Chuyện lính biên phòng cắm bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là Đội trưởng vũ trang, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng và nay là Phó Bí thư Đảng ủy xã, người chiến sĩ biên phòng chúng tôi quen năm nào gắn vận mệnh của mình với vùng cao biên giới. Tri ân đồng đội, trọn nghĩa với dân là những gì chúng tôi thấy được trong cuộc đời cao đẹp đó.

Tiếng chổi tre bên hè ủy ban nhân dân xã

Sau bữa liên hoan chia tay đồng chí Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bạch Đích (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) chúng tôi được “biên chế” về ủy ban nhân dân xã ngủ nhờ. Trời đêm tịch mịch, sương đêm nặng trịch, ánh trăng hạ tuần dường ngả màu xanh. Mặc dù đã đi công tác tại vùng cao nguyên đá này nhiều lần nhưng đây mới là lần đầu tôi vào xã Bạch Đích. Thật hữu duyên gặp người quen cũ là đồng chí bộ đội biên phòng quen biết tại một nơi xa lắc…

Trung tá Lê Bá Khánh Trình (thứ 2, bên phải) cùng nhân dân cải tiến kỹ thuật, tăng gia sản xuất.

Trung tá Lê Bá Khánh Trình (thứ 2, bên phải) cùng nhân dân cải tiến kỹ thuật, tăng gia sản xuất.

Hơn mười năm trước, chúng tôi có dịp đi thực tế Đại đội 19 Công binh của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang vào rà phá bom mình tại vùng biên giới thuộc xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì. Trong thời gian cắm chốt, chúng tôi được sự giúp đỡ nhiệt thành của cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Bản Máy. Nhớ dịp đó, xã Bản Máy gặp mưa lớn, đường giao thông bị chia cắt, cán bộ chiến sĩ đồn căng sức giúp dân. Tôi nhớ mãi ánh mắt cương nghị và khuôn mặt có phần góc cạnh của đồng chí đội trưởng đội vũ trang luôn đi đầu trong những công việc khó khăn, gian khổ nhất. Đồng chí có cái tên rất dễ nhớ: Lê Bá Khánh Trình. Khi được hỏi, đồng chí cười hiền: Bố em thích em về sau học giỏi toán như thầy Lê Bá Khánh Trình, người được giải thưởng toán học quốc tế rất nổi tiếng thời những năm 80.

Sinh ra tại quê hương Lập Thạch, Vĩnh Phúc, Lê Bá Khánh Trình là hình ảnh điển hình của một cậu bé hiếu học nơi quê nghèo. Từ nhỏ đã phải tham gia lao động phụ giúp gia đình, lớn lên một chút gia nhập vào đội ngũ thanh niên làm thuê trong cái nghề rất phổ biến ở miền quê này là chặt tre. Trong hoàn cảnh đó, anh luôn luôn khát khao vươn lên trong cuộc sống thông qua việc học. Qua quá trình tự ôn luyện rất chăm chỉ, năm 2004 anh đã thi đỗ vào Học viện Biên phòng. Trong quá trình học tập và công tác, từ vị trí đội trưởng đội vũ trang cho đến phó đồn trưởng đồn biên phòng, đồng chí có rất nhiều sáng tạo, cùng với nhiều đề án được phê duyệt đóng góp cho công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Bản thân đồng chí cũng nhiều lần được được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen. Năm 2023, Trung tá Lê Bá Khánh Trình được điều động về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đích.

Đêm biên giới, nằm trò chuyện với người đồng đội cũ tôi cảm thấy trong lòng thật ấm áp. Tôi bày tỏ sự áy náy ở lần gặp trước, chứng kiến việc anh kèm cặp chiến sĩ trong đồn biên phòng Bản Máy ôn thi đại học, tôi đã rất muốn viết một bài nêu gương. Cứ nghĩ lại ở cái nơi heo hút ấy, bộ đội hai năm mới về nhà một lần, phần vì nhiệm vụ giữ chân phần vì đồng lương chẳng đủ đi lại, việc học hành, mơ ước sao cứ xa xôi. Nhưng anh đã thổi bùng lên ngọn lửa cho chiến sĩ trẻ biết say mê học tập để tạo dựng cuộc sống sau này… Chuyện chỉ giản dị thế nhưng đặt trong khung cảnh ấy bỗng trở nên lấp lánh lạ thường. Biết anh là thương binh từ cái thời ở Bản Máy, tôi gạn hỏi mới biết trong lần tuần tra biên giới ở địa hình phức tạp, núi dốc, trơn trượt để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và truy quét tội phạm mua bán người vào tháng 3/2014 ở khu vực Mốc 209 anh đã gặp tai nạn, thương tật 40%.

Điều trị nhiều lần ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mới tạm ổn song phải tự luyện tập nhiều nếu không sẽ trở thành tật. Cảm động nhất là người cha, ông cũng là thương binh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Ông nói rằng: Là người chỉ huy không chỉ biết giữ an toàn cho bản thân mà còn phải nghĩ đến đồng đội. Lần đó, đồng đội đã cõng anh băng rừng qua quãng đường dài mới về tới đơn vị. Tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, ấm áp trong câu chuyện ru tôi vào giấc ngủ.

Tôi tỉnh giấc khi nghe tiếng chổi tre bên thềm. Trời còn tối lắm, tiếng chổi tre khoan nhặt song rất đều đặn. Tôi có thể hình dung người quét đang dùng mũi chổi hất khẽ những chiếc lá kẹt trong khe đất, rồi lại đều đều từng nhát, từng nhát rất tỉ mẩn, nhẫn nại. Chờ tiếng chổi tre đi xa tôi mới đi ra cửa phòng làm vài động tác hít thở. Ồ, lạ chưa kìa, Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy xã đang quét sân. Chị lao công thấy tôi ngó trân trân bèn giải thích: Các anh ấy tập thể dục buổi sáng.

