Thời điểm này năm ngoái, Bộ NN&PTNT tổ chức một hội nghị về triển khai xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc khi chúng ta vừa mở được thị trường này.
Khi đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh ông muốn thông qua câu chuyện trái sầu riêng để nhìn lại toàn bộ chuỗi ngành hàng, để hình dung lại lợi thế và thách thức, xem còn gì chưa thông suốt. Bởi ông không muốn cả ngành hàng sầu riêng đi vào vết xe đổ của trái vú sữa Lò Rèn, từng có thời kỳ huy hoàng những năm đầu xuất khẩu, sau dần vắng bóng. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh“muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
Tròn một năm sau, chỉ cách đây ít ngày, một hội nghị tìm giải pháp phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng lại được tổ chức. Buồn thay, nhiều nhức nhốiđang diễn ra đã làm đau lòng những người tâm huyết với sầu riêng. Tình trạng tranh mua, tranh bán, bỏ cọc, hủy kèo, gian lận mã số vùng trồng, vi phạm kiểm dịch thực vật, thậm chí cắt trái non để hưởng giá bán cao… vẫn còn xảy ra, gây ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của ngành hàng sầu riêng.
Giám đốc của một hợp tác xã trồng sầu riêng ở Đắk Lắk chia sẻ họ gặp tình trạng thương lái đến mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng. Một nông dân khác cũng nói vườn của họ chưa được cấp mã số vùng trồng nhưng vẫn được thương lái đến mua đem đi xuất khẩu. Mức lợi nhuận cao khiến cả người đang làm cò đất cũng rẽ sang buôn sầu riêng, gạ gẫm nông dân bỏ cọc, hủy giao kèo.
Tất cả hệ quả này là do quản lý còn lỏng lẻo, chế tài chưa đủ mạnh, liên kết chuỗi còn rời rạc. Quan trọng nhất là ý thức của nhiều người trong các mắt xích còn rất mơ hồ, chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của mình trong chuỗi liên kết đó. Quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết chưa có, nhận thức về việc phát triển bền vững ngành hàng chưa cao.
Bộ NN&PTNT cho biết đang làm việc với Bộ Tư pháp, xin phép Chính phủ cho phép xây dựng thêm hai nghị định: Nghị định về hướng dẫn cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói và nghị định về chế tài, xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Bộ cũng giao Cục Trồng trọt xây dựng tiêu chuẩn về sản xuất, trước tiên áp dụng cho trái sầu riêng, sau đó là các loại trái cây khác để đảm bảo đủ ngày, đủ độ chín mới được thu hoạch.
Đây là giải pháp đúng và cần thiết lúc này nhưng cần được thực hiện thật nhanh, quyết liệt. Sầu riêng là mặt hàng lợi thế, chiến lược của Việt Nam. Nếu làm chuẩn chỉnh, con số 2-3 tỉ USD xuất khẩu mỗi năm chắc hẳn không xa. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ có một thương hiệu để bạn bè quốc tế nhớ đến mỗi lần nhắc đến Việt Nam.