Chuyện về lá cờ “Giải phóng Gia Lai 1965”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Bảo tàng tỉnh Gia Lai vừa tiếp nhận một hiện vật liên quan đến lịch sử phong trào cách mạng của tỉnh, đó là cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam-"Giải phóng Gia Lai 1965". Xác định đây là hiện vật quý, có ý nghĩa giáo dục truyền thống nên Bảo tàng tỉnh đã tiến hành bảo quản, lập hồ sơ khoa học và trưng bày giới thiệu đến công chúng.

Ngược dòng lịch sử về thời điểm sau Hiệp định Genève (1954) về Đông Dương, Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định, thẳng tay đàn áp, khủng bố những người kháng chiến, đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III vào tháng 9-1960, Đảng chỉ đạo phải xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất ở miền Nam nhằm tập hợp lực lượng cách mạng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 20-12-1960, đại biểu các giai cấp, dân tộc và tôn giáo đã tổ chức Đại hội tại vùng giải phóng Tây Ninh, quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt trận đề ra chương trình hành động tóm tắt gồm 10 điều, chọn hiệu kỳ hình chữ nhật, nửa đỏ, nửa xanh và có ngôi sao vàng ở giữa.

Kể từ đó, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (gọi tắt là cờ giải phóng). Đây là lá cờ lấy khuôn mẫu của Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, song thay một nửa ở dưới bằng màu xanh, ở giữa vẫn là ngôi sao vàng năm cánh. Nửa màu đỏ ở trên tượng trưng cho miền Bắc độc lập. Nửa màu xanh ở dưới tượng trưng cho miền Nam còn đang chiến đấu cho khát vọng hòa bình.

Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam-”Giải phóng Gia Lai 1965”. Ảnh: N.A.M

Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam-”Giải phóng Gia Lai 1965”. Ảnh: N.A.M

Ngày 6-6-1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cùng với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam hiệp thương thống nhất, tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam, cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Quốc kỳ Cộng hòa miền Nam Việt Nam kế thừa hiệu kỳ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, chính là cờ giải phóng.

Cờ giải phóng được sử dụng ở miền Nam từ năm 1960 đến năm 1976. Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bị sụp đổ, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi. Sau ngày giải phóng, tại các trụ sở công quyền, trường học... ở miền Nam thường treo cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng bên cạnh nhau.

Tại Hội nghị hiệp thương ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI quyết định thống nhất Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam với tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chọn cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ chính thức. Cũng từ đó, lá cờ giải phóng trở thành chứng nhân lịch sử, ghi dấu một thời kỳ hào hùng của dân tộc.

Lá cờ “Giải phóng Gia Lai 1965” trưng bày tại Bảo tàng tỉnh được may bằng vải, hình chữ nhật có chiều dài 73 cm, chiều rộng 53 cm. Nền cờ chia 2 phần bằng nhau, bên trên màu đỏ, bên dưới màu xanh, các dòng chữ “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” (bên trên), “Giải phóng Gia Lai 1965” (bên dưới) và ngôi sao vàng 5 cánh đều được thêu thủ công. Lá cờ do ông Nguyễn Văn Nam-Trợ lý của đồng chí Nguyễn Văn Nên-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tặng UBND tỉnh. Sau khi tiếp nhận, UBND tỉnh đã trao lại cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, trưng bày.

Ông Nam có sở thích tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu cũ. Khi rảnh rỗi, ông thường tìm đến các tiệm đồ cũ ở TP. Hồ Chí Minh để tìm kiếm tài liệu. “Trong một lần ghé qua tiệm đồ cũ, tôi đang loay hoay lật tìm tài liệu trong chồng sách báo cũ, vô tình nhìn thấy lá cờ được gấp ngay ngắn, kẹp trong đó. Tôi nghĩ đây là cờ giải phóng nên mở ra xem. Khi thấy lá cờ thêu dòng chữ “Giải phóng Gia Lai 1965”, tôi mua lại và hỏi những thông tin liên quan, nhưng tiếc rằng người bán cũng không biết. Vì trên lá cờ có chữ “Giải phóng Gia Lai 1965” nên tôi liên hệ Văn phòng UBND tỉnh ngỏ ý tặng lá cờ cho tỉnh”-ông Nam cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về lá cờ “Giải phóng Gia Lai 1965”, ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy-nhớ lại: “Năm 1965, lá cờ giải phóng xuất hiện phổ biến ở vùng căn cứ cách mạng Krong (huyện Kbang) với nhiều kích thước khác nhau, làm bằng vải hoặc bằng giấy, nhưng tôi chưa thấy lá cờ nào có dòng chữ “Giải phóng Gia Lai 1965”. Tuy nhiên, đây đúng là lá cờ được may từ thời kỳ đó”.

Mặc dù còn thiếu thông tin để lý giải dòng chữ “Giải phóng Gia Lai 1965” nhưng lá cờ là hiện vật lịch sử quý giá liên quan đến phong trào cách mạng của tỉnh, minh chứng cho khát vọng đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước của các thế hệ cha anh đi trước.

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng Đảng: Sắp xếp tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động

Xây dựng Đảng: Sắp xếp tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động

(GLO)- Để tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các huyện, thị xã, thành phố triển khai mô hình trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị và trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam.

Đổi mới phong cách, lề lối làm việc và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy

Đổi mới phong cách, lề lối làm việc và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên tại hội nghị tổng kết 5 năm công tác xây dựng Đảng (2020-2025) và tổng kết 15 năm thi hành Điều lệ Đảng (2011-2025) do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức chiều 29-3.
Chuẩn bị tổ chức cuộc thi về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai năm 2024

Chuẩn bị tổ chức cuộc thi về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai năm 2024

(GLO)- Sáng 11-3, đồng chí Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai năm 2024 chủ trì cuộc họp Ban Tổ chức và Hội đồng Giám khảo cuộc thi.

Những già làng hết mình vì cộng đồng

Những già làng hết mình vì cộng đồng

(GLO)-Nhiều già làng trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò trong việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Đảng bộ xã Ia Tôr phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo

Đảng bộ xã Ia Tôr phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo

(GLO)- Năm 2023, Đảng bộ xã Ia Tôr là đơn vị cấp xã duy nhất được Huyện ủy Chư Prông công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Để có được thành tích này, Đảng bộ xã đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng nông thôn mới.

Chư Pưh tập trung chỉ đạo đại hội Mặt trận các cấp

Chư Pưh tập trung chỉ đạo đại hội Mặt trận các cấp

(GLO)- Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp là sự kiện chính trị quan trọng. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã quan tâm chỉ đạo triển khai đại hội Mặt trận cấp xã, tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam huyện Chư Pưh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2024-2029).