(GLO)- Nhiều năm qua, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã chủ động tổ chức vận động, thu hút được nhiều nguồn tài trợ, hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp họ vươn lên cải thiện đời sống, hòa nhập cộng đồng.
Từ những phong trào “tương thân, tương ái”
Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, toàn tỉnh có khoảng trên 12.000 đối tượng bị nhiễm CĐDC. Đa số những hộ gia đình này đều có hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội.
Cấp bò cho các hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Hồng Ngọc |
Trong 5 năm qua, cùng với Hội Nạn nhân CĐDC, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã phát động nhiều phong trào hành động vì nạn nhân CĐDC như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, tháng hành động “Vì nạn nhân chất độc da cam”, dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Tây Ninh”… Từ phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động được 17,494 tỷ đồng giúp đỡ cho 66.130 hộ gia đình nghèo, nạn nhân CĐDC, chủ yếu là tặng quà, hỗ trợ tiền mặt, cây, con giống để sản xuất… giúp họ từng bước xóa đi mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Trong tháng hành động “Vì nạn nhân chất độc da cam”, ngoài tặng quà, Hội còn tặng xe lăn, xe lắc, sửa chữa nhà cho các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Từ sự hỗ trợ này, cùng với chương trình làm nhà “Chữ thập đỏ”, nhiều hộ đã có được mái nhà ấm cúng, nhiều con em của nạn nhân CĐDC có cơ hội được đến trường.
Ông Dương Đình Diện-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ: “Các hoạt động trợ giúp cho nạn nhân CĐDC nhanh chóng được lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về nạn nhân da cam. Những việc làm của cộng đồng, xã hội đã giúp nạn nhân CĐDC vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng chính là nguồn động viên tinh thần cho những người làm công tác nhân đạo như chúng tôi”.
Đến các hoạt động trợ giúp bền vững
Trong 5 năm (2011-2015) triển khai Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh” tại tỉnh, với kinh phí 4,495 tỷ đồng do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã giúp nhiều nạn nhân CĐDC được khám và chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật,... để phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể, đã khám sàng lọc cho 386 đối tượng nạn nhân CĐDC hệ vận động; phẫu thuật chỉnh hình cho 45 bệnh nhân; phục hồi chức năng cho 26 bệnh nhân tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn; phục hồi chức năng tại nhà cho 135 bệnh nhân; cung cấp dụng cụ chỉnh hình cho 45 bệnh nhân; cung cấp vật dụng trợ giúp tại nhà cho 135 bệnh nhân; hỗ trợ 649 hộ gia đình nạn nhân CĐDC nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình. Mặt khác, Hội còn vận động nguồn kinh phí đối ứng từ các hộ nạn nhân da cam là 2,196 tỷ đồng, nâng tổng số nguồn vốn cho dự án là 6,691 tỷ đồng.
Từ sự hỗ trợ của Hội, các hộ nạn nhân CĐDC có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cùng với việc được các cán bộ khuyến nông cơ sở thường xuyên hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, các hộ nạn nhân đã mạnh dạn tiếp nhận kinh phí để phát triển chăn nuôi, sản xuất. Từ những năm đầu triển khai, dự án hỗ trợ cho các hộ nạn nhân 1 con bò, đến nay có hộ đã phát triển thêm 2-3 con, từ 1 con dê phát triển lên 3-5 con. Tiêu biểu như hộ Đinh Thị Grênh (làng Kliết, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) từ 1 con bò, nay phát triển thêm 2 con; hộ Đinh Thị Dôn (làng Nghe Nhỏ, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) từ 1 con dê, nay phát triển thêm 5 con dê. Hiện nay, tổng đàn dê và bò tăng trưởng thêm 142 con, giá trị ước tính 1,5 tỷ đồng.
Nhìn lại 5 năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, mang đến niềm vui cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Và cũng từ những phong trào, hành trình nhân đạo ấy, đã nhân lên biết bao tấm lòng trong cộng đồng, xã hội chia sẻ với nỗi đau da cam.
Hồng Ngọc