(GLO)- Từ khi được hoàn thành vào cuối năm 2012, con đường bê tông của làng Jun (xã Yang Bắc, Đak Pơ) đã góp phần mang lại nhiều đổi thay trong cuộc sống cho người dân địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là thành quả đầu tiên và duy nhất ra đời trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tại xã đặc biệt khó khăn này.
Vượt khó trong khâu vận động
Từ khi có chủ trương, chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát địa bàn và tuyên truyền cho người dân trong xã hiểu về lợi ích của việc làm đường giao thông nông thôn; đồng thời, vận động bà con đóng góp công sức, tiền của để thực hiện. Tuy nhiên, việc làm này, lúc đó đã không nhận được sự đồng thuận từ phía dân làng.
Con đường sạch đẹp hiện tại ở làng Jun. Ảnh: Hồng Thi |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc, chia sẻ: “Có thể với một số địa phương, việc làm 200 mét đường là chuyện giản đơn. Thế nhưng với một xã đặc biệt khó khăn như Yang Bắc, đồng bào dân tộc chiếm hơn 70% số dân thì chẳng phải là điều dễ dàng. Nhận thức của người dân vẫn còn khá hạn chế, cộng với cuộc sống còn nghèo khiến họ rất ngại trong chuyện đóng góp tiền của. Ban đầu, chúng tôi tính vận động nhân dân toàn xã cùng đóng góp để xây dựng đường theo kiểu xoay vòng, tức nay làm làng này, đợt sau làm ở làng khác. Mục đích là để chia nhỏ số tiền bà con phải đóng góp trong mỗi đợt nhưng không được. Sau đó, xã chuyển sang giải pháp thứ hai là đường của làng nào thì làng ấy làm rồi tập trung tuyên truyền, vận động ở một làng nhất định. Và làng Jun được chọn là địa bàn tiên phong”.
Ông Cường lý giải việc xã chọn làng Jun làm trước: Mặc dù 100% dân làng là người Bahnar nhưng so với 14 làng còn lại thì tình hình kinh tế-xã hội cũng như hoạt động phong trào đoàn, hội ở đây phát triển tương đối mạnh. Công tác tuyên truyền, thuyết phục, theo đó cũng sẽ dễ dàng hơn. “Đầu tiên cũng có nhiều bà con thắc mắc tại sao một số làng khác không phải đóng góp gì mà vẫn có đường đẹp để đi. Phải mất một thời gian dài, phân tích, giải thích, rằng xây dựng con đường này là mang lại lợi ích cho chính họ nên mới đồng lòng hưởng ứng”-ông Cường nói.
Đoạn đường 200 mét ở làng Jun được xây dựng với tổng kinh phí trên 180 triệu đồng, trong đó 50% là vốn của Nhà nước, còn lại là tiền đóng góp, cụ thể: dân làng Jun góp gần 17 triệu đồng (55 hộ dân, mỗi hộ là 300.000 đồng); chi đoàn thanh niên của làng ủng hộ 20 triệu đồng; xã vận động từ phía các doanh nghiệp hoạt động và đóng chân trên địa bàn được hơn 20 triệu đồng. Với sự góp sức của dân làng và Trung đoàn 38 (thuộc Sư đoàn Bộ binh 2), sau gần một tháng thi công, con đường đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Nhờ nâng cấp con đường, việc đi lại, sản xuất của người dân đã dễ dàng hơn. Ảnh: Hồng Thi |
Những đổi thay tích cực
Trước đây, người dân làng Jun vô cùng ngán ngẩm trước thực trạng nắng bụi, mưa lầy của tuyến đường này. Vì đây là con đường huyết mạch dẫn ra cánh đồng sản xuất và liên đới giữa các làng nên dân làng cũng bao phen dở khóc dở cười với nó. Ông Đinh Jen nhớ lại: “Lúc chưa làm đường, hễ trời mưa lớn là ngập, nước tràn cả vào sân nhà. Rút nước rồi thì đường lại trơn trượt, lầy lội. Mấy lần chúng tôi chở lúa, chở mì về bị ngã nhào lấm lem hết”. Ngồi cạnh bên, anh Đinh Kiêm tiếp lời: “Nắng lên thì đất bùn nhão nó khô lại làm cho mặt đường gồ ghề rất khó đi, còn bốc bụi mịt mù nữa, nhà mình sát bên đường nên cứ phải chịu ngửi bụi thôi”.
Bây giờ, những cái lo ấy đã không còn nữa, từ khi con đường được nâng cấp, việc đi lại và vận chuyển nông sản trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn gấp bội phần. “Nay thì đi vô tư rồi, nông sản có thể đưa 1 chuyến là về tận nhà chứ không phải bỏ ra nhiều tiền để tăng-bo nữa, xe chở mía cũng chạy được luôn mà. Mới đầu khi nghe cán bộ xã vận động làm đường, dân làng mình còn e dè không ưng cái bụng, giờ thì thấy rõ lợi ích rồi, phấn khởi lắm”- anh Kiêm hồ hởi khoe.
Không chỉ thế, con đường làng được làm lại sạch đẹp cũng góp phần đưa trẻ em nơi đây đến gần hơn với con chữ. Tình trạng vắng học nhiều vào mùa mưa, hay lếch thếch vào lớp với bộ quần áo lấm lem bùn đất đã không còn nữa. Nhiều em đã sử dụng xe đạp thay vì đi bộ đến trường.
Cuộc sống của bà con làng Jun những năm qua đã có thêm nhiều khởi sắc. Bên cạnh những nguyên nhân khác, việc có được con đường an toàn, thuận lợi để đi cũng là một yếu tố góp phần tạo được sức bật cho mảnh đất còn nghèo khó này.
Hồng Thi