Chuyện về thác Mẹ Con

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tình mẫu tử luôn được tôn vinh và trường tồn. Kể cả với những hiện tượng tự nhiên, con người cũng có cách lý giải, quy nạp về tình cảm thiêng liêng ấy. Ở làng Đak Ung (xã Đak Nhoong, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum), trong hút sâu đại ngàn Trường Sơn giáp biên nước bạn Lào, cũng có một biểu tượng về tình mẫu tử. Đó là thác nước Mẹ Con.

Thác Mẹ Con chính là đầu nguồn suối Đak Ung. Đi theo đường tuần biên của Bộ đội Biên phòng, từ xa đã nghe tiếng thác rì rầm réo rắt như vọng lại lời nỉ non than thở một nỗi niềm riêng sâu thẳm.

 

Thác Mẹ Con. Ảnh: T.V.S
Thác Mẹ Con. Ảnh: T.V.S

Từ ruột núi cao, dòng nước trong veo ầm ào đổ xuống, đến lưng chừng thì tách thành 2 dòng ôm quanh một tảng đá đen to xù xì, có dáng người phụ nữ nằm ngửa, rồi nhập lại ở phía khe sâu, tạo nên dòng suối mát lượn quanh làng Đak Ung khiến làng đẹp như một bãi nổi giữa bốn bề trùng điệp núi non.

Hàng năm, vào khoảng sau Tết Nguyên đán, đồng bào Giẻ Triêng ở đây có một lễ hội lớn rước nước từ thác Mẹ Con về làng, gọi là lễ Xen-đuk Kơ-no. Lễ Xen-đuk Kơ-no bắt nguồn từ một truyền thuyết đẹp nhưng buồn như nước mắt.

Chuyện kể rằng xưa kia, sau một cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc, một làng Giẻ Triêng nọ tan tác, số người sống sót chạy thất tán vào rừng sâu ẩn nấp. Trong dòng người trốn chạy ấy có một người mẹ trẻ, sau khi chồng tử chiến để giữ làng, người vợ vội bồng đứa con gái nhỏ nhập theo đoàn người lánh sự truy đuổi. Chạy miết, chạy miết… đến khi mẹ con lạc dấu đoàn người, lọt vào một nơi rừng hoang núi thẳm, không còn biết lối nào ra.

Giữa mùa khô khắc nghiệt, đất không còn một dòng nước nhỏ. Cũng không tìm đâu ra một thứ cây lá nào ăn được để cầm hơi. Sữa mẹ đã cạn khô, đứa con gái nhỏ đói khát lả dần trên tay mẹ. Người mẹ bất lực ngó trời, ngóng đất, vọng núi, van rừng cầu khẩn nhưng cuối cùng cũng đành đau đớn nhìn con lả dần rồi chết lịm trên tay. Người mẹ kiệt sức khẽ khàng đặt con xuống đất rồi nằm kề bên, gối đầu lên tảng đá, nhìn xác con mà khóc. Người mẹ khóc đến không còn khóc nổi nữa thì cũng thiếp dần vào giấc ngàn thu.

Lạ thay, từ bục đá gối đầu đã thấm đẫm dòng nước mắt đau thương của người mẹ trẻ liền xuất hiện một mạch nước trong veo mát rượi tuôn ra. Dòng nước mát chia 2 dòng bao quanh đứa bé như vòng tay ôm ấp, rồi chảy xuôi xuống lũng thấp thành con suối nhỏ. Từ đó dòng suối trôi mãi về xuôi, không bao giờ dứt.

Sau đó, qua bao ngày đói khát tả tơi trong cuộc chạy trốn, đoàn người làng vô tình cũng lạc đến đúng nơi mẹ con người thiếu phụ bất hạnh vừa chết. Họ ngạc nhiên khi gặp ở đây một dòng nước mát của con thác đẹp hoang sơ, bèn bàn nhau dừng chân tụ lại lập làng.

