Công bằng thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là yêu cầu mà dư luận, người dân và doanh nghiệp đặt ra khi ngành thuế đẩy mạnh phạt, cưỡng chế đặc biệt là hoãn xuất cảnh với lãnh đạo doanh nghiệp nợ thuế.

Gần đây, ngành thuế liên tục công khai tên các lãnh đạo các doanh nghiệp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh. Thậm chí, có đơn vị nợ chưa tới 1 triệu đồng, người đại diện ra đến sân bay vẫn phải quay lại như thường. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng mới yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp (DN) nợ thuế bị cưỡng chế. Nghĩa là thời gian tới sẽ còn nhiều người rơi vào tình trạng này bởi khó khăn kéo dài mấy năm trời nên số đơn vị nợ thuế quá hạn đã tăng mạnh.

Về cơ bản, dư luận đồng tình các biện pháp vừa nêu, bởi nợ 1 triệu, 1 tỉ hay 100 tỉ đều là nợ, nghĩa vụ thuế quan trọng nhất là sự công bằng, không phân biệt nợ nhiều nợ ít.

Nhưng cũng chính vì thế, người dân, DN cũng đòi hỏi sự công bằng trong trường hợp cơ quan quản lý chậm hoàn thuế cho họ. Bởi trên thực tế, đang có sự thiếu công bằng trong nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan đến thuế. Đơn cử DN nợ thuế thì bị tính lãi, cưỡng chế bằng cách bêu tên, ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh... thì chiều ngược lại, cơ quan quản lý hiếm, thậm chí rất hiếm khi phải chịu bất cứ hình thức xử phạt nào khi chậm hoàn thuế cho cá nhân, DN. Trong khi theo quy định hiện hành, nếu quá thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế mà việc chậm hoàn trả do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn thuế.

Thế nhưng, bao năm qua, dù rất nhiều DN bị găm tiền hoàn thuế vì đủ các lý do thì hầu như chưa thấy đơn vị nào được trả lãi suất, chưa cơ quan thuế nào chịu phạt. Nên nhớ, việc bị găm tiền hoàn thuế vẫn, đã và đang khiến nhiều công ty rơi vào khó khăn, ngưng hoạt động, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Vấn đề này đã được nói nhiều lần, các kiến nghị đề xuất cơ quan thuế phải trả lãi chậm hoàn thuế cũng không ít thế nhưng luôn rơi vào im lặng. DN, cá nhân dù ấm ức, bức xúc nhưng trong tư thế nắm đằng lưỡi nên hoàn được thuế là mừng lắm rồi, không dám nghĩ tới lãi lờ hay công bằng.

Nhưng nếu cứ duy trì tình trạng thiếu công bằng, thiếu sòng phẳng như thế này không chỉ thiệt thòi các đối tượng nộp thuế, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung mà còn khiến các cơ quan thuế không có động lực để cải cách, nâng cao năng lực, nghĩa vụ, trách nhiệm trong thực thi công tác quản lý thuế.

Ở thời điểm hiện tại, rất nhiều DN trong ngành cao su, gỗ, thủy sản vẫn chưa được hoàn thuế dù kiến nghị cả năm, thậm chí 2 - 3 năm. Có đơn vị đã tạm ngưng hoạt động, có đơn vị hồ sơ trước chưa đi, hồ sơ sau không được xét... Vậy nên ngành thuế đẩy mạnh hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện lãnh đạo DN nợ thuế thì cũng cần đẩy mạnh hoàn thuế cũng như áp dụng trả lãi, xử lý những đơn vị chậm hoàn trả tiền thuế cho cộng đồng DN. Thế mới công bằng và sòng phẳng trong nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan đến thuế.

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.