Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Ly kỳ những "cụ" cây của Thảo cầm viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vào Sở thú, du khách thường “hăm hở” đi tìm và hỏi han về những loài thú, đặc biệt là những loài thú quý hiếm. Tuy nhiên, nhiều nhân viên Sở thú nói rằng, nếu không có những cây cổ thụ, thảm thực vật tạo nên hệ sinh thái rất độc đáo hàng trăm năm qua thì vườn thú này không thể tồn tại.
“Chứng nhân” lịch sử
Sở thú hiện có trên 2.500 cây xanh thuộc 360 loài, trong đó có trên 700 cây cổ thụ. Ngoài một số cây lấy gỗ du nhập từ các nước châu Phi, châu Úc, Indonesia, Malaysia có giá trị kinh tế cao, trong Sở thú còn có nhiều cây ăn trái cũng được nhập về và trồng thử, đến nay đã phát triển nhiều và đã trở thành đặc sản Nam bộ, được thế giới biết đến như: xoài, vú sữa, măng cụt, sầu riêng...
Sở thú được hình thành trên một góc rừng miền Đông Nam bộ, thuộc kiểu rừng mưa nhiệt đới, nay vẫn lưu dấu tích như: cây mét ở góc Bảo tàng lịch sử, cây lòng mang lá nhỏ ở khu đảo vượn, cây cườm thị ở khu nhà tròn kỳ lân, cây râm ở khu văn phòng, cây tung ở khu hồ sen, cây giáng hương, gõ đỏ, gõ mật, cây mù u... Trong đó có nhiều cây quý trong sách đỏ như: Giáng hương, gõ đỏ, gõ mật, lim xanh, lát hoa, kơ nia, cẩm lai bông...
 
Cây Sọ khỉ lớn nhất Việt Nam tại Sở thú.
Sở thú hiện có khá nhiều loài cây tuổi thọ cao hàng hiếm, thuộc dạng nguy cấp. Đứng dưới tán một “cụ” dầu con rái cổ thụ có mã số 844, cao trên 32m, được xem là cao nhất so với những cây cùng loại tại đây, chị Lê Thị Ngọc Mai, Giám đốc Xí nghiệp thực vật cho biết, trong khuôn viên Sở thú hiện có 110 cây dầu con rái, tạo bóng mát cơ bản cho nhiều loài thú ở phía dưới. Chị Mai cho biết quần thể cây dầu con rái này cũng là chứng tích của một cánh rừng nguyên sinh của miền Đông Nam bộ hàng trăm năm trước còn sót lại.
Sở thú còn nhiều cây rất quý hiếm như trầm hương, mặc nưa (mắc nưa, mạc nưa, mac leua), lát hoa, gõ đỏ, đinh... Chúng tôi được chị Mai dẫn đi xem một “cụ” sọ khỉ (quen gọi là xà cừ) cạnh khu hồ sen. “Cụ” sọ khỉ này có nguồn gốc từ châu Phi, được đưa về đây trồng cuối thế kỷ XIX. Với đường kính khoảng 4m, phải 8 người ôm mới hết, cao trên 40m, “cụ” này được xác định là cây sọ khỉ lớn nhất Việt Nam.
Cách “cụ” sọ khỉ khoảng 20m, là “cụ” cây tung - một trong những cây quý hiếm và thuộc hàng lâu đời nhất ở đây, có tuổi đời trên 150 năm. “Cả Sở thú chỉ còn một cây này. Cây tung có đường kính thân 1,2m và cao hơn 20m, có bộ rễ bạnh đồ sộ rất đẹp nên được nhiều du khách ưa thích chụp hình”, chị Mai cho biết.
Ở khu vực nuôi hà mã có  một “cụ” giáng hương trên 200 tuổi. Khi thành lập Sở thú, nó đã có mặt ở đây hơn nửa thế kỷ rồi. Nhựa của giáng hương màu đỏ như máu. Là loài gỗ quý, bền, có mùi thơm, có vân rất đẹp, không con mối mọt nào đụng tới... nên ở các cánh rừng bên ngoài, giáng hương bị săn lùng khai thác rất dữ. Loài này được ghi vào Sách đỏ Việt Nam, thuộc dạng nguy cấp.
Cách “cụ” cây giáng hương khoảng 15m là cây hợp hoan thơm - loài khổng lồ và quý hiếm. Cây có lớp vỏ nhẵn bóng, đường kính thân 1,46m, cao hơn 25m, tầng nhánh đẹp cao vút. Cách đó không xa là 3 cây trầm hương quý giá và cũng thuộc hàng “cụ”.
Cây mét ở bên phải Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh, phía ngoài cổng Thảo cầm viên, các nhánh mọc sum sê. Cây chính già mục gốc và bị đổ do mưa bão. Cây này cũng là một trong những cây lâu đời nhất ở đây với tuổi đời gần 200 năm.
Cạnh khu chuồng hổ trắng Bengal, một “cụ” dạng dây leo um tùm, bò lên những ngọn cây khác, có chiều dài phải đến gần 50m, bao phủ cả một khu vực rộng lớn. “Đây chính là cây dây gùi, có lẽ là đại diện duy nhất và cuối cùng của rừng nguyên sinh xưa còn lại. Cây dây gùi này có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, khẳng định nguồn gốc hình thành của vùng đất Sài Gòn xưa”, chị Mai cho biết.
Theo nhiều tài liệu, chúng tôi được biết trung tâm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh xưa kia cũng từng là một khu rừng nguyên sinh lớn. Theo thời gian, rất nhiều thảm thực vậy đặc hữu bị dẹp bỏ, chỉ giữ lại những cây cổ thụ lớn. “Cụ” dây gùi này lâu năm hơn Thảo cầm viên, được nhân viên chăm sóc cây xanh của Sở thú xem đây như là “cây thần”, tuyệt đối không được có hành động nào làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của “cụ”. Mỗi ngày, “cụ” dây gùi này càng vươn dài, các nhân viên phải xây dựng hệ thống giá đỡ cho cây.
 
