Về đâu xóm chài Tam Bạc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tin xóm chài Tam Bạc, TP Hải Phòng nhiều năm tuổi sẽ di dời khiến bao phận người nơi đây vô cùng lo lắng. Họ sẽ đi đâu, về đâu trong khi hạn di dời đã 'gõ mạn thuyền'...
Gia đình bà Lê Thị Linh trong “tiệc” liên hoan nhỏ của con cháu dưới thuyền - Ảnh: TÂM LÊ
Gia đình bà Lê Thị Linh trong “tiệc” liên hoan nhỏ của con cháu dưới thuyền - Ảnh: TÂM LÊ

Nếu lên bờ, chúng tôi mong được làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân, đi xin việc dễ hơn. Con cái cũng được đến trường học, ốm đau thì vào viện.

Người dân xóm chài Tam Bạc.
Tôi ghé xóm chài trước hạn di dời, khung cảnh sau dịch càng vắng lặng. Những mỏm thuyền ximăng cũ kỹ chúc vào bờ trên dòng sông cạn. Bên trên là dãy nhà cao tầng của phường Minh Khai, quận Hồng Bàng.
4 đời lênh đênh
Muốn xuống thuyền, tôi phải leo qua hàng rào sắt bờ kè to bằng bắp chân, cao ngang bụng người. Những đoạn ống sắt nhẵn bóng vì qua lại, người già và trẻ nhỏ phải kê thêm gạch, gỗ làm điểm tựa. Đây là lối đi (đúng ra là lối trèo) duy nhất của xóm chài trong hàng thập kỷ qua.
"Đường" dẫn vào thuyền cụ Lê Văn Sinh, một trong số ít gia đình đến ngụ cư sớm nhất ở xóm chài, làm bằng ván ghép tạm gập ghềnh. 
"Gia đình tôi cố định ở đây 34 năm rồi. Trước đó, bố mẹ neo thuyền ở bến Mễ Trai, xích lên trên một khúc sông, sau chuyển về đập đá cùng vài gia đình. Cuối cùng ra đây cho tiện chợ búa, đường sá, dân cư cũng đông đúc" - bà Lê Thị Linh, con gái cụ Sinh, cho biết.
Bà Linh theo bố mẹ từ bến Hải Dương phiêu dạt về Hải Phòng, 60 năm chưa từng rời sông nước. Bà có 7 người con, một người mất vì bệnh tật, một bị đuối nước khi 4 tuổi, chồng cũng mất vì bệnh đã 10 năm.
Lật tấm ván sàn lôi lên chiếc mâm nhôm, bà Linh khoe: "Nó bị cơn bão lớn 10 năm trước hất xuống sông, tôi mua lại với giá 20.000 đồng để làm kỷ niệm. 
Cơn bão năm đó cuốn đi mọi thứ, tôi nằm ngủ phải thả một chân xuống đáy thuyền, khi nào thấy bắp chân lạnh thì bò dậy tát nước ra ngoài để thuyền khỏi chìm. Vài bận tát trời mới chịu sáng".
Hồi sinh người con thứ 5, vừa cắt dây rốn được vài tiếng thì tàu than cập bến, chủ tàu giục gấp, bà phải bỏ con một chỗ để đi đội than. Chủ tàu sau đó biết bà vừa sinh nở đã mừng lễ rất hậu, cho nào chuối, nào đường sữa. 
"Người ta có câu "ai giàu ba họ, ai khó ba đời", nhà tôi ở đây 4 đời rồi cũng không thấy khá lên được" - bà Linh cười tếu mà giọng thoảng buồn.
Những “chiếc cầu” tạm bợ nối xóm chài với bờ
Những “chiếc cầu” tạm bợ nối xóm chài với bờ
Bến trong, bến đục
Tại sao lại chọn bến Tam Bạc? Ông Lê Văn Thực - 65 tuổi, chủ một gia đình lớn, dày dạn sông nước - trải lòng: "Vì đây là khúc sông nhỏ, không có tàu lớn đi qua nên không sợ sóng đánh chìm những chiếc thuyền cũ mục, nhỏ bé của chúng tôi. 
Ngoài cá tôm, ở đây còn có nguồn vật liệu sắt dưới đáy sông, có thể đào lên bán kiếm thêm thu nhập. Vị trí lại giáp trung tâm thành phố, dân cư đông, chợ búa tiện lợi".
Nhưng thực tế cũng có nhiều cái khó, ông Thực chùng giọng: "Gia đình 6-7 người ở trên một chiếc thuyền nhỏ, mọi sinh hoạt đều phải chờ đợi, nhường nhịn, san sẻ cho nhau. Mưa bão, già trẻ phải lên bờ trú ẩn, chỉ một người ở lại canh thuyền".
Mùa nóng, bãi thuyền này bốc mùi hôi thối, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nước sạch và điện sáng chỉ mới có vài năm trở lại đây, người dân trên bờ thương tình cho mắc nhờ, nhưng phải chịu đóng tiền mức cao nhất trong thang số điện, nước.
