(GLO)- Dù sống nơi đất khách quê người, nhưng với những người đi xuất khẩu lao động họ luôn một lòng hướng về quê hương. Ở đó là quê cha đất tổ là gia đình bạn bè và người thân. Chính vì vậy họ luôn chăm lo lao động sản xuất chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của nước sở tại và vẫn giữ được những nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc…
Xuất khẩu lao động vừa giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho mỗi người và cũng đã đóng góp phần ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Trong một chuyến du lịch xứ sở Kim Chi-Hàn Quốc, may mắn tôi gặp được những người lao động Việt Nam đang làm việc tại Seuol theo chương trình hợp tác lao động giữa hai Nhà nước Việt-Hàn. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, nhưng những con người mà tôi gặp luôn chất chứa những tấm lòng yêu quê hương.
Ở Hàn Quốc quản lý việc sử dụng các mạng điện thoại rất chặt chẽ, mỗi người chỉ được sử dụng một số điện thoại, thủ tục đăng ký không dễ chút nào. Đối với khách du lịch phải thuê 3 USD/ngày, đặt cược thuê máy là 300 USD/máy, cuộc gọi 1,2 USD/phút. Vì vậy tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của chị Minh Nguyệt, hướng dẫn viên người Việt đang làm việc tại Hàn Quốc, và cả sự cam kết về những rủi ro không mong muốn, trong thời gian tách đoàn. Cũng chính sự giúp đỡ ấy mà tôi đã có cơ hội gặp những lao động Việt Nam đang làm việc tại đây.
Anh Nguyễn Trọng Hoàn, sinh năm 1984, quê huyện Thạch Thất ngoại thành Hà Nội sang Hàn Quốc từ cuối năm 2011 đến nay gần 3 năm. Vì cuộc sống ở quê nhiều khó khăn nên anh tìm cho mình phương án đi xuất khẩu lao động. Lúc mới đến cũng có nhiều bỡ ngỡ, nhưng giờ anh đã hòa nhập được với cuộc sống sở tại. Anh tâm sự: Đa số người Việt Nam xuất khẩu lao động sang đây là lao động phổ thông, chủ yếu làm việc ở các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nhân xây dựng, lắp ráp, may mặc... tại các công trường, nhà máy hoặc ở các công ty gia đình. Bản thân tôi đang làm việc tại một công ty chuyên lắp ráp thiết bị điện tử về điện thoại, công việc ổn định, áp lực công việc không vất vả lắm, làm việc sáu ngày trong tuần, bắt đầu làm việc lúc 8 giờ 30 phút sáng và kết thúc vào 17 giờ 30 phút mỗi ngày. Sau một tiếng làm việc lại được nghỉ giải lao 10 phút, nghỉ trưa 30 phút, phép hàng năm được nghỉ theo quy định của nước sở tại, nếu không nghỉ công ty sẽ thanh toán bằng tiền.
Góc phố bán hàng đêm JeJu-Hàn Quốc. Ảnh: Đình Viện |
Về thu nhập khá ổn định, bình quân từ 1.000 USD đến 1.200 USD/tháng/người, một số người có thu nhập 1.500 USD/tháng, cá biệt có người đạt 2.000 hoặc hơn 2.000 USD/tháng, đó là những người làm việc ở lĩnh vực nặng nhọc, độc hại như xây dựng, ngư nghiệp... Với mức thu nhập như vậy, sau khi trừ các khoản chi phí cho sinh hoạt như tiền ăn, tiền thuê chỗ ở mỗi tháng hết khoảng 400-500 USD/tháng. Số tiền còn lại gửi về cho gia đình ở Việt Nam, mỗi năm cũng được trên dưới 200 triệu đồng..
Khác với anh Nguyễn Trọng Hoàn, Nguyễn Văn Trang, sinh năm 1987, quê ở xã Cẩm Yên, Hà Nội, anh sang đây được hơn 4 năm. Là một lao động phổ thông, được tiếp xúc với nhiều người nên anh khá hiểu về tính kỷ luật, cũng như nhu cầu sử dụng lao động của nước bạn. Anh cho biết: Mức lương trả cho người lao động phổ thông ở đây tương đối cao, công việc lại ổn định, khi gặp rủi ro, tai nạn lao động, công ty sử dụng lao động tại Hàn Quốc hỗ trợ đầy đủ với mức bảo hiểm khá cao. Công ty anh đang làm có nhiều quốc tịch khác nhau như Thái Lan, Trung Quốc, Băng La Đét… khi tôi hỏi về khả năng của người lao động Việt Nam ở đây thì khuôn mặt anh sáng lên nhưng rồi có chút gì đó hơi buồn.
Một góc chợ ăn nhanh. Ảnh: Đình Viện |
Anh kể, những lao động người Việt Nam được các doanh nghiệp và người Hàn Quốc ưa thích nhất bởi tính cần cù, chịu khó, sáng tạo tiếp thu công việc nhanh, hòa nhập nhanh môi trường sinh hoạt và làm việc. Tuy nhiên, các công ty của Hàn Quốc cho rằng tật xấu của người Việt là hay yêu sách, tính kỷ luật không cao, tự ý bỏ việc, bỏ công ty đi làm chỗ thu nhập cao hơn, trong khi đó người Hàn họ đề cao tính kỷ luật trong làm việc, đó là lý do mà các công ty e ngại khi ký hợp đồng với lao động Việt Nam. Để cuộc sống nơi đất khách quê người bớt đi nỗi nhớ nhà, cộng đồng người Việt luôn gắn bó với nhau, kịp thời trợ giúp nhau mỗi lúc hoạn nạn.
Thời gian đầu mới sang, chưa quen sinh hoạt cũng có trở ngại, đảo lộn như giờ giấc, ăn uống sau rồi quen, hơn nữa món ăn của người Hàn chế biến cũng dễ ăn, có nét giống với ta. Người Việt ở bên này cũng đông, vài ba người thường thuê nhà ở chung, mua đồ tươi sống tự nấu ăn, còn người Hàn thì họ hay sử dụng đồ ướp lạnh để chế biến bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, vào các dịp cuối tháng nhận lương, lễ, tết hoặc tiễn những người cùng quê hết thời hạn về nước, anh em đồng hương làm việc gần nhau góp tiền chung tay nấu ăn, trò chuyện với nhau cũng vui, cũng vơi bớt nỗi nhớ vợ con và gia đình, đó là thiệt thòi lớn nhất của những người khi làm việc xa xứ.
Cùng quan điểm với anh Trang, anh Phạm Văn Tuấn người quê Ninh Bình cho biết thêm: Hiện nay, lao động Việt hết thời hạn, ở lại bên Hàn Quốc bất hợp pháp là tương đối đông, họ đối mặt với rất nhiều rủi ro như khi bị phát hiện sẽ bị cảnh sát bắt giữ, phạt và trục xuất về nước, tai nạn xảy ra không được pháp luật bảo vệ, luôn sống trong tình trạng bất an, không được tái nhập cảnh Hàn Quốc kể cả đi du lịch sau này... Thậm chí có mâu thuẫn với chủ sử dụng lao động như không thể đòi được tiền lương, có trường hợp giám đốc đã báo với cơ quan chức năng của Hàn Quốc đến bắt tại nhà trọ phần thiệt thòi vẫn về mình.
Quán ăn Việt Nam tại Seuol-Hàn Quốc. Ảnh: Đình Viện |
Các anh cũng được biết, mới đây Nhà nước Việt Nam ta có quy định đối với những người trốn ở lại trái phép, phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, không những vậy còn liên đới tới người thân, gia đình. Chính vì vậy, các anh cố gắng làm việc, kể cả làm thêm vào những ngày nghỉ như anh đang phụ giúp cho chủ cửa hàng bán sâm tại chợ Anyang ở Seuol, để kiếm thêm thu nhập, hết thời hạn hợp đồng các anh sẽ về nước. Sức khỏe còn tốt sẽ làm thủ tục đi lại, Nhà nước ta tạo điều kiện thuận lợi và được ưu tiên hơn các đối tượng khác.
Còn rất nhiều người Việt đang lao động tại Hàn Quốc mà tôi gặp, đều có chung suy nghĩ như thế. Ở đó đôi lúc nhớ nhà đến da diết, nhưng họ vẫn vượt lên tất cả để lao động kiếm tiền chính đáng. Ở đời ai lại muốn sống xa quê, nhưng vì cuộc sống, nên đành vậy, lao động kiếm thêm thu nhập cho gia đình, gửi ngoại tệ về sẽ làm giàu thêm cho đất nước. Dù ở đâu đi chăng nữa nhưng giá trị văn hóa của dân tộc họ luôn giữ thông qua những ngày lễ ngày Tết, những lần tụ họp đồng hương. Những lúc gặp bạn bè nước ngoài bằng chút ít ngoại ngữ có được họ vẫn nói chuyện về đất nước và con người Việt cho bạn bè quốc tế hiểu thêm về đất nước Việt Nam. Tôi hiểu những việc làm nhỏ như thế của các anh đã góp phần quảng bá hình ảnh con người và đất nước tươi đẹp của chúng ta đến bạn bè quốc tế.
Chia tay những người Việt tại Seoul, cái bắt tay nồng ấm, những lời hỏi thăm, những câu dặn dò bằng tiếng mẹ đẻ đã làm cho lòng tôi ấm lại giữa những ồn ào của thành phố hiện đại và xen lẫn những tiếng Hàn.
Đình Viện