Cây Dây gùi được cho có tuổi cao hơn Sở thú.
Ở đây còn rất nhiều cây quý như lát hoa, gõ mật, gõ đỏ, đinh, cẩm lai bông, cây đầu lân... Gần khu chuồng voi là  một cây cao su cũng thuộc hàng “cụ tổ” của loài này tại Việt Nam. “Cụ” cây cao su này có thân hình không lớn, chỉ khoảng 2 người ôm, nhưng gốc cây có những ụ nổi to thể hiện sự “gạo cội” của nó.
Những giá trị nghiên cứu khoa học
Ông Nguyễn Quốc Hưng - “Chủ tịch Sở thú” cho rằng, đây có thể là cây cao su cao tuổi nhất Việt Nam. Thú thật khi mới nghe nhận định này, chúng tôi hơi ngờ ngợ bởi trước đó, chúng tôi từng nghe kể về những “cụ” cây cao su được trồng vào năm 1906 và quần thể này hiện đang tồn tại ở vườn cao su tại ấp Phan Bội Châu, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Một số người cũng tán đồng giả thuyết của ông Hưng và cho rằng điều đó có cơ sở, bởi trước thời điểm được trồng đại trà tại Việt Nam, cây cao su được trồng thử nghiệm ở một số nơi. Vườn Thực vật Sài Gòn - tên gọi ban đầu của Thảo cầm viên là nơi đầu tiên của Việt Nam người Pháp đưa cây cao su vào trồng thử nghiệm năm 1878. Tuy nhiên, cũng theo tài liệu này, việc trồng thử nghiệm cây cao su tại đây không thành công.
Một tài liệu cho thấy, cây cao su chính thức thâm nhập vào Việt Nam được ghi nhận bởi việc ông E.Raoul - một dược sỹ người Pháp vào hải quân từ năm 1865. Sau một chuyến công du ở Viễn Đông, năm 1897, ông đã gửi giống cao su về cho ông G.Capus - Tổng Giám đốc Nông nghiệp Đông Dương (ở Sài Gòn).
Một thời gian ngắn sau đó, thấy cây cao su có thể thích nghi và phát triển được tại Việt Nam, nhà nước thời Pháp thuộc và tư nhân bắt đầu tiến hành thử nghiệm trồng cao su khoảng 1.000 cây tại Trạm ông Yệm (Bến Cát, Bình Dương) và 200 cây chuyển cho Dr. A.Yersin - Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang thành lập đồn điền Suối Dầu - cách Nha Trang 20km. Hai năm sau, 5.000 cây cao su con tiếp tục được phân phối cho các nhà trồng tỉa người Pháp để trồng rải rác ở nhiều địa phương, khắp miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, cũng trong năm này, ông Achard, khi đó là Giám đốc Nông nghiệp Nam Kỳ rất “mặn” với việc khai thác những cây cao su rừng sẵn có, không quan tâm đến trồng những cây cao su phải mất thời gian ít nhất 7-8 năm mới cho thu hoạch mủ lứa đầu. Chính vì vậy, giai đoạn này, việc tập trung trồng cây cao su chỉ là sự quan tâm của đồn điền nhỏ của tư nhân.
 
