Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh) vào tuần tới diễn ra trong bối cảnh hai nước đối mặt với nhiều mối đe dọa, đặc biệt trên lĩnh vực an ninh, sau những diễn biến căng thẳng gần đây tại khu vực, thách thức bản lĩnh ngoại giao và sự dày dạn kinh nghiệm chiến lược của hai nước. Nó được đánh giá như một sự khởi đầu kỷ nguyên mới cho quan hệ song phương giữa hai nước.
![]() |
Trong khi Ấn Độ bị lôi kéo vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc liên quan tới cao nguyên Doklam, Nhật Bản đang phải đau đầu tìm kiếm các biện pháp đối phó với Triều Tiên, đặc biệt sau vụ thử bom nhiệt hạch và vụ thử tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Trong khuôn khổ chuyến đi, Thủ tướng Abe sẽ đặt nền tảng cho dự án xây dựng tuyến hành lang đường sắt cao tốc đầu tiên của Ấn Độ, nối giữa thủ đô Mumbai và thành phố Ahmedabad thuộc bang Gujarat ở miền tây Ấn Độ; thúc đẩy dự án chuyển giao công nghệ tàu siêu tốc (bullet train) của Nhật Bản cho Ấn Độ, sau thất bại tại Indonesia khi Nhật Bản để mất hợp đồng vào tay của Trung Quốc.
Dưới thời ông Abe, Nhật Bản đang cố tranh giành sự ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt trước sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực này. "Chiến lược Tự do và Mở cửa Ấn Độ- Thái Bình Dương" của Nhật Bản được xác định đóng vai trò then chốt đối với sự ổn định và an ninh kinh tế của Tokyo.
Về phía Ấn Độ, việc Trung Quốc xây dựng cảng biển Hambantota tại Sri Lanka được xem như lời cảnh báo khi Bắc Kinh đang cố xâm nhập vào những khu vực vốn được New Delhi xem là sân sau của mình.
Do không tham gia vào Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của Bắc Kinh, Ấn Độ buộc phải tìm kiếm những mô hình phát triển cơ sở hạ tầng khác thay thế. Trong khi tham gia vào các dự án như dự án đường cao tốc ba bên giữa Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan (IMT), Ấn Độ cũng hợp tác với Nhật Bản phát triển Sáng kiến Hành lang Tăng trưởng Á Phi (AAGC) với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng ở châu Á.
Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận hợp tác trên phương diện an ninh hàng hải, đánh dấu quan hệ hàng hải ở tầm cao mới giữa hai nước. Hai nước hiện đang duy trì một cuộc tập trận hải quân chung mang tên JIMEX kể từ năm 2012. Trước đó, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận hải quân Malabar quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Vịnh Bengal.
Ấn Độ và Nhật Bản cũng muốn thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự sau khi thỏa thuận hạt nhân dân sự hai nước gần đây bắt đầu có hiệu lực.
Cũng trong khuôn khổ chuyến đi, hai bên cân nhắc khả năng ký kết thỏa thuận về việc cung cấp máy bay trinh thám hải quân US-2i của Nhật Bản cho Ấn Độ, thỏa thuận vốn bị trì hoãn trong nhiều năm qua.
Trên thực tế, quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản đang ngày càng trở nên thân thiết hơn. Nhật Bản là nước duy nhất được phép đầu tư vào khu vực Đông Bắc Ấn Độ và quần đảo Andaman và Nicobar. Trong khi đó, Nhật Bản là nước được Thủ tướng Ấn Độ Modi chọn làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi lên nắm quyền hồi tháng 5.2014.
Tóm lại, với nhiều điểm tương đồng về lợi ích, chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của Thủ tướng Abe được đánh giá là đặt nền móng cho giai đoạn phát triển quan hệ mới giữa hai nước.
Hồng Hà (Theo Diplomat)