“Cinema” ngoài trời
Làng Klá (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) những ngày cuối tháng 2 tất bật mùa màng. Trên những triền đồi phía Tây, người dân cặm cụi nhổ mì rồi xắt phơi. Những rẫy mía cũng đang vào vụ thu hoạch. Đầu làng, cây pơ lang rực rỡ khoe sắc. Ngoài cánh đồng, từng đám lúa non mơn mởn nghiêng mình theo gió.
Khi ráng chiều ngả màu vàng đỏ, anh Đinh Vương vội vã thu dọn chai nước, hộp cơm, dao rựa cho vào chiếc gùi rồi dắt cậu con trai hơn 5 tuổi về nhà. Mọi khi, vợ chồng anh ngủ lại chòi rẫy để phơi mì nhưng hôm nay, nghe tin đoàn chiếu phim lưu động về làng, anh dắt con về xem. Với anh Vương, những buổi chiếu bóng đã in đậm trong ký ức nên anh hiểu được niềm háo hức của con. “Ngày trước, mình cũng mê những buổi chiếu phim màn ảnh rộng lắm nên hôm nay phải về sớm cơm nước để cả nhà cùng ra xem”-anh Vương bày tỏ.
17 giờ, nhà văn hóa làng Klá trở nên rộn rã bởi âm thanh phát ra từ chiếc loa công suất lớn được Đội chiếu phim lưu động lắp đặt từ trước. Một màn hình lớn 350 inch trên khoảng sân rộng giữa trung tâm làng. Dòng người kéo đến mỗi lúc một đông, nhiều nhất là trẻ nhỏ. Tiếng loa vang vọng khắp làng, rõ mồn một lời thông báo của cán bộ thôn rằng tối nay có chương trình chiếu phim rất hấp dẫn, bà con tranh thủ ra xem. Không khí trong làng trở nên sôi động hẳn.
Các cán bộ của Đội chiếu phim lưu động tất bật lắp đặt máy chiếu chuẩn bị cho buổi chiếu phim. Ảnh: Văn Ngọc |
Trong ngôi nhà sàn, 5 thành viên của Đội chiếu phim lưu động mỗi người một tay, người nhặt rau, người vo gạo nấu cơm, người tranh thủ mắc võng để sẵn sàng ở lại qua đêm. Sau một hồi cặm cụi bếp núc, mâm cơm đã được bày lên chiếc hòm nhỏ bằng tôn. “Bếp trưởng” Nguyễn Vinh Dương nói đùa rằng đây là chiếc hòm thần kỳ của Doraemon khi đựng rất nhiều thức, từ mắm, muối, ớt, chanh đến mì tôm, bánh kẹo… và khi cần sẽ trở thành mâm cơm hay bàn uống trà. Bữa cơm đạm bạc với 3 món: thịt ba chỉ kho đậu, canh cải và đậu phộng rang muối. “Anh em chúng tôi đi đâu cũng mang sẵn đồ nấu ăn như thế này, đơn giản nhưng nóng hổi chứ nếu mua cơm hộp, vào tới làng cũng nguội ngắt, nuốt không trôi”-anh Dương bộc bạch.
Trời nhá nhem cũng là lúc dân làng từ khắp nơi đổ về sân nhà văn hóa. Ai nấy đều hào hứng chọn chỗ ngồi để theo dõi bộ phim. Lúc này, các thành viên Đội chiếu phim lưu động mang từ “chiếc hòm thần kỳ” những bì kẹo phát cho đám trẻ khiến chúng vô cùng thích thú. Anh Ngô Hữu Hoài Trung-Đội trưởng Đội chiếu phim lưu động-chia sẻ: “Đến làng nào, chúng tôi cũng tự bỏ tiền cá nhân để mua kẹo cho các em nhỏ. Trước mỗi buổi chiếu phim, đoàn lồng ghép các video clip tuyên truyền về an toàn giao thông, cảnh báo lừa đảo việc nhẹ lương cao, giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường… bằng tiếng Bahnar hoặc Jrai tùy theo địa bàn”.
Dân làng Klá bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của bộ phim “Hai Phượng”. Ảnh: Văn Ngọc |
Cũng theo anh Trung, kho phim của Đội được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cung cấp. Từ những bộ phim của dòng phim cách mạng kinh điển như “Đất nước đứng lên”, “Những người viết huyền thoại”, “Đường thư”… hay các phim hiện đại mang nhiều ý nghĩa giáo dục như “Trạng Quỳnh”, “Hai Phượng”. Tối nay, dân làng Klá được thưởng thức bộ phim “Hai Phượng” với những màn hành động võ thuật mãn nhãn, mang theo thông điệp về tình cảm của người mẹ cũng như cảnh báo về nạn bắt cóc trẻ em, buôn người… giúp bà con nâng cao cảnh giác, quan tâm chăm sóc nhiều hơn đến con cái.
Sự hấp dẫn của bộ phim khiến người xem không rời mắt suốt gần 2 giờ đồng hồ. Tất cả đều chăm chú, xuýt xoa và sau cùng là những tràng pháo tay khi phim đến hồi kết. Anh Đinh Xuân hào hứng: “Làng mình có gần 300 hộ, hầu hết là người Bahnar, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhiều nhà không có ti vi. Một số nhà cũng có điện thoại thông minh nhưng không được thưởng thức những bộ phim như thế này. Hôm nay, dân làng rất vui vì Đội chiếu phim lưu động đã về để phục vụ bà con. Hy vọng một ngày không xa, Đội sẽ trở lại để bà con được xem phim trên màn ảnh lớn”. Còn già làng Đinh Jep thì nói: “Cũng đã 3 năm rồi, Đội chiếu phim lưu động mới trở lại, bà con rất vui mừng. Nhờ có đội chiếu phim mà hôm nay dân làng mới tập trung đông vui như thế này, không khác gì ngày hội. Hôm nay, chúng tôi không chỉ được xem bộ phim hay mà còn có thêm những kiến thức về an toàn giao thông, về những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Mong rằng đoàn sẽ sớm trở lại với dân làng trong thời gian gần nhất”.
Những “người lính” thầm lặng
Khi dân làng Klá lục tục về nhà và yên giấc để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới thì các thành viên Đội chiếu phim lưu động vẫn cặm cụi thu dọn máy móc, phông màn. Khoảng sân vốn nhộn nhịp giờ chỉ còn văng vẳng tiếng côn trùng. Thu dọn xong, các thành viên mới có khoảng thời gian riêng tư nghỉ ngơi, gọi điện thoại về trò chuyện cùng vợ con. Theo anh Trung, Đội thường được chia làm 2 tổ chiếu phim cùng 1 đêm ở 1 xã. Trong 1 năm, mỗi tổ chiếu đủ 170 buổi ở 170 làng khác nhau trong toàn tỉnh. Đặc thù của chiếu phim lưu động là phục vụ vào buổi tối nên anh em phải di chuyển liên tục và chấp nhận cảnh xa gia đình.
“Nếu phục vụ các làng ở gần thành phố thì sau mỗi buổi chiếu, chúng tôi cố gắng về nhà. Còn đối với những làng xa hàng trăm cây số thì thường sắp xếp đi công tác cả tuần để lần lượt phục vụ bà con, trung bình mỗi ngày chiếu phim ở 1 xã. Ban đầu, vợ con cũng buồn vì tôi đi suốt, con đau ốm, đưa đón học hành mà không người hỗ trợ. Nhưng dần dà rồi phải quen vì cái nghề này nó vậy”-anh Trung chia sẻ.
Bữa cơm chiều trước giờ chiếu phim của các thành viên Đội chiếu phim lưu động. Ảnh: Văn Ngọc |
Ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San: “Tuy điều kiện về cơ sở vật chất còn gặp khó khăn, thiếu thốn nhưng anh em trong Đội chiếu phim lưu động đã nỗ lực vượt khó để mang những thước phim ý nghĩa đến các buôn làng vùng sâu, vùng xa phục vụ người dân. Không những thế, Đội chiếu phim lưu động còn là lực lượng mũi nhọn, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung về văn hóa, an toàn giao thông, an ninh trật tự”.
Di chuyển liên tục nên những khó khăn, thiếu thốn với họ cũng là chuyện thường. Họ thường xuyên tắm suối, ngủ võng, ăn những bữa qua loa. Anh Siu Túy tâm sự: “Nhiều ngôi làng còn rất khó khăn về nước sinh hoạt nên chúng tôi phải di chuyển quãng đường xa để lấy nước phục vụ sinh hoạt tối thiểu như nấu cơm, tắm rửa. Có làng đường sá trắc trở, lầy lội vào mùa mưa nhưng chúng tôi đều đến tận nơi phục vụ. Hành trang chúng tôi mang theo bao giờ cũng sẵn chiếc võng. Mùa lạnh không ngủ được phải “nhum” vài ly rượu hay vận động cho ấm người”.
Vất vả là vậy nhưng các thành viên trong Đội vẫn gắn bó với nghề. Anh Đinh Thế Đông là người dân tộc Hrê, quê ở Quảng Ngãi. Năm 20 tuổi, anh là nghệ sĩ múa của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Sau đó, anh lấy cô gái người Jrai vùng Cheo Reo làm vợ. Năm 2019, khi tuổi tác không còn phù hợp với nghề múa, anh chuyển sang công tác ở Đội chiếu phim lưu động. Gần 4 năm gắn bó với nghề, anh đi hầu khắp buôn làng trong tỉnh. Cũng nhờ đó mà anh thường tự hào rằng mình nói được 4 thứ tiếng: Hrê, Kinh, Jrai và Bahnar.
Anh Đông chia sẻ: “Không chỉ chiếu phim cho dân làng xem là xong, mà còn dành thời gian ngồi trò chuyện, nghe bà con nói gì, yêu cầu gì để phục vụ tốt hơn. Đi nhiều nơi mới thấy bà con ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Thời gian dịch Covid-19 không đi lại được, tôi cứ bứt rứt khó chịu vì nhớ làng, nhớ những chuyến đi. Đi riết rồi yêu cái nghề này lúc nào không hay, tuy vất vả, đồng lương ít ỏi nhưng có những trải nghiệm tuyệt vời trong đời”.
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh chia sẻ: Anh Đức là thành viên Đội chiếu phim lưu động được gần 3 năm nay. Thời gian chồng chị ở làng nhiều hơn ở nhà. Con còn nhỏ, chị thì bận công việc hành chính nên thường xuyên phải gửi nhờ ông bà. “Lúc đầu, tôi rất tủi thân vì chồng không có nhiều thời gian bên gia đình. Nhưng khi thấy anh luôn tâm huyết với nghề, dù công việc rất cực, phải đi làm xa giữa đêm tối, ăn uống đạm bạc, tôi lại nén lòng mình, ra sức động viên, ủng hộ chồng”-chị Ánh bày tỏ.