Coi như đóng cửa ngành du lịch nếu tạm dừng đón khách ở danh lam thắng cảnh?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều doanh nghiệp cho rằng yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, để phòng chống nCov của Bộ VHTT& DL gần đây, nếu thực hiện sẽ đồng nghĩa đóng cửa du lịch trong nước.
 
Nguồn khách Âu, Mỹ vẫn đang duy trì tour đến Việt Nam trong thời điểm hiện nay - Ảnh: N.BÌNH
Bà Kim Ngọc, đại diện Asev Travel, cho biết ngay khi nhận được công văn của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT& DL) về việc tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công) để tránh tập trung đông người, bà có nhiều băn khoăn.
Trong những ngày qua, doanh nghiệp của bà vẫn đón các đoàn khách châu Âu đến Việt Nam tham quan. Các du khách này cho biết họ không muốn hủy tour. Nhưng nếu Việt Nam ngưng bán vé các điểm tham quan thì du khách đến TP sẽ xem gì, ngắm gì?  
"Chúng ta chỉ đang ngưng nhận khách đến từ Trung Quốc, những du khách đến từ vùng khác cần bảo đảm đón tiếp chu đáo, tạo sự an toàn, yên tâm vì họ vẫn đến với mình lúc này chứ không phải đóng cửa tạo hoang mang ", bà Ngọc chia sẻ.
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng cần cân nhắc, phân tích kỹ quyết đinh trên của Bộ VH-TT&DL, xem bối cảnh hiện nay Việt Nam nên chủ động kiểm soát dịch bệnh hơn là tự đi đóng cửa. Bởi ngay cả Thái Lan, quốc gia này có số người nhiễm nCoV cao hơn nhưng đến nay các hoạt động đón khách vẫn được diễn ra bình thường bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả. 
Giám đốc một doanh nghiệp chủ yếu khai thác khách thị trường Mỹ cũng cho biết đề nghị tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của bộ chỉ nên khoanh vùng ở những vùng có dịch, bởi trong bối cảnh thị trường inbound bị ảnh hưởng thì các công ty du lịch chỉ còn trông chờ vào thị trường nội địa, các địa phương chưa xác định dịch như Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc… nơi vẫn được xem an toàn.
"Trước mắt đề nghị này sẽ làm cho các nước đang cạnh tranh nhận khách inbound với Việt Nam vô cùng hoan hỉ, sẽ không có du khách nước ngoài nào đến Việt Nam khi họ biết không còn nhiều hoạt động hấp dẫn", vị này cho biết. 
Không chỉ băn khoăn trên, các doanh nghiệp ngành du lịch cũng phản ảnh họ đang bị loạn thông tin dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong văn bản gần đây.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc công ty Du lịch Vietravel, cho biết các thông báo mà doanh nghiệp nhận từ cơ quan du lịch nước khác thường rất rõ ràng về biện pháp chống dịch nCoV. Như về việc ngưng nhận khách, các nước đều nói rõ ngoài ngưng khách quốc tịch Trung Quốc, những người có dấu visa vào Trung Quốc trong 14 ngày cũng không được vào nước họ và có tham vấn cụ thể. 
"Nhưng các công văn mà doanh nghiệp nhận được lại có nhiều cách hiểu, chung chung khiến doanh nghiệp không thể tính được phương án nên tổ chức tour hay không", bà Phương Hoàng nói. 
Quản lý một khách sạn ở Q.1, có đến 50% khách đến từ Trung Quốc, cũng cho biết hiện Việt Nam chỉ đang ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc nhưng còn những người nước ngoài sinh sống ở Trung Quốc thì chưa nêu cụ thể. Gần đây, Sở Du lịch khi đi kiểm tra mới triển khai thêm khách sạn phải kiểm tra lộ trình của du khách đến và đi. 
Trong bối cảnh du lịch đầy nỗi lo về sự lây nhiễm khó lường của virus này, người dân hạn chế đi du lịch, du khách đến Việt Nam cũng giảm, doanh nghiệp chỉ ra được kế hoạch hành động khi có thông tin chính xác, đầy đủ. 
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM thừa nhận từ khi dịch cúm nCoV bùng phát đến nay, sở liên tục cập nhật các chỉ thị, văn bản đến doanh nghiệp, tuy nhiên không phải văn bản nào các doanh nghiệp cũng nắm rõ. Bằng chứng là trong hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống dịch Corona chiều 4-2 của sở, có đến gần 20 câu hỏi được doanh nghiệp nêu lên chủ yếu làm rõ các yêu cầu trong phòng chống dịch. 
"Chẳng hạn như về đề nghị tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh như công văn của bộ, quan điểm của Sở Du lịch quyết định này thuộc thẩm quyền UBND các tỉnh, thành", đại diện Sở Du lịch TP nói. 
N.Bình (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Một trong những nguyên nhân khiến lộ lọt thông tin từ camera an ninh của nhiều gia đình, mà Thanh Niên phản ánh trên số báo hôm nay, chính là mua phải hàng trôi nổi trên thị trường, trong đó số lượng không nhỏ đến từ các sàn thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ tại VN.

Thả gà ra để đuổi

Thả gà ra để đuổi

Những ngày qua, hàng trăm người dân ở xã Quỳnh Long và một số xã khác thuộc H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) hoang mang khi nhận được tin báo nhóm người đứng ra huy động tiền của họ bằng hình thức cho vay lãi suất cao bất ngờ tuyên bố không còn khả năng trả nợ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.