Có người nói may là một hôm có vị lãnh đạo trung ương đi qua thắc mắc: Sao thời buổi này còn có bà con ở ngay thành phố lớn mà không được dùng điện? Từ đó, xóm chài mới được mắc đường dây điện riêng, giá rẻ.
"Tôi sinh nở đều dưới thuyền, có đứa nào được đi viện đâu, chỉ có đèn dầu, mưa bão thì phải lọ mọ" - bà Lụa, vợ ông Thực, nói xen vào. 
Ông bà có 8 người con, 15 người cháu và 2 chắt. Hồi chiều, ông Thực dong thuyền về nhưng không có cá. "Hôm nay bám thuyền xa thế mà cả buổi không được con nào, lại tốn tiền dầu máy!" - ông than thở.
Vợ thường xuyên ốm đau, ông Thực là trụ cột chính của gia đình, may mắn trời cho sức khỏe. Hơn 60 tuổi, ông vẫn bám tàu để đánh bắt xa bờ, lặn đào sắt dưới đáy sông hoặc lặn trục vớt bất kỳ thứ gì mà người ta thuê, thậm chí sẵn sàng giúp vớt xác chết.
"Có lúc làm ra tiền nhưng nhà đông người quá, một người làm nuôi ba, bốn người thì làm sao dư được. Giờ thì cá tôm hết rồi, sắt dưới đáy sông cũng cạn. Lúc nào kiếm được mối thì bị bọn "đầu bò" ăn chặn. Có lần đem về ba bao tải sắt, bị trộm lấy mất bao đắt giá nhất" - ông Thực ngậm ngùi.
Buổi tối, ông Lê Văn Giang, em họ ông Thực, cũng đến góp chuyện. Hai người nhớ lại những ngày bẻ đôi củ sắn cho nhau, người khỏe nhường cơm người ốm. Gia đình ông Giang cũng quy tụ đông con cháu, ông nói: "Bến phà này đã có nhiều kỷ niệm với chúng tôi, đi chắc sẽ nhớ lắm!".
Xóm chài Tam Bạc nghèo khó đang chuẩn bị di dời - Ảnh: T.LÊ
Xóm chài Tam Bạc nghèo khó đang chuẩn bị di dời - Ảnh: T.LÊ
Khát vọng lên bờ
Người dân trong xóm đã nhận được giấy thông báo của UBND phường Minh Khai yêu cầu ký di dời vào ngày 15-4-2020. Nhưng bà con vẫn lo vì chưa biết dời đi đâu, tất cả vẫn đang mòn mỏi chờ một chính sách nhân ái của lãnh đạo TP để được định cư.
"Nếu lên bờ, chúng tôi mong được làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân, đi xin việc dễ hơn. Con cái cũng được đến trường học, ốm đau thì vào viện. 
Ở sông nước mãi cực khổ lắm rồi, nhìn đây này, trán ai cũng đầy sẹo vì húc phải mái vòm thuyền, lúc nào đi đứng cũng phải khom lưng. Có người còn ngã gãy tay, gãy chân, trẻ con thì chết đuối... sợ lắm!" - các con của bà Linh thi nhau kể nỗi khổ đời sông nước.
Cậu út Nguyễn Văn Chung bảnh bao, 27 tuổi, dốc bầu tâm sự: "Em có việc làm ở trên bờ nhiều năm nay rồi. 
Nhưng em yêu hai cô gái, cô nào cũng sâu đậm mà khi hỏi cưới thì cả hai chê không có nhà nên đòi chia tay một cách phũ phàng". Cậu khẳng định nếu có nhà trong năm nay sẽ cưới được vợ ngay.
"Những người khỏe mạnh ở đây làm việc đã lo được bữa ăn, không sợ đói nữa, chỉ là không dư giả thôi. Số tiền tích góp cũng không thể đủ mua nhà, nhưng nếu Nhà nước cho trả góp thì chúng tôi sẽ làm việc hết sức để trả dần" - anh trai của Chung thêm lời.

Theo thống kê của UBND phường Minh Khai, có khoảng 40 hộ sống ở xóm chài, chủ yếu đến từ các vùng Hải Dương, Hưng Yên, một số ở các miền quê Hải Phòng. Họ mua những thuyền nhỏ cũ kỹ độ 5 - 10 triệu đồng rồi cơi nới để sống, xóm chài ngày càng đông trong cái nghèo "bền vững".

Điều họ lo lắng nhất là nếu phải di chuyển thì lối đi cọc gỗ, điện nước sẽ bị cắt, mọi sinh hoạt sẽ bị đảo lộn. Chưa kể những chiếc thuyền cũ nát cố định bao nhiêu năm, giờ nhổ neo sẽ không còn nguyên vẹn.

Khu vực bến Tam Bạc này đang ở giai đoạn cuối giải tỏa để làm khu công viên, tiếp nối hoàn thiện hạ tầng của thành phố ven sông.

TÂM LÊ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.