bộ chuyên trách cấp huyện, xã, các đơn vị, doanh nghiệp để triển khai tuyên truyền đến người lao động”-Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh cho biết.
ĐINH YẾN