Một đêm nọ, người già trong làng mộng thấy một người thiếu phụ bồng đứa con gái nhỏ lê từng bước chân mệt nhọc leo lên cầu thang, ngồi ở ngoài nói vọng vào gian bếp, nơi người già đang ngủ bên tàn lửa ấm. Người thiếu phụ kể về câu chuyện thương tâm của mẹ con mình. Nghe xong, người già nhận ra ngay đấy chính là vợ người chiến binh đã chết trong trận tử chiến giữ làng năm xưa.

Sáng hôm sau, người già cho họp cả làng, kể lại giấc mơ. Làng đồng lòng gọi tên thác là “Mẹ Con” và đặt tên làng là Đak Ung với ý nghĩa: Đak là nguồn nước, Ung là tụ hội, hợp thành.

Không biết có phải từ sự phù hộ của linh hồn 2 mẹ con hay không mà từ đó làng Đak Ung ngày mỗi thêm đông đúc, sung túc, yên vui. Bà con đều tin như vậy, nên hàng năm ngoài những lễ hội đã có từ trước, làng Đak Ung còn có lễ Xen-đuk Kơ-no để tưởng nhớ đến mẹ con người đàn bà bất hạnh ấy.

Vào ngày chính lễ, từ sớm tinh mơ, già làng dẫn một phụ nữ khỏe mạnh, giỏi giang và một bé gái đẹp xinh, lanh lẹ đã được làng chọn cử trước đó, đi lên đầu nguồn thác. Già đặt lễ vật lên tảng đá được cho là nơi người mẹ gối đầu. Lễ vật thường là nắm cơm to với con cá đồng hoặc con chuột đồng đã nướng chín. Già khấn xin trời đất, khấn mời 2 mẹ con về chứng kiến và chung vui với dân làng, phù hộ cho năm nay mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, xóm làng yên vui…  Trong khi đó, 2 người phụ nữ mang những trái bầu khô to đẹp mới được làm sạch hứng đầy dòng nước mát trong trẻo giữa thác để mang về làng. Đây là nước thiêng, sẽ được treo ở nhà rông. Đến năm sau, khi nước trong bầu đã khô hết thì lại có lễ rước nước mới.

Khi ba người rước nước về làng thì tại sân nhà rông đã đông đủ dân làng quanh cây cột gưng với dàn cồng chiêng và đội xoang đang đợi. Tại đây, già làng lại làm lễ đặt nước vào nơi thờ phụng, cầu an cho dân chúng, mùa màng. Phẩm vật mỗi nhà đóng góp tự mang theo đã bày sẵn quanh sân. Mọi người bắt đầu vào hội, ăn uống no say, nói những lời chúc tụng… Cuộc vui kéo hết ngày sang đêm, bên tiếng vọng âm âm của thác và tiếng róc rách ngân nga của con suối ngoài xa.

Muốn đến thác Mẹ Con, từ thị trấn Đak Glei đi chừng 20 cây số, qua các cụm làng Đak Ra, Pen Sen, Đak Đoát. Đến đây, rẽ theo con đường chạy thẳng vào hun hút một vùng núi non che chắn, đến làng Đak Nhoong, rồi theo đường tuần biên, qua trung tâm xã chừng 4-5 cây số về phía biên giới Việt-Lào thì gặp thác. Câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt đã được bà con Giẻ Triêng cụ thể hóa, khắc tạc vào thiên nhiên một chứng tích trường tồn muôn thuở.

…Ở Tây Nguyên, đi một bước đường là gặp một cảnh đẹp. Mỗi cảnh đẹp gần như gắn liền với những truyền thuyết đẹp. Những truyền thuyết đẹp chính là trầm tích văn hóa bản địa đầy tính nhân văn lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn người Tây Nguyên để thêm yêu thêm quý mảnh đất quê hương xứ sở của mình.

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.