Chưa có hội đồng trường, ai kỷ luật hiệu trưởng ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sự việc cơ quan chủ quản cách chức hiệu trưởng một trường ĐH công lập được đưa ra chất vấn tại Quốc hội khiến dư luận xã hội băn khoăn: Ai, cơ quan nào có thẩm quyền xem xét kỷ luật thành viên ban giám hiệu trường ĐH?
Khi ông Lê Vinh Danh bị cách chức hiệu trưởng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa có hội đồng trường.
Khi ông Lê Vinh Danh bị cách chức hiệu trưởng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa có hội đồng trường.
Trường ĐH công lập phải thành lập hội đồng trường mới
Mới đây, tại diễn đàn Quốc hội, một đại biểu đã tranh luận với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc cách chức Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh. Vị đại biểu này cho rằng việc ông Lê Vinh Danh bị Tổng liên đoàn Lao động VN cách chức hiệu trưởng là trái về thẩm quyền pháp lý, nếu chiểu theo quy định tại khoản 1 điều 20 luật Giáo dục ĐH. Theo đó, hiệu trưởng trường ĐH công lập do hội đồng trường (HĐT) quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng trường ĐH do HĐT quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của HĐT.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trường hợp Trường ĐH Tôn Đức Thắng là “đặc thù”, do khi ông Danh bị cách chức, trường này chưa có HĐT. Theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, cho đến nay vẫn còn hơn một nửa số cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước, chưa tính các trường khối an ninh - quốc phòng, chưa có HĐT được thành lập mới theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung (còn được gọi là luật 34).
Theo Bộ GD-ĐT, luật 34 có hiệu lực từ ngày 1.7.2019, tuy nhiên cuối năm 2019 Chính phủ mới ban hành Nghị định (NĐ) 99/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật 34. Vì vậy, trên thực tế, các cơ sở giáo dục ĐH bắt đầu thực hiện luật 34 từ ngày 15.2.2020 (thời điểm NĐ 99 có hiệu lực). Theo yêu cầu của NĐ 99, chậm nhất là sau 6 tháng, tất cả cơ sở giáo dục ĐH công lập trên cả nước phải có HĐT được thành lập theo quy định của luật 34, trừ khối trường quân đội, an ninh (do tổ chức HĐT của các trường này thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ).
“Luật 34 tăng thực quyền cho HĐT nên đưa ra những quy định mới buộc những trường đã có HĐT (được thành lập theo luật cũ) và đang dở nhiệm kỳ cũ cũng phải thành lập HĐT mới. Ngoài ra, NĐ 99 hướng dẫn quy trình các bước, đây là quy định mới so với trước đây, nên các trường phải có HĐT mới được lập theo quy trình này”, ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), giải thích.
Ông Lộc cũng cho biết trong số các trường mà Bộ GD-ĐT quản lý trực tiếp, có 5 trường đã làm xong quy trình, vài trường trong số này đang hoàn thiện hồ sơ để gửi Bộ, những trường còn lại đã gửi hồ sơ và chờ Bộ thẩm định. Chỉ có 2 đơn vị chưa họp được là ĐH Huế và Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Theo phản ánh của các cơ sở, việc thành lập HĐT mới về cơ bản là thuận lợi. Lý do chậm trễ của các đơn vị chủ yếu là vướng dịch Covid-19, sau đó lại vì lũ lụt.
“NĐ 99 có hiệu lực từ 15.2, nhưng hầu hết các trường đến tháng 6, tháng 7 mới họp được vì trước đó phải giãn cách xã hội, trong khi việc thành lập HĐT phải thực hiện quy trình 5 bước, có những hội nghị phải triệu tập từ 500 - 700 đại biểu”, ông Lộc nói.
Ông Lộc cho biết thêm: “Đối với các trường công lập không thuộc Bộ GD-ĐT trực tiếp quản lý, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các UBND tỉnh, TP, bộ, ban, ngành đề nghị các cơ quan này triển khai việc thành lập HĐT cho cơ sở giáo dục ĐH do mình quản lý. Đến ngày 30.10, qua báo cáo của cơ quan chức năng gửi Bộ GD-ĐT cho thấy có hơn 50 HĐT đã được thành lập, trên tổng số 175 trường ĐH công lập. Bộ GD-ĐT đang tiếp tục đốc thúc các cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục ĐH để đến hết năm 2020 về cơ bản các trường ĐH công lập đều có HĐT”.
Xem xét vi phạm phải dựa trên nhiều luật
Vấn đề đặt ra là với những trường chưa kịp có HĐT, nếu hiệu trưởng vi phạm kỷ luật, thì việc xử lý thế nào? Ông Lộc cho biết: “Vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đã trả lời trong cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Luật 34 là luật chuyên ngành, NĐ 99 là văn bản hướng dẫn thực hiện luật chuyên ngành. Trong khi đó, khi xử lý vi phạm với một đối tượng cụ thể, trong một trường hợp cụ thể thì việc xử lý phải chịu sự chi phối của nhiều luật khác nhau. Thậm chí, để xác định đúng sai của một sự việc, cần có sự tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan”.
