(GLO)- Đúng như dự đoán, 8 trong số 12 ngành hàng có nhiều dư địa phát triển tại thị trường EU được kỳ vọng nhất khi Việt Nam thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), sau 2 năm Hiệp định có hiệu lực, từ thủy-hải sản, rau quả/trái cây tươi, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su và gạo đều tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng lẫn giá trị kim ngạch xuất khẩu. Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của ta đã phục hồi và gia tăng đáng kể, nhất là hạt tiêu tăng 81,3%, cà phê tăng 62,7%.
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản là định hướng chiến lược quan trọng trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững của Việt Nam nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng. Với khoảng 50% dòng thuế trong lĩnh vực nông nghiệp được giảm về 0% ngay khi thực thi EVFTA, EU là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản Việt.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, đưa nông sản Gia Lai chinh phục thị trường gần 40 quốc gia. Ảnh: Vũ Thảo |
Khả năng mở rộng và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của khu vực Tây Nguyên sang thị trường EU vẫn còn dư địa rất lớn, khi nơi đây có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, kinh nghiệm sản xuất lâu đời để phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, hồ tiêu, điều, trái cây đặc sản, mật ong…
Cùng với Đak Lak, Gia Lai là vùng trọng điểm cà phê của Tây Nguyên với 98.400 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 257.000 tấn. Cà phê Gia Lai được đánh giá rất cao về chất lượng và là sản phẩm tiềm năng để thâm nhập các thị trường khó tính nhất. Hiện toàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, đưa nông sản Gia Lai chinh phục thị trường gần 40 quốc gia; trong đó, các quốc gia EU chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Cùng với đó, Gia Lai cũng là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn ở Tây Nguyên với trên 17.000 ha, có thời điểm tăng lên đến 18.000 ha. Trong đó, huyện Chư Sê được xem là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh với tổng diện tích gần 3.000 ha, sản lượng trên 11.000 tấn/năm. Từ tháng 4 năm ngoái đến nay, hồ tiêu bắt đầu chu kỳ tăng giá, dự báo đến cuối năm nay sẽ neo ở mức 100.000 đồng/kg, sẽ rất có lợi cho cả nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.
Sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu của Gia Lai đã phục hồi và tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt 420 triệu USD, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng mặt hàng cà phê trong 6 tháng đầu năm nay có mức tăng trưởng khá (46,4%) nhờ giá bình quân đạt khoảng 2.000 USD/tấn (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái). Việc Brazil-quốc gia đứng đầu về xuất khẩu cà phê bị giảm sản lượng, cũng là cơ hội cho cà phê trong nước và Gia Lai nói riêng vượt lên.
Có thể nói, với những ưu đãi về thuế quan từ EVFTA, Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang có nhiều lợi thế để phát triển mạnh hoạt động sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu, nhất là các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều… khi EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của nông sản Việt với tốc độ tăng trưởng thương mại của hai bên tăng nhanh từ 4 tỷ USD năm 2018 lên trên 6 tỷ USD năm nay.
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản của khu vực Tây Nguyên và Gia Lai phải vượt qua hàng loạt những thách thức đến từ EVFTA về hàng rào kỹ thuật (TBT), hệ thống kiểm dịch động thực vật (SPS), vấn đề sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý… Tiến sĩ Đặng Kim Sơn-nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và PTNT-cho rằng: “Đã đến lúc nông sản Việt không còn cạnh tranh bằng giá, bằng khối lượng, mà là cạnh tranh bằng chất lượng và giá trị gia tăng… Đặc biệt, với những cam kết gần đây của các lãnh đạo Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải carbon thì thị trường châu Âu đang mở ra một cơ hội rất lớn cho nông sản Việt, khi chúng ta được hưởng nhiều ưu đãi và được mua với giá cao các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường”.
ĐÌNH CƯƠNG