Manh mún, tự phát
Sau gần 4 năm quay lại du lịch ở Hàm Tiến - Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), anh Nguyễn Thanh Tuyền (ngụ TPHCM), chia sẻ: “Đến Mũi Né chưa thấy nhiều dịch vụ, du khách ít lựa chọn, ngoài... tắm biển. Buổi tối, nơi đây không có nhiều hoạt động kinh tế đêm, nên cảm giác nhanh nhàm chán. Các bãi biển thì quá nhiều rác”.
Ông Trần Anh Thi (chuyên gia về du lịch) nhận định, Mũi Né - Hàm Tiến nói riêng, Bình Thuận nói chung, có bờ biển dài, ít khi có bão nên rất lý tưởng để phát triển du lịch. “Vậy nhưng, du lịch Mũi Né như một con gà đẻ trứng vàng... bị để quên. Hơn 20 năm qua, khách nước ngoài tới Mũi Né chỉ ăn và ngủ. Nếu không cải thiện chất lượng sản phẩm, không tăng dịch vụ kèm theo thì du khách sẽ dần bỏ Mũi Né”, ông Thi nhận định.
Đối với huyện đảo Phú Quý, nếu như năm 2019 nơi đây chỉ đón khoảng 42.000 lượt khách du lịch, thì đến năm 2024 con số này đã tăng lên gần 155.000 lượt khách. Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, hiện đảo Phú Quý có trên 100 khách sạn, homestay với gần 2.800 giường. Vậy nhưng, đảo Phú Quý chủ yếu đón khách theo mùa, dẫn đến các cơ sở kinh doanh không thể bù đắp chi phí để hoạt động.
Bên cạnh đó, với dân số trên 32.000 người, cùng với lượng khách du lịch ngày càng lớn, dẫn đến môi trường tại huyện đảo đang bị đe dọa. “Rác thải tràn lan, nước sinh hoạt thì thiếu, dịch vụ du lịch đa phần tự phát, manh mún, nhỏ lẻ,… khiến đảo Phú Quý đang bị quá tải, nhất là vào mùa cao điểm du lịch hè, lễ, tết”, anh Trần Sung (chủ cơ sở du lịch tại đảo Phú Quý) lo lắng.

Tỉnh Khánh Hòa có đường bờ biển dài trên 380km, sở hữu vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh, cả 3 đều được đánh giá là những vịnh đẹp của thế giới. Dù vậy, bà Akniyet (du khách Kazakhstan) chia sẻ sau tour tham quan vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) rằng, bà hụt hẫng khi chưa được đắm mình vào các giá trị văn hóa biển truyền thống của địa phương; sau 22 giờ, không có nhiều chