(GLO)- Toàn tỉnh hiện có 99 hồ chứa nước thủy lợi, 39 hồ chứa nước thủy điện. Trong đó, có 18 hồ chứa có dung tích lớn hơn 10 triệu m3,13 hồ chứa có dung tích 1-10 triệu m3, 107 hồ chứa có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3.
Hàng năm, UBND tỉnh luôn kịp thời chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác và cơ quan chuyên môn tập trung triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh như kiểm tra, đánh giá chất lượng xây dựng công trình, kiểm định an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ đập, phương án phòng-chống lũ lụt vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập…
Kênh chính công trình thủy lợi Ayun Hạ. |
Tuy vậy, vẫn còn một số chủ đập buông lỏng công tác đảm bảo an toàn hồ chứa. Đến nay, còn tới 8/39 hồ chứa thủy điện và 11/14 hồ chứa thủy lợi có dung tích hồ chứa hơn 1 triệu m3 chưa đăng ký an toàn đập; 10/39 hồ chứa thủy điện và 9/14 hồ chứa thủy lợi có dung tích chứa hơn 1 triệu m3 chưa có quy trình vận hành hồ chứa. Bên cạnh đó, có 4/39 hồ chứa thủy điện và 3/5 hồ chứa thủy lợi đến thời kỳ kiểm định theo quy định nhưng chưa được kiểm định và vẫn còn 1 hồ chứa thủy điện, 2 hồ chứa thủy lợi chưa cắm mốc giới xác định vùng phụ cần bảo vệ.
Theo quy định thì chủ đầu tư tự quyết định hình thức, nội dung quản lý dự án và có nhiệm vụ tổ chức quản lý toàn diện chất lượng công trình, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cho ý kiến về thiết kế cơ sở. Do vậy, các công trình thủy điện được xây dựng trong giai đoạn 2004-2013, các công trình thủy điện nhỏ do tư nhân đầu tư thiếu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước trong các giai đoạn sau thiết kế cơ sở.
Bởi vậy, các công trình này tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng xây dựng và có nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành. Theo hướng dẫn của Bộ Công thương, việc nghiệm thu để đưa vào khai thác, sử dụng đập do chủ đầu tư quyết định, trừ đập do Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước thực hiện. Theo đó, cơ quan nhà nước không kiểm soát được chất lượng công trình. Sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 của Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long một phần nguyên nhân là do chính sách quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng trước đây.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý bảo vệ các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý vì thiếu kinh phí và thiếu cán bộ quản lý vận hành công trình nên việc khai thác, quản lý, bảo vệ công trình còn hạn chế. Việc đầu tư, sửa chữa sự cố hư hỏng chưa được quan tâm đúng mức, thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các công trình trong mùa mưa lũ. Một số công trình thủy điện do doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần đầu tư chưa thường xuyên báo cáo về tích nước, xả lũ cho cơ quan thường trực theo dõi, tham mưu nên còn nhiều khó khăn trong quản lý để thông báo cho dân và chính quyền địa phương phòng tránh.
Trước tình hình đó, tại Hội nghị về an toàn hồ chứa nước diễn ra gần đây do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì, một số kiến nghị về công tác này đã được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự đưa ra.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát lại các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn về công tác quản lý an toàn hồ chứa, điều chỉnh bổ sung và có phân cấp rõ ràng về quy mô, đặc thù kỹ thuật, cấp quản lý cũng như chế tài kiểm tra xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.
Cần mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, công nhân làm công tác quản lý vận hành hồ chứa cũng như trang bị thêm kiến thức, thông tin, công nghệ mới cho các chủ đập để đủ sức vận hành công trình an toàn. Trên địa bàn tỉnh có tới 20 hồ chứa nước vừa và nhỏ xây dựng đã lâu, các hạng mục đầu mối như đập đất, cống dưới đập, tràn xả lũ hầu hết bị xuống cấp. Theo đó, ông Hoàng Công Lự đã đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình này nhằm bảo đảm an toàn hồ chứa, đảm bảo an dân.
Hà Duy