(GLO)- Dù diễn biến thời tiết bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, giá cả vật tư và chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá tiêu thụ các mặt hàng nông sản lại bấp bênh song những năm qua, ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã có những hướng đi phù hợp để hoàn thành kế hoạch phát triển đề ra trong giai đoạn 2011-2015. Hiện nay toàn ngành đang bắt đầu triển khai các giải pháp đồng bộ trong sản xuất nông-lâm nghiệp để chuyển dịch phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa trong giai đoạn mới.
Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. |
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, ngành Nông nghiệp và PTNT đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến bất thường của thời tiết. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định khiến nông dân không khỏi lo lắng trong việc đầu tư sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống. Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp đã kịp thời có những giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Trong đó, việc ưu tiên xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp… đã giúp diện tích cây trồng không ngừng được mở rộng.
Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 75.226 ha lúa nước hai vụ (tăng 4.832 ha); hồ tiêu đạt khoảng 14.000 ha (tăng trên 8.000 ha); cà phê đạt trên 79 ngàn ha (tăng 2.550 ha) và cao su khoảng 102.640 ha (tăng 19.371 ha) so với năm 2010… chưa kể diện tích cây ngắn ngày đang phát triển mạnh như mía, mì, rau đậu các loại. Ngoài mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp còn tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật và tìm ra những bộ giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng sản xuất từng vùng, từng khu vực góp phần nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng.
Song song với trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản cũng có bước phát triển ổn định khi các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được khống chế không xảy ra các ổ dịch lớn gây thiệt hại cho người chăn nuôi như các tỉnh trong khu vực và cả nước. Tổng đàn bò hiện nay của tỉnh gần 431.875 con, tăng 98.895 con, đàn heo đạt 445.089 con tăng 70.894 con... so với năm 2010.
Theo ước tính của Sở Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp tăng bình quân hàng năm đạt 7,3%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng 7,69%/năm; ngành thủy sản tăng 36,48%/năm. Nhờ đó, an ninh lương thực được đảm bảo, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm theo hướng tích cực.
Mặc dù đã có những chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, song theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành vẫn còn nhiều khó khăn do giá cả các mặt hàng nông sản còn bấp bênh. Công tác chuyển dịch cơ cấu ngành và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn chậm. Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng...
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với bảo quản chế biến theo chuỗi giá trị giá sản phẩm; lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh; đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất; kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông-lâm sản, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quỹ bảo hiểm giá nông sản thu mua theo hợp đồng giúp người dân sản xuất ổn định. Đặc biệt, ngành sẽ ưu tiên các chương trình về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để nâng cao năng suất và chất lượng; chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân để áp dụng vào sản xuất, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Nguyễn Hồng