(GLO)- Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức và cả xã hội về tư duy, cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trong đó, có 3 trụ cột chính gồm: chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Tại phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số-nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Công tác chuyển đổi số phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số, nhất là hợp tác công tư, song không theo cách “trăm hoa đua nở”; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Trọng Đường: “Để chuyển đổi số tốt, cần mấy yếu tố. Một là tư duy nhận thức, là vai trò của người đứng đầu. Hai là cuộc cách mạng về thể chế. Ba là nguồn nhân lực. Bốn là hạ tầng. Năm là tinh thần doanh nghiệp sáng tạo”. Vì thế, chuyển đổi số là quá trình lâu dài, bền bỉ mà tiên quyết là tư duy, đặc biệt là người đứng đầu. Sự thay đổi trong nhận thức, nhìn xa, trông rộng và xây dựng kế hoạch, dẫn dắt tập thể tiến lên từng bước nhỏ của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chuyển đổi số. Bản thân mỗi người cũng cần nhận thức rõ chuyển đổi số chính là làm chủ công nghệ, luôn luôn đổi mới, luôn luôn sáng tạo, đem nền tảng số phục vụ cho công việc, cho đời sống, tạo nên những giá trị mới chứ không đơn giản là việc ứng dụng. Nếu hạ tầng công nghệ được đầu tư bài bản song không hiểu đúng, hiểu rõ về chuyển đổi số, không quyết liệt, không đổi mới, thay đổi thể chế thì rất dễ dẫn đến lãng phí tài nguyên. Chỉ khi có được tư duy đúng, nhận thức đúng mới phát huy được sức mạnh của các yếu tố còn lại, tạo được sự chuyển biến rõ nét, bắt nhịp với cả nước và thế giới cùng chuyển đổi số.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% (kế hoạch là 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% (vượt 1%); tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91% (kế hoạch là 85%)… Cả nước đã phát triển 35 nền tảng số quốc gia. Bên cạnh đó, các bộ, ngành phối hợp phát triển 50 nền tảng số khác, trong đó có 18 nền tảng phục vụ chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số… Công tác xây dựng chính phủ số được quan tâm, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP ước tính đạt 10,41%...
Hòa cùng với cả nước, tiến trình chuyển đổi số đang được tỉnh Gia Lai thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2021, theo danh sách do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Gia Lai xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số. Đây là kết quả đáng ghi nhận của một địa phương còn nhiều khó khăn. Xác định chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, ngày 20-1-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến 2025, định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh Gia Lai đến năm 2030”. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU. Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và tận dụng các nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số. Chương trình cũng nêu rõ một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số như nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông-vận tải và logistics, công nghiệp và năng lượng, tài nguyên và môi trường, du lịch, tài chính ngân hàng. Không chỉ vậy, thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng thực hiện ký kết quy chế phối hợp chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tài chính-ngân hàng…, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chung của toàn tỉnh.
Chuyển đổi số là một quá trình đa dạng và không có một mẫu số chung. Vì vậy, trên hành trình đó, mỗi tổ chức, cá nhân cần phải có nhận thức, tư duy đúng, phải xác định rõ mục tiêu cần đạt đến và đề ra kế hoạch, lộ trình cụ thể, đồng thời quyết tâm thực hiện, năng động, sáng tạo, phát huy hết những công năng mà công nghệ số đem lại để tạo nên những giá trị, cơ hội tốt đẹp hơn.
PHƯƠNG VI