Cô giáo có duyên 'phá án'…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 13 tuổi Nguyễn Thị Loan đã có duyên phá án. Đến nay, sau hơn 40 năm, chị đã tham gia góp sức điều tra khám phá hơn 60 vụ án liên quan đến trộm, cướp.

Tay không chống lại băng cướp có vũ khí

Đến Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), nhắc đến cô giáo Nguyễn Thị Loan thì ai cũng biết. Cũng bởi, chị đã có nhiều thành tích trong phong trào giữ gìn an ninh trật tự của địa phương. Theo thống kê, trong hơn 40 năm qua, chị đã tham gia phá hơn 60 vụ trộm cướp trên địa bàn, thậm chí cả ngoài tỉnh.

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng cô giáo Loan

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng cô giáo Loan

Thấy khách tới thăm, chị pha trà mời nước. Chúng tôi quan sát, trên tường phòng khách treo la liệt những bằng khen từ cấp trung ương đến địa phương. Khi chúng tôi nhắc đến thành tích bắt trộm cướp, chị cười bảo bản thân có học được chút võ thuật từ nhỏ nên thấy sự “bất bình” chẳng thể khoanh tay đứng nhìn.

Trong số những vụ án chị đã phá, có những vụ mà đến giờ nghĩ lại chị vẫn còn sợ, thậm chí đặt câu hỏi không hiểu vì sao lúc ấy mình lại hành động như thế. Ví như, vụ bắt 3 tên cướp trên xe khách ở Hà Nội xảy ra tháng 10/2006. Hôm ấy, chị đi xe khách từ huyện Mỹ Đức (tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) về TP. Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ). Khi xe đi qua cánh đồng vắng, bất ngờ có 3 thanh niên đi xe máy ép xe khách dừng lại. Cửa xe vừa mở, 3 tên tên cướp cầm dao uy hiếp rồi kéo tài xế và phụ xe xuống hành hung. Tên còn lại cầm dao lên xe, bắt mọi người đưa tiền, trang sức và đồ dùng có giá trị. Lúc này, trên xe khách có gần 30 người nhưng không ai dám lên tiếng. Một số người lo sợ đến tính mạng nên đã đưa tiền cho bọn cướp.

Sau khi quan sát, chị lên kế hoạch tấn công. Khi tên cướp đến gần để thu đồ, tiền bạc, nhanh như cắt chị túm cổ áo, dùng một đòn quật ngã xuống đất rồi khóa tay. Xử lý xong tên này, chị kêu gọi mọi người cùng chung sức chống lại bọn cướp nhưng chẳng ai hưởng ứng. Thậm chí, có người còn bảo: “Chúng tôi còn có vợ, có con, có bố, có mẹ”. Chị lắc đầu một mình xuống xe.

Thấy chị xuống và không thấy tên đồng bọn đâu, đoán có việc chẳng lành hai tên cướp dừng hành hung tài xế và phụ xe. Cả hai tên cầm dao tiến về phía chị. Nhanh như cắt, chị bắt lấy khuỷu tay của tên cướp và lấy tay kia chặt cổ tay làm cho dao rơi xuống, đồng thời xoay một vòng đá vào hạ bộ hạ gục tên cướp. Tên còn lại thấy vậy lao lên chị cũng hạ bằng hai đòn hiểm. Trong nháy mắt, 3 tên cướp có vũ khí đã bị bắt. Sau đó, chị cùng nhà xe dẫn giải nhóm cướp về trụ sở công an gần nhất xử lý. “Lúc đó, tôi cũng chẳng nghĩ gì đến nguy hiểm, chỉ quan sát để làm sao ra đòn nhanh chóng hạ gục bọn cướp thôi”, chị Loan nhớ lại.

Cô giáo Nguyễn Thị Loan (thứ 2 từ trái sang) trong ngày cưới của con gái

Cô giáo Nguyễn Thị Loan (thứ 2 từ trái sang) trong ngày cưới của con gái

Khi phát hiện tội phạm, cô giáo Loan sẵn sàng xông pha, bắt trộm cướp trong mọi tình huống, không kể ngày lẫn đêm. Thậm chí, khi đang bụng mang dạ chửa, chị gặp băng trộm cũng quyết không để tội phạm chạy thoát. Đó là một ngày, cuối năm 2006, sau khi tan lớp, chị về qua đường Đồi Dù (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô) thấy 2 thanh niên đang dắt một chiếc xe máy trên đường, mắt nhìn trước ngó sau. Chị đoán có thể là xe ăn trộm nên hô “trộm, trộm” để thử. Vừa nghe chị hô, hai tên bèn vứt xe máy lại rồi chạy lên núi. Lúc ấy, chị đang mang thai tháng thứ 5 nhưng vẫn nhanh chóng khóa cổ xe rồi đuổi theo. Đuổi đến lưng đồi, chị áp sát rồi hạ gục hai tên trộm. Khi bị bắt, hai tên còn khai trước đó đã trộm chiếc tivi của hộ dân gần đó nhưng chưa tiêu thụ được, hiện đang cất trên núi. Sau đó, chị gọi điện báo công an địa phương đến hỗ trợ và áp giải các đối tượng vi phạm về trụ sở để xử lý. Tài sản của vụ trộm đã được trả lại cho người dân.

Theo nghiệp “sư phạm” nhưng có duyên “hình sự”

Chị Loan cho biết, ông nội vốn là võ sư môn phái Bình Định. Ngày nhỏ, mỗi lúc ông dạy võ cho môn sinh, chị thường học lén. Ông thấy cháu gái thích võ thuật nên đã truyền dạy cho tất cả những chiêu “bí truyền”. Chị tiếp thu rất nhanh.

Năm chị 13 tuổi, gia đình vốn đã rất khó khăn nhưng lại hay bị mất cắp vặt. Khi thì mất xoong, nồi, cuốc, xẻng, thậm chí đàn gà gia đình nuôi vừa lớn chưa kịp bán cũng bị trộm mất. Chị bực lắm, quyết sẽ bắt hết bọn trộm. Nghĩ rồi, chị lên kế hoạch phục kích bắt trộm.

Mỗi tối, chị đợi cả nhà đi ngủ rồi lẻn dậy chui vào đống rơm gần chuồng gà để quan sát. Đến ngày thứ tư, khoảng 1h chị phát hiện hai bóng đen lách qua hàng rào nhằm hướng chuồng gà đi tới. Khi cả hai đang lúi húi bắt gà, chị nhẹ nhàng chui ra khỏi đống rơm, rón rén lại gần một tên trộm mà chúng không biết. Khi khoảng cách vừa đủ, chị đạp vào lưng một tên rồi hô trộm, trộm. Bọn trộm hoảng hồn vứt gà tìm đường tháo chạy. Một tên chạy về phía bờ ao thì trượt chân xuống ao, tên còn lại biến vào màn đêm mất hút. Người nhà nghe tiếng hô lao ra, bắt được tên trộm rơi xuống ao. Đó cũng là lần bắt trộm đầu tiên trong đời chị.

Sau vụ đó, nhà chị không còn mất trộm nữa. Tuy nhiên, thi thoảng chị vẫn phát hiện và tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương. Khi trưởng thành, chị cũng mong muốn vào ngành an ninh. Tuy nhiên, khi làm thủ tục dự thi chị chỉ nặng 37 kg, không đủ tiêu chuẩn nên theo nghiệp sư phạm rồi lập gia đình.

Khi biết vợ hay bắt trộm cướp, ban đầu chồng chị cũng không ủng hộ. Anh bảo vợ: Thấy cướp thì kệ người ta, dính vào làm gì nhỡ may làm sao thì khổ con cái. Nhưng rồi thấy đam mê của vợ, hơn nữa chị vẫn làm tốt việc cơ quan, việc nhà, chồng cũng dần ủng hộ. Anh chỉ luôn nhắc chị, khi đối mặt với những tên trộm cướp hung hãn, phải thật bình tĩnh và thận trọng, bởi bọn tội phạm thường rất táo tợn, liều lĩnh và manh động.

Theo chị Loan, việc đối mặt với trộm cướp rất nguy hiểm, bởi hầu hết chúng đều mang theo vũ khí và sẵn sàng chống trả. Do đó, để bắt được tội phạm, mình phải có “bí quyết”. Ví như, khi chị đối mặt với những tên cướp hung hãn phải bình tĩnh, thận trọng, lựa chọn thời điểm để ra đòn quyết định.

Là giáo viên dạy môn thể dục khối THCS, rồi Tiểu học, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Các em học sinh cũng rất yêu cô giáo của mình, bởi ngoài dạy chuyên môn, chị đã truyền dạy cho các em về lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, cô giáo Nguyễn Thị Loan đã nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình…

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.