Đội tuần tra biên giới của Đồn Biên phòng Bạch Đích.

Đội tuần tra biên giới của Đồn Biên phòng Bạch Đích.

Vào nơi “sơn cùng thủy tận”

“Là sĩ quan biên phòng đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí thấy đáng nói nhất điều gì?”. “Nhiều điều mới lạ anh ạ, đó là môi trường công tác mới, gần dân, sát dân gắn bó với cấp ủy, chính quyền, là điều kiện để bản thân được thể hiện, vận dụng cũng như học hỏi và tham mưu kiến thức quân sự quốc phòng, biên phòng được đào tạo trong quân đội vào xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, thắt chặt tình quân - dân máu thịt, giữ vững chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới trên địa bàn” - Trung tá Lê Bá Khánh Trình nói.

Bạch Đích là xã biên giới nằm cách trục đường 4C hơn 10km, cách thị trấn Đồng Văn 60km và cách thành phố Hà Giang 80km… Vào đến đây có thể gọi là “sơn cùng thủy tận” rồi. Xã có xuất phát điểm thấp nhiều chỉ tiêu nông thôn mới khó đạt được trong thời gian ngắn hạn song chủ trương của tỉnh, huyện và xã là dần khắc phục khó khăn, giúp dân phát triển kinh tế bền vững. Trong nhiệm kỳ này, xã xác định điểm đột phá từ cải tạo vườn tạp, thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, xóa bỏ mê tín, hủ tục, phong tục lạc hậu…

Xã Bạch Đích có mật độ dân cư thưa, thành phần dân tộc đa dạng với 12 dân tộc anh em. Xã Bạch Đích còn được biết đến như là nơi khởi nguồn của lễ hội Lồng tồng (lễ hội xuống đồng) của người vùng cao biên giới Hà Giang. Những năm qua cùng với chủ trương của Đảng, Nhà nước khuyến khích người dân bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã đã có nhiều hoạt động khôi phục các nghi lễ, lễ hội, góp phần tạo dấu ấn của Bạch Đích trên bản đồ du lịch của tỉnh Hà Giang. Song, bên cạnh mặt tích cực đấy vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, nhất là trong việc tang ma, hiếu hỉ.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đích Lê Bá Khánh Trình cho biết: Do nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đúng về việc thực hành tín ngưỡng cũng như thiếu thông tin nên trên địa bàn xã vẫn tồn tại một số hủ tục lạc hậu. Ví dụ như việc giữ người chết trong nhà quá lâu, tổ chức tang ma hiếu hỉ kéo dài làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, mất sức lao động. Đối với những trường hợp này, Đảng ủy xã ngoài phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở tổ chức vận động, thuyết phục còn phải tranh thủ những người có uy tín, trưởng bản và thầy cúng để giải thích cho nhân dân hiểu về phong tục, nghi lễ nhưng không trái với quy định của pháp luật.

Đặc biệt, vừa qua đồng chí Trình đã trực tiếp tuyên truyền vận động thành công 02 hộ gia đình người Nùng có người chết trong tháng 9 Âm lịch đưa thi thể vào áo quan, tổ chức chôn cất ngay trong 24 giờ, không như trước đây để thi hài người chết nhiều ngày trên mặt đất, không chôn, gây ô nhiễm môi trường… sau đó làm đám tang nhỏ gọn, giết mổ ít gia súc, gia cầm tránh lãng phí, tốn kém, kết quả trên là bước đột phá của xã Bạch Đích trong xóa bỏ hủ tục lạc hậu năm 2023.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Đích tham gia tuyên truyền tại cơ sở.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Đích tham gia tuyên truyền tại cơ sở.

Là một cán bộ Biên phòng tăng cường xã, nhiệm vụ của Trung tá Lê Bá Khánh Trình là thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng công an, quân sự phối hợp với Đồn Biên phòng Bạch Đích tuần tra bảo vệ biên giới, địa bàn, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Hỗ trợ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xã phối hợp với Đồn Biên phòng Bạch Đích tổ chức tuần tra biên giới, tuyên truyền chủ trương đường lối chính sách, các văn bản pháp luật liên quan biên giới, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, chính sách phát triển kinh tế -xã hội, xóa đói giảm nghèo, bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Vận động các hộ gia đình theo tà đạo "San sư khẹ tọ" quay trở về thờ cúng tổ tiên theo phong tục tập quán truyền thống. Phát huy vai trò của cán bộ tăng cường các xã biên giới và đảng viên đồn biên phòng tham dự sinh hoạt chi bộ thôn biên giới trong xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.

Nói về vai trò cầu nối, tham mưu, chỉ đạo công tác phối hợp của các cán bộ biên phòng tăng cường thôn bản, Thiếu tá Nguyễn Bình Minh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bạch Đích cho biết: “Những năm qua, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp, đùm bọc, tạo điều kiện giúp đỡ hết sức quý báu của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các xã biên giới, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Đích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng biên cương ngày càng phát triển”.

Nhiệm vụ mới còn nhiều khó khăn song chúng tôi luôn tin tưởng rằng trong vòng tay đồng đội và sự tin yêu của nhân dân, Trung tá, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đích Lê Bá Khánh Trình sẽ tiếp tục chinh phục nhiều đỉnh cao quyết thắng.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.