Lan tỏa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Việc triển khai thực hiện đồng bộ 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã huy động các nguồn lực cùng tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, đô thị văn minh”-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Siu Trung cho hay.

Khơi dậy tinh thần đoàn kết

Cuộc vận động lớn trong cả nước đã khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết, chung sức phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo và góp sức xây dựng NTM. Mỗi năm, người dân tham gia hàng trăm ngàn ngày công và hiến hàng ngàn m2 đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, làm nhà ở cho hộ nghèo, nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng trường học...

Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Tuyền-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chi Lăng (TP. Pleiku) nêu dẫn chứng cụ thể về hộ ông Ngô Văn Hào và vợ là bà Trịnh Thị Thanh Loan (tổ 1) đã tự nguyện hiến hơn 209 m2 đất cho gia đình ông Trần Văn Xuân (cùng tổ). Việc làm thơm thảo ấy được bà Loan giải thích nhẹ nhàng: “Làm được việc gì có ích cho những người xung quanh là tôi thấy vui rồi”.

Còn với vợ chồng ông Xuân, ngay cả khi nằm mơ họ cũng chưa khi nào dám nghĩ sẽ có một ngày được ai đó cho đất, xây nhà. “Việc làm của gia đình bà Loan rất đáng quý! Sau khi bà Loan cho đất, địa phương đã vận động nguồn lực hỗ trợ gia đình ông Xuân 50 triệu đồng; gia đình vay mượn thêm để làm ngôi nhà trị giá 100 triệu đồng”-bà Tuyền cho hay.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo ký kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường. Ảnh: Phương Dung

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo ký kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường. Ảnh: Phương Dung

Cũng với tinh thần đoàn kết vì cộng đồng, gần 30 hộ dân làng Myah (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) đã tự nguyện phá bỏ vườn cà phê, cây ăn quả để hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Ông Ksor Chóe-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Myah-phấn khởi khoe: “Năm 2022, làng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí làm 3 tuyến đường với tổng chiều dài gần 700 m. Việc mở rộng đường ảnh hưởng đến diện tích đất ở, đất sản xuất của một số hộ dân. Ban đầu, một số hộ còn băn khoăn, thấy tiếc khi phải chặt bỏ diện tích cây trồng đang mang lại nguồn thu cho gia đình. Mình đến tận nơi vận động, giải thích. Sau đó, các hộ đều hiểu ra và đồng thuận”.

Gia đình ông Chóe gương mẫu đi đầu, tự nguyện chặt bỏ 20 cây cà phê để hiến hơn 200 m2 đất, mở rộng đường xuống cánh đồng của làng. “Đường đất nhỏ hẹp đã được thay thế bằng đường bê tông rộng 4 m, người dân đi lại, vận chuyển nông sản đều thuận lợi nên ai nấy đều phấn khởi”-ông Chóe nói.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với phát huy nguồn lực trong dân, đến nay, toàn tỉnh đã có 91/182 xã và 125 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó 110 làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự

Trong xây dựng đô thị văn minh, MTTQ các cấp đã tích cực vận động người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, duy trì có hiệu quả các mô hình: “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Điểm nhóm tôn giáo bình yên”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự bảo vệ nông sản của nông dân”, “Khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Gia đình tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”...

Nói về mô hình điểm “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai trên địa bàn phường, ông Đào Nam Sơn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Diên Hồng (TP. Pleiku) cho hay: Ban Quản lý mô hình phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách đoàn thể, tổ dân phố, chú trọng địa bàn phức tạp về trật tự đô thị, an toàn giao thông. Ban Công tác Mặt trận cùng với các tổ dân phố triển khai đến từng hộ dân đăng ký, kết hợp tuyên truyền các nội dung cụ thể.

Phát huy tinh thần đoàn kết, người dân ở nhiều nơi đã và đang chung sức xây dựng các tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Phương Dung

Phát huy tinh thần đoàn kết, người dân ở nhiều nơi đã và đang chung sức xây dựng các tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Phương Dung

“Qua 1 năm triển khai mô hình, ý thức của người dân, đặc biệt là học sinh, thanh-thiếu niên có những chuyển biến tích cực. Tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông và điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi đã được hạn chế. Bà con phát huy tinh thần trách nhiệm tích cực tham gia đóng góp sửa sang đường giao thông, điển hình là người dân tổ dân phố 7 đóng góp gần 420 triệu đồng sửa sang hẻm 05 đường Nguyễn Thiếp dài 329 m khang trang, sạch sẽ”-ông Sơn cho biết.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ động phối hợp với các ngành chức năng và các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường ở địa bàn khu dân cư. Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã ký kết, triển khai chương trình phối hợp về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026.

Theo đó, khuyến khích các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo ủng hộ, tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp hướng dẫn, xây dựng, ban hành hương ước, quy ước ở khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh, cam kết giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng-chống tội phạm ở cơ sở; phối hợp hòa giải dứt điểm các vụ mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ, không để phát sinh thành mâu thuẫn lớn...

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Siu Trung nhấn mạnh: Cùng với Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” thì năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Trên cơ sở này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hiệp thương, thống nhất với các tổ chức thành viên triển khai thực hiện từng nội dung cụ thể, tránh chồng chéo; hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM, đô thị văn minh hàng năm bảo đảm khách quan, chính xác, góp phần nâng cao chất lượng, chú trọng tính bền vững, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.