CLB Hà Nội mơ Champions League, Siêu cúp Quốc gia không lo 'mất giá'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Siêu cúp thường không được coi là một danh hiệu quan trọng ở châu Âu, nhưng với bóng đá Việt Nam thì màn so tài của hai nhà vô địch quốc nội có lẽ chưa "mất giá" như vậy.
Siêu cúp Tây chẳng khác giao hữu
Tháng Tám hằng năm là thời điểm bóng đá châu Âu rục rịch khởi động trở lại sau khoảng thời gian nghỉ hè bằng những trận Siêu cúp. Ở Anh là trận FA Community Shield, Pháp có Trophée des Champions, DFL-Supercup là phiên bản của Đức, người Tây Ban Nha gọi là Supercopa de Espana trong khi ở tầm châu lục cũng có UEFA Super Cup.
Siêu cúp là màn so tài của những nhà vô địch. Nó giống như một trận chung kết mà danh hiệu dành cho đội chiến thắng chính là phần thưởng khẳng định sự thống trị tuyệt đối của họ. Chiếc "Siêu cúp" đương nhiên phải danh giá hơn "cúp thường". Về mặt ý tưởng có lẽ là như vậy.
Những trận Siêu cúp ở châu Âu chẳng khác gì giao hữu.
Những trận Siêu cúp ở châu Âu chẳng khác gì giao hữu.
Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết những chiếc "Siêu cúp" lại bị coi là danh hiệu ít quan trọng nhất đối với các câu lạc bộ, đặc biệt là những đội bóng lớn. Trận tranh Siêu cúp ở nhiều nước châu Âu có tính chất chỉ như một trận giao hữu, quảng bá. 
Ở Anh, trận Community Shield (hay Charity Shield) được tổ chức để gây quỹ cộng đồng, ngay từ cái tên đã nói lên ý nghĩa này. Tính giao hữu còn được thể hiện thông qua quy định 6 lần thay người cho mỗi đội.
Siêu cúp Ý, Supercoppa Italiana không phải lúc nào cũng được tổ chức ở Italia. Những nhà vô địch của Serie A và Coppa Italia đã nhiều lần kéo nhau sang Mỹ, Trung Quốc rồi Trung Đông để so tài trước mỗi mùa giải. Người Tây Ban Nha cũng học theo cách làm này từ năm 2018. Mục đích của những nhà tổ chức không gì khác ngoài quảng bá hình ảnh tới những thị trường màu mỡ.
Nếu nói Siêu cúp vô nghĩa cũng không hẳn đúng. Với những đội bóng nhỏ, những CLB hiếm có cơ hội giành cúp thì đó vẫn là một danh hiệu đáng để gắng sức phấn đấu. Nhưng những đội bóng lớn thì không phải lúc nào cũng "máu ăn thua" chiếc Siêu cúp này khi mà mục tiêu mà họ hướng đến là những kết quả vào tháng Năm chứ không phải tháng Tám.
Người hâm mộ thường ít kỳ vọng vào một trận Siêu cúp chất lượng cao, dù nó có thể rất hấp dẫn vì sự thoải mái và cởi mở của các đội bóng khi không gặp áp lực. Cũng không phải là các CLB không muốn tung hết sức bởi nhiều khi họ có muốn cũng không được.
Hầu hết các đội bóng lớn hội quân đầy đủ trước mùa giải chừng một tháng, thậm chí với các ngôi sao có thể ít hơn nếu có EURO hay World Cup. Khó mà đòi hỏi sự hoàn thiện về chiến thuật, chưa nói tới thể lực của các cầu thủ. Do đó việc thua một trận Siêu cúp cũng không phải là một thất bại đáng kể.
Siêu cúp Việt Nam không lo "mất giá"
Siêu cúp Quốc gia Việt Nam lần đầu được tổ chức vào năm 1999 và cũng có tính chất như những phiên bản phương Tây. Tuy nhiên ở một nền bóng đá mà các CLB không có nhiều giải đấu để tranh giành danh hiệu trong nước (một giải league, một giải cúp) trong khi đấu trường châu lục quá xa vời, chiếc Siêu cúp với phần thưởng "tiền tươi thóc thật" (năm 2019 là 300 triệu đồng) không phải là vô nghĩa.
Chính bởi thế nên khi CLB Hà Nội tranh Siêu cúp với Becamex Bình Dương (16h hôm nay 16/2) trong hoàn cảnh phải nghĩ tới giải châu lục, giới mộ điệu mới đặt ra dấu hỏi về việc đội bóng Thủ đô sẽ ưu tiên mặt trận nào. Nếu là Real Madrid hay Barcelona, câu trả lời đương nhiên là Champions League. Nhưng ở Việt Nam, nhà đương kim vô địch V-League đang trong thế khó xử.
 CLB Hà Nội dồn sức cho AFC Champions League.
CLB Hà Nội dồn sức cho AFC Champions League.
Nếu là trước đây, CLB Hà Nội có thể chấp nhận buông khi phải đối đầu với một đội bóng mạnh của Trung Quốc ở AFC Champions League, đấu trường mà họ dù có bung hết sức cũng chưa chắc đã thu về kết quả gì. Tuy nhiên hoàn cảnh của đội bóng Thủ đô bây giờ rất khác. Với lực lượng được coi là "đội tuyển quốc gia thu nhỏ", đây là thời cơ rõ ràng nhất để CLB Hà Nội giúp bóng đá Việt Nam nở mày nở mặt ở đấu trường châu Á cấp CLB.
Thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm có nội lực và đang mang theo những sự kỳ vọng, như Chủ tịch đội bóng Nguyễn Quốc Hội tuyên bố: "Cố gắng dốc hết sức lực cho AFC Champions League, để không chỉ khán giả Việt Nam mà cả khán giả nước ngoài biết đến chúng tôi, biết đến bóng đá Việt Nam".
Đội bóng Thủ đô muốn mang niềm tự hào Việt Nam ra châu Á, nhưng họ cũng không thể để mất hình ảnh của chính mình ở đấu trường trong nước. Toan tính lúc này không phải là tung ra 11 cái tên lạ hoắc để bị coi là thiếu tôn trọng đối thủ và ban tổ chức, chưa kể rủi ro "bỏ con săn sắt bắt con cá rô" bất thành sẽ càng khiến thất bại bị mổ xẻ, chê bai nhiều hơn.
Nói CLB Hà Nội không dùng lực lượng mạnh nhất không có nghĩa là họ không chơi hết sức, thậm chí đó chưa chắc là một đội hình kém chất lượng. HLV Trần Minh Chiến của Becamex Bình Dương thẳng thắn nhận định rằng đối thủ đồng đều đến mức có thay đổi một vài vị trí cũng vẫn đáng gờm. Cần biết rằng Thành Lương, Brandon McDonald và Hoàng Vũ Samson chắc chắn không sang Trung Quốc, đồng nghĩa với khả năng cao là họ sẽ đá trận Siêu cúp hôm nay.
Với sự tôn trọng dành cho CLB Hà Nội, Becamex Bình Dương có lẽ cũng chẳng thấy chạnh lòng nếu đối thủ của họ cất một vài trụ cột ở ngoài sân. Đội bóng đất Thủ cũng hiểu được việc phải lựa chọn là như thế nào, bởi sắp tới chính họ cũng đại diện bóng đá Việt Nam tham dự đấu trường châu Á.
Cho tới lúc này, nỗi lo trận Siêu cúp Quốc gia "mất giá" không đến từ những động thái của hai đội bóng, bởi thực tế là họ vẫn chưa ra sân thi đấu. Không thể nói rằng một CLB chọn giải này bỏ giải kia, mà nên đặt vấn đề theo hướng mặt trận nào được ưu tiên nhiều hơn và họ sẽ tính toán ra sao để các kết quả là tốt nhất có thể. Rõ ràng khi đã ra sân và có cơ hội giành lấy một danh hiệu, chẳng đội bóng nào nói bỏ là bỏ cả.
Minh Anh (VTC)

Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Toàn (bìa phải) trong hành trình đạp xe xuyên Việt. Ảnh: L.V.N

Xuyên Việt bằng xe đạp ở tuổi lục tuần

(GLO)- Với những thanh niên khỏe mạnh, việc đạp xe xuyên Việt đã là thử thách rất lớn vì đòi hỏi thể lực, sức bền cùng sự quyết tâm. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1962, tổ 5, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đã làm được điều đó khi ở tuổi lục tuần.