Một “cụ” Giáng hương được cho là ngang tuổi với Thảo cầm viên (ảnh trái); một “cụ” Tung có gốc và rễ khá ấn tượng.
Và đây cũng là điều dễ hiểu khi từ năm 1906 trở về trước gần chục năm, tờ tin của Phòng Nông nghiệp Nam Kỳ không đăng một thông tin nào có liên quan đến việc thực nghiệm cao su đang diễn ra. Năm 1907, khi công ty cao su đầu tiên được thành lập là Suzannah (Dầu Giây, Long Khánh, Đồng Nai), người ta mới nhìn nhận công bằng về tiềm năng cây cao su được đồng hóa, ngành công nghiệp cao su Việt Nam cũng được chính thức ghi dấu từ đây...
Câu chuyện “cụ tổ” cây cao su nghi khoảng 140 tuổi đang tồn tại ở Sở thú có thể là đề tài nghiên cứu thú vị cho các nhà khoa học.
Để bảo vệ cây, lãnh đạo Xí nghiệp thực vật cho chúng tôi tận mắt những “cụ cây” cây trao trảo, cẩm lai bông được hỗ trợ bằng giá đỡ thép rất chắc chắn đề phòng cây bị ngã đổ, nhất là vào mùa mưa bão. Kế bên chuồng linh cẩu, chúng tôi thấy có 2 gốc cây to nằm nghiêng. “Cơn bão cách nay 7 năm làm 2 cây này đổ. Rất may, có nhiều cây to xung quanh đỡ lại chứ không nó đổ xuống đè bẹp khu nhà chế biến thức ăn và chuồng linh cẩu rồi”, chị Mai cho biết.
Tại Sở thú cũng có ban phòng chống lụt bão. Khi nơi đây dự báo sắp có mưa bão, cán bộ và nhân viên được phân công trực ngày đêm để xử lý tình huống trong trường hợp có cây đổ, tét nhánh. Nhân viên trực tiếp chăm sóc cây xanh tại Sở thú đều học hành hết sức bài bản. Hầu hết đã được tham gia khóa tập huấn do Cộng đồng đô thị Lyon PADDI (Pháp) tổ chức tập huấn về kỹ thuật và phương pháp quản lý cây xanh đô thị.
Trong 12 năm phụ trách Thảo cầm viên Sài Gòn (1865-1877), “ông Tây” J.B Louis Pierre (1833-1905; người sáng lập và là giám đốc đầu tiên) đã để lại một di sản quý giá là bộ sưu tập hơn 100.000 tiêu bản (hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Thực vật thuộc Viện Sinh học nhiệt đới TP Hồ Chí Minh) và hàng ngàn cây cổ thụ trên các công viên và đường phố khu trung tâm TP Hồ Chí Minh hôm nay.

Lãnh đạo Sở thú cho biết hiện đã xây dựng phòng tiêu bản thực vật, với mục đích lưu giữ các mẫu quả thực vật đã và đang được chăm sóc tại đây. Công trình bổ sung mẫu và thực hiện tập tiêu bản thực vật thu được tất cả 400 mẫu thuộc 100 loài dây leo và cây thân gỗ theo các chỉ tiêu: 40% cây đẹp làm cảnh; 26% cây có giá trị trong công nghiệp; 46% cây cho gỗ tốt; 71% cây làm thuốc; 20% cây có tên trong Sách đỏ; 1% cây đặc hữu của Việt Nam. 100 mẫu đẹp nhất được chọn làm tiêu bản và được trưng bày để phục vụ khách tham quan.

Thái Bình-Nguyễn Cảnh (An ninh thế giới Online)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.