Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: "Du lịch là con đường ngắn nhất để giảm nghèo"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai đang đẩy mạnh phát triển du lịch, hướng đến mục tiêu đón 1 triệu lượt khách trong năm 2020. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thọ-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
* P.V: Theo ông, ngành du lịch có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của đất nước nói chung, các địa phương nói riêng?
 Ông Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: M.C
Ông Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: M.C
- Ông Nguyễn Hữu Thọ: Trong những năm qua, du lịch Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực và thế giới. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là nghị quyết lịch sử của ngành du lịch. Nghị quyết này không chỉ thay đổi hẳn tư duy về du lịch mà còn chỉ ra rằng du lịch có tác động lớn đến sự phát triển của thương mại, đầu tư, công nghiệp và nông nghiệp. Du lịch là con đường ngắn nhất để giảm nghèo. Khách du lịch là thị trường cho các ngành khác phát triển. Các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhận định trong tương lai gần, du lịch là ngành công nghiệp lớn nhất thế giới. Trong tình hình chung đó, Gia Lai nên tận dụng thời cơ để quảng bá du lịch và tìm đường hướng phù hợp phát triển ngành này.
* P.V: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng du lịch của Gia Lai?
 Ông Nguyễn Hữu Thọ: Tiềm năng du lịch Gia Lai cực kỳ phong phú và giàu có với 18 tuyến điểm du lịch, bề dày lịch sử-văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Phong cảnh Gia Lai cũng rất thơ mộng, hùng vĩ. Có thể gọi đây là một thảo nguyên của Việt Nam. Sở hữu những tiềm năng đó, ngành du lịch Gia Lai phải xác định cho được sản phẩm đặc trưng là gì, từ đó có chiến lược quảng bá gây ấn tượng mạnh với du khách. Theo tôi, công tác quảng bá, tiếp thị phải lấy TP. Pleiku làm trung tâm, làm điểm nhấn để lan tỏa, kết nối các tuyến điểm khác.        
* P.V: Để đạt mục tiêu đón 1 triệu lượt khách trong năm 2020, theo ông, du lịch Gia Lai phải làm gì và đâu là trọng tâm?
- Ông Nguyễn Hữu Thọ: Năm 2018, tỉnh Gia Lai đón 650.000 lượt khách với doanh thu 350 tỷ đồng. Như vậy, để đạt được 1 triệu lượt khách với doanh thu gấp đôi là 700 tỷ đồng trong năm 2020, ngành du lịch phải có kế hoạch phát triển phù hợp, đồng thời có tầm nhìn xa hơn đến năm 2025, 2035 và 2045.
Theo tôi, cần tạo sự đột phá phát triển du lịch Gia Lai bằng 6 chương trình trọng tâm, gồm: đào tạo nguồn nhân lực; phát triển du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp công nghệ cao (cà phê, chè, trung tâm nấm của Việt Nam…); phát triển ngành công nghiệp chế biến, tiêu dùng từ nguyên liệu địa phương; công nghệ trí tuệ nhân tạo; con đường ẩm thực Pleiku-Tây Nguyên kết hợp văn hóa-lịch sử các dân tộc bản địa.
Đây là những vấn đề cốt lõi để phát triển cụm ngành du lịch, tức là phát triển du lịch gắn với những ngành có liên quan như công nghiệp chế biến, tiêu dùng từ nguyên liệu của địa phương, của ngành nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đi đôi với nâng cao tư duy làm du lịch cho người dân để tạo nên những homestay, farmstay góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, từ đó hình thành loại hình du lịch xanh. Cùng với du lịch sinh thái thì đây chính là sản phẩm đặc biệt mà Gia Lai đặc biệt có thế mạnh.
Tất nhiên, để phát triển sản phẩm du lịch như tôi nói cũng như thực hiện 6 chương trình trọng tâm kể trên phải có sự quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh. Các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố phải có sự thống nhất cao thì mới có thể đưa du lịch phát triển theo đúng quỹ đạo. Bên cạnh đó, tỉnh phải có chính sách thu hút nhà đầu tư, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hoa Dã quỳ luôn hấp dẫn du khách khi đến với Gia Lai. Ảnh: M.Thi
Hoa Dã quỳ luôn hấp dẫn du khách khi đến với Gia Lai. Ảnh: M.Thi
* P.V: Tại sao ông lại đặt nguồn nhân lực lên hàng đầu trong những chương trình trọng tâm phát triển du lịch?
- Ông Nguyễn Hữu Thọ: Nguồn nhân lực luôn là yếu tố hàng đầu cho phát triển nói chung và du lịch nói riêng. Đứng về mặt quản lý nhà nước là đào tạo nguồn nhân lực để quản lý du lịch, có kỹ năng, thái độ bảo vệ môi trường, quan tâm động viên doanh nghiệp đóng góp, đầu tư cho du lịch.
Còn đối với doanh nghiệp, họ sẽ tự đào tạo nguồn nhân lực theo mục đích, yêu cầu ngành nghề kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặt yếu tố con người lên hàng đầu trong phát triển du lịch chính là cần tạo nguồn nhân lực mới, trẻ cho TP. Pleiku và Gia Lai trong giai đoạn mới. Đó phải là những người có thái độ tốt, kỹ năng tốt, có kiến thức và ngoại ngữ thì mới có thể hấp dẫn được khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là khách quốc tế khi đến Gia Lai hưởng thụ các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử.
* P.V: Theo ông, đâu là mối quan tâm của các nhà đầu tư vào du lịch Gia Lai hiện nay?
- Ông Nguyễn Hữu Thọ: Giai đoạn hiện nay, các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới 4 lĩnh vực: công nghệ và du lịch; tiêu dùng du lịch từ khách du lịch và cộng đồng; địa ốc tạo ngôi nhà thứ 2 trên thảo nguyên cho khách trong và ngoài nước; du lịch thể thao cao cấp như golf tour-đây là thế mạnh của Gia Lai và vùng Tây Nguyên.
Xác định được mối quan tâm của các nhà đầu tư, địa phương sẽ có chính sách thu hút hấp dẫn, những quy hoạch khoa học để các doanh nghiệp có hành lang rộng rãi đầu tư, phát triển, trước hết là cho ngành du lịch, sau đó là công nghiệp và nông nghiệp. Làm tốt các công tác này sẽ thu hút được những nhà đầu tư có tầm.
*  P.V: Xin cảm ơn ông!
 MINH CHÂU (thực hiện)
 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:

 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy

 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

 

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.