Chuyện chưa kể của nhiếp ảnh gia 102 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm nay đã 102 tuổi nhưng nhiếp ảnh gia tiền bối xứ Huế Võ Viết Đức vẫn còn khỏe và minh mẫn. Sống qua hai thế kỷ, ông là nhân chứng hiếm hoi còn lại của giai đoạn lịch sử đầy biến động.
102 tuổi, nhà nhiếp ảnh vẫn minh mẫn, tập thể dục mỗi ngày - Ảnh: MINH TỰ
102 tuổi, nhà nhiếp ảnh vẫn minh mẫn, tập thể dục mỗi ngày - Ảnh: MINH TỰ
Hôm nay, trong căn nhà nhỏ kề bên Thành nội, những câu chuyện ông kể ở tuổi 102 vẫn rành mạch như bao giờ...
Đừng làm việc chi mà mình không ưng ý, sẽ gây phiền não, khổ tâm thì chết sớm.
ông Võ Viết Đức
Nhân chứng lịch sử
Võ Viết Đức sinh năm Mậu Ngọ 1918 tại phường Thái Trạch, Thành nội Huế. Học xong bằng sơ học yếu lược thì phải nghỉ học đi làm thợ. Nằm cách nhà ông không xa là quảng trường Ngọ Môn.
Buổi chiều 30-8-1945, anh thanh niên Võ Viết Đức có mặt trong đám đông dân chúng chứng kiến cuộc thoái vị của vua Bảo Đại. 
Ngay sau đó, anh đăng ký vào lực lượng Giải phóng quân Thuận Hóa và được đưa về làm thư ký văn phòng của ông Lê Tự Đồng, ủy viên quốc phòng Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên, đặc phái viên quân sự của khu 4 tại Huế (sau này là trung tướng, phó giám đốc Học viện Quân sự cấp cao).
Đáp lời kêu gọi từ Nam Bộ kháng chiến, cuối tháng 9-1945, Võ Viết Đức có mặt trong đoàn Giải phóng quân Thuận Hóa Nam tiến và chiến đấu tại chiến trường Nha Trang. Đầu năm 1946, Đức về lại Huế và được phân công làm bảo vệ cho chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Trung Bộ Trần Hữu Dực.
Tháng 10-1946, ông tháp tùng chủ tịch Trần Hữu Dực đi suốt hai ngày đường từ Huế ra Hà Nội, để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp dự hội nghị Fontainebleau trở về. Sau đó, ông được lệnh đưa hai cán bộ cao cấp vô Vinh và Huế, chính là ông Cù Huy Cận, bấy giờ là thứ trưởng Bộ Nội vụ của chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ cộng hòa và nhà thơ Xuân Diệu, lúc đó là đại biểu Quốc hội khóa 1. 
"Đó là chuyến đi nhớ đời của tui, vì được tháp tùng hai người nổi tiếng và cùng hai ông chứng kiến những hình ảnh đau thương sau trận đói Ất Dậu suốt dọc đường đi từ Hà Nội vô Vinh. Cũng chuyến đi đó đã thúc tui tìm đến cái máy ảnh" - ông Đức nói.
Tổng bí thư Lê Duẩn thăm hòa thượng Thích Thanh Trí - trụ trì chùa Bảo Quốc - Ảnh: VÕ VIẾT ĐỨC
Tổng bí thư Lê Duẩn thăm hòa thượng Thích Thanh Trí - trụ trì chùa Bảo Quốc - Ảnh: VÕ VIẾT ĐỨC
Nhiếp ảnh gia lão luyện
Duyên nợ với nhiếp ảnh của ông bắt đầu từ buổi sáng khi đoàn tàu chở Hồ Chủ tịch từ Hải Phòng chạy vô ga Hàng Cỏ ở phố Hàng Lọng (Hà Nội). "Nhìn thấy mấy anh ký giả đeo máy ảnh thiệt oai, lại được đến gần Chủ tịch để chụp ảnh, tui ước chi mình cũng có được cái máy đó". 
Và lý do thứ hai, một bí mật bây giờ ông mới thổ lộ, bị "sét đánh" bởi vẻ đẹp của cô con gái thiếu tướng Lê Thiết Hùng, khu trưởng khu 4, trong buổi chiều ông cùng Huy Cận và Xuân Diệu từ Hà Nội vô đến Vinh. 
Cô gái ấy từ quê lên thăm cha. Giữa chiến trường bốn bề đổ nát xuất hiện một thiếu nữ mặt trái xoan, quần lụa đen, áo trắng, tóc dài ngang lưng khiến chàng trai Huế sững cả người. "Lúc nớ nếu có cái máy ảnh thì cô gái đẹp ấy vô ảnh tui rồi" - ông Đức cười tươi nhớ lại.
Năm 1947, mặt trận Huế vỡ, em trai ông là chiến sĩ Việt Minh bị Pháp giết chết, ông ra khỏi tù và trở về chăm lo cha mẹ già. Võ Viết Đức mua ngay chiếc máy ảnh hiệu Lumiere của Pháp để kiếm sống bằng nghề "chụp bóng" và theo đuổi đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Một mình ông vừa chụp vừa tự làm kỹ thuật phòng tối để tráng phim, rọi ảnh.
Cho đến khi ông chuyển sang nghề thư ký đánh máy ở tỉnh đường Thừa Thiên thì chiếc máy ảnh trở thành công cụ để săn tìm cái đẹp. Đó là những năm đầu thập niên 1960, bộ môn nhiếp ảnh đã thịnh hành ở Huế với hàng loạt phòng ảnh mọc lên ở khu vực cửa Thượng Tứ, đường Trần Hưng Đạo, Ngã Giữa...
Cái tên Võ Viết Đức đã xuất hiện trong làng nhiếp ảnh xứ Huế cùng với những tên tuổi nổi tiếng của nhiếp ảnh cố đô: Nguyễn Khoa Lợi, Tôn Thất Dung, Lê Quang, Trần Nguyên Cáo, La Cảnh Lưu, Ích Sanh, Lê Viêm... Ông Đức cùng với Nguyễn Khoa Lợi, Nguyễn Hữu Đính kết thành nhóm bạn nhiếp ảnh, ngày nào cũng gặp nhau, xem ảnh, bình luận, góp ý cho nhau. 
Ông Đức kể để có tấm ảnh đẹp là phải nghĩ cho ra cái tứ thật hay, góc chụp thật lạ. Chụp xong thì vô phòng tối để tiếp tục pha trộn thuốc cho ra cái màu ưng ý. Phóng ảnh xong thì đưa ra cho bạn bè xem, góp ý, rồi sửa đi sửa lại cho đến khi nào hoàn chỉnh mới thôi.
Cái tên photo Võ Viết Đức xuất hiện đều đặn dưới những ảnh thời sự, phóng sự ảnh trên các báo và tạp chí miền Nam... Năm 1978, nhiếp ảnh gia Võ Viết Đức là một trong những thành viên sáng lập phân hội nhiếp ảnh Bình Trị Thiên. Ông thường tháp tùng cùng nhạc sĩ Trần Hoàn, trưởng Ty văn hóa thông tin Bình Trị Thiên, đi khắp tỉnh để sáng tác ảnh và có mặt tại các sự kiện quan trọng để chụp tư liệu.
Trong kho ảnh của ông vẫn còn những ảnh tư liệu của thời kỳ này, trong đó có tấm ảnh rất hiếm hoi Tổng bí thư Lê Duẩn trò chuyện với hòa thượng Thích Thanh Trí, trụ trì chùa Bảo Quốc, trong lần ông Duẩn vô thăm Huế đầu tiên sau ngày thống nhất... Kho ảnh tư liệu quý giá ấy vẫn được ông lão 102 tuổi cất kỹ và chưa ai có dịp soạn lại.
Trong lần ông vô thăm Huế ngay sau ngày đất nước thống nhất 1975 và Chiều ở vùng quê mới - Ảnh: VÕ VIẾT ĐỨC
Trong lần ông vô thăm Huế ngay sau ngày đất nước thống nhất 1975 và Chiều ở vùng quê mới - Ảnh: VÕ VIẾT ĐỨC
Người sống hơn một thế kỷ
Mỗi ngày ông thức dậy lúc 5h sáng, tập thể dục, xem thời sự trên tivi để biết tình hình trong nước, nghe radio để biết tin tức thế giới. Ăn sáng một chén cháo hoặc một gói mì, xong lại tập thể dục, rồi nấu cơm trưa. 
Lúc chúng tôi đến, thấy một nồi cơm điện đã chín, ông đang lúi húi lấy cá từ tủ lạnh ra kho. Đôi chân già nhích từng bước nhưng ông vẫn xua tay không cần hỗ trợ. Con cái đều ở xa, sống với mấy đứa cháu nhưng ông luôn tự lo cho mình, không làm phiền đến ai.
Ông cầm tờ giấy lên, đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ tự tặng mình trong lần bị tai nạn xe lúc 88 tuổi: "Ta sống trời dung dưỡng ta/Ta chết thì đất chôn ta". 
Hỏi ông về bí quyết sống thọ, ông cười: "Lúc trẻ chăm tập thể thao, không rượu, thuốc lá, chỉ uống cà phê nhưng có chừng mực. Lúc già đừng thức dậy là trà lá, cũng đừng tẩm bổ nhiều mà cực thân. Và điều quan trọng nhất là: đừng làm việc chi mà mình không ưng ý, sẽ gây phiền não, khổ tâm thì chết sớm".
Và ông cười khà lần nữa: "Đời rứa thôi, đòi hỏi chi cho nhiều!".
Lớp người sống đẹp
Nhiếp ảnh gia Võ Viết Đức là một trong những gương mặt điển hình của nhiếp ảnh Huế thời chiến tranh và cũng là người tiếp nối phát triển nhiếp ảnh Huế thời bình. Có một bức ảnh ông chụp thời chiến tranh triển lãm ở Sài Gòn năm 1961 với ý tứ rất lạ mang thông điệp khát vọng hòa bình.
Và tại cuộc triển lãm đầu tiên thời bình, năm 1978, ông lại gây ấn tượng với những bức ảnh về vẻ đẹp dung dị của Huế. Điều đáng quý nhất, ông thuộc lớp người sống đẹp, có cốt cách văn hóa, có lý tưởng vì Tổ quốc - vì nhân dân.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Khoa Quả
(nguyên chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế)
MINH TỰ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.