Các quy tắc xử lý
Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐT Trường ĐH FPT, sở dĩ trong dư luận xã hội có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề cách chức hiệu trưởng với ông Lê Vinh Danh là bởi sự việc xảy ra lùm xùm cả 2 năm nay, đúng thời điểm giao thời giữa cũ và mới, cũng là thời điểm tiếp nối nhiều việc. Với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đây là khoảng giao thời giữa 2 nhiệm kỳ, HĐT chưa có, còn cá nhân ông Danh đã bước một chân sang nhiệm kỳ hiệu trưởng thứ ba. Vì thế, việc xử lý kỷ luật ông Danh lại càng lùng bùng khi rơi đúng vào quãng giao thời giữa các luật và NĐ. Tuy nhiên, nội dung các quy định trong các luật cũ - luật mới, NĐ cũ - NĐ mới đều có sự kế thừa và nối tiếp nhau, nếu nắm bắt tinh tế các quy định mới - cũ này với nhau thì sẽ không bị rối.
Để không bị rối thì dẫu có áp dụng luật cũ hay mới, cũng chỉ cần nắm được các quy tắc xử lý sau: Với hiệu trưởng, HĐT chỉ có quyền đề nghị về việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm (theo luật 34). Cách chức là hình thức kỷ luật, theo luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức; khác với quyền miễn nhiệm/bãi nhiệm của HĐT (luật Giáo dục ĐH). Thẩm quyền kỷ luật thuộc về cơ quan ra quyết định bổ nhiệm (theo các nghị định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức).
Còn trong Công văn 4378/BNV-CCVC do ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ký trả lời Tổng liên đoàn Lao động VN, cũng hướng dẫn khá chi tiết về việc xử lý kỷ luật đối với viên chức là người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH công lập. Theo đó, NĐ 27/2012 (ban hành ngày 6.4.2012) của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức đã quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Dù luật Giáo dục ĐH mới quy định hiệu trưởng trường ĐH công lập do HĐT quyết định và được cơ quan có thẩm quyền công nhận, nhưng nếu trường ĐH chưa có HĐT mới, thì thẩm quyền tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng sẽ thuộc về người đứng đầu cơ quan đã bổ nhiệm chính hiệu trưởng đó.
Cũng trong công văn trên, Bộ Nội vụ có ý kiến, cho đến trước khi Chính phủ ban hành NĐ 112/2020 (ngày 18.9.2020), việc xem xét xử lý kỷ luật đối với viên chức được thực hiện theo quy định của luật Viên chức năm 2010 và quy định tại NĐ 27/2012. Trong NĐ này đã quy định thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức quản lý có hành vi vi phạm pháp luật (khoản 2 điều 17); về việc không được cử người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của viên chức bị xem xét xử lý kỷ luật tham gia thành viên hội đồng kỷ luật, về việc tổ chức họp hội đồng kỷ luật. Vì thế, trường hợp kỷ luật hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH công lập mà toàn bộ Ban giám hiệu, Ban chấp hành Đảng ủy trường ĐH đều đang trong quá trình xem xét kỷ luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của hiệu trưởng thì hội đồng kỷ luật hiệu trưởng do cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp xem xét, quyết định.
Quý Hiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Thời điểm cuối năm, ô nhiễm bụi đang ở mức cao, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (IQAir) ở mức kém, xấu và rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cần chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao

(GLO)- Theo chương trình, tuần này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Bên cạnh nguồn vốn, công việc cần được tiến hành song song là chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành công trình với số lượng dự kiến có thể hơn 14 ngàn người.

Cách để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (ĐSTĐC) với đề xuất “19 chính sách đặc thù, đặc biệt và giải pháp áp dụng cho dự án”.

Tinh gọn bộ máy

Tinh gọn bộ máy

Lý do chia tách địa giới hành chính trước đây thường xuất phát từ yêu cầu quản lý và phục vụ hành chính, chủ yếu vì diện tích rộng, khoảng cách từ nhà dân đến nơi cung cấp dịch vụ công như công sở, bệnh viện, trường học quá xa.