Chung tay xây dựng đô thị văn minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2023, việc xét công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh dựa theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ, thay thế cho Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24-1-2013 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Hiện các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí để đạt chuẩn đô thị văn minh.

Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ tháng 3-2023, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” TP. Pleiku đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn đô thị văn minh lần đầu (giai đoạn 2023-2024) với 9 tiêu chí: quy hoạch đô thị; môi trường và an toàn thực phẩm đô thị; giao thông đô thị; an ninh, trật tự đô thị; thông tin, truyền thông đô thị; việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo đô thị; văn hóa, thể thao đô thị; y tế, giáo dục đô thị; hệ thống chính trị và trách nhiệm chính quyền đô thị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Sung-Trưởng ban Chỉ đạo phong trào-cho biết: Đến thời điểm này, thành phố còn 1 tiêu chí chưa đạt là môi trường và an toàn thực phẩm đô thị; 2 tiêu chí thành phần chưa đạt gồm: tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn mới đạt trên 90% và tỷ lệ khu dân cư trên địa bàn sạch, đẹp đạt trên 80%.

Người dân hẻm 05 Nguyễn Thiếp (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) tự nguyện đóng góp 100% kinh phí mở rộng 400 m đường. Ảnh: Đinh Yến

Người dân hẻm 05 Nguyễn Thiếp (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) tự nguyện đóng góp 100% kinh phí mở rộng 400 m đường. Ảnh: Đinh Yến

Theo ông Nguyễn Hữu Sung, việc xây dựng TP. Pleiku đạt chuẩn đô thị văn minh sẽ góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh; bồi đắp, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng đời sống người dân. “Đối với 2 tiêu chí thành phần chưa đạt, những tháng còn lại của năm nay, thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện. Ban Chỉ đạo phong trào tiếp tục hướng dẫn các phường triển khai với quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra”-ông Sung nói.

Phường Diên Hồng là một trong những địa phương đi đầu trong việc chỉnh trang đô thị và cảnh quan môi trường. Ông Võ Phan Duyệt-Chủ tịch UBND phường-cho hay: Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố trong xây dựng hạ tầng, hàng năm, UBND phường giao nhiệm vụ cho các hội, đoàn thể xây dựng các mô hình như: bê tông hóa đường hẻm, triển khai thí điểm mô hình “Thùng rác văn minh đô thị”, mô hình điểm tự quản về trật tự đô thị trên tuyến đường Ngô Gia Tự, Thi Sách… Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ dân giữ vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh đoạn đường qua trước nhà mình, đăng ký thu gom rác thải.

“Từ năm 2020 đến nay, người dân đã tự nguyện hiến hơn 3.000 m2 đất và đóng góp hàng tỷ đồng để làm đường giao thông, tu sửa trung tâm văn hóa-thể thao của phường. Đến nay, 99% đường giao thông trên địa bàn đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Qua rà soát cuối năm 2022, toàn phường có 2.337 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và 7/7 tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”-ông Duyệt nói.

Ông Nguyễn Hữu Dương-Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) cho hay: Đầu năm 2023, thị trấn đăng ký với Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện về thực hiện các tiêu chí để công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Đến nay, thị trấn đã đạt 6 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt. “Địa phương rất cần sự quan tâm đầu tư kinh phí và phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, hội, đoàn thể của huyện để hoàn thành mục tiêu xây dựng thị trấn Nhơn Hòa đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2024”-ông Dương nói.

Thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị văn minh vào cuối năm 2024. Ảnh: Đinh Yến

Thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị văn minh vào cuối năm 2024. Ảnh: Đinh Yến

Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, năm 2022, toàn tỉnh có 302.006 hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 81,62% (tăng 2% so với năm 2021); 1.361 thôn, làng được công nhận “Khu dân cư văn hóa”, đạt 86,36% (tăng 0,7% so với năm 2021). Toàn tỉnh có 16/38 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, đạt 42,1%.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho hay: “Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận động người dân tích cực tham gia bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị và đảm bảo vệ sinh môi trường... Những tiêu chí còn lại cần có sự đầu tư từ nguồn ngân sách và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, phát huy vai trò ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc tuyên truyền, vận động, bình xét và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư/làng văn hóa”, cơ quan, đơn vị, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa để phấn đấu đến cuối năm 2023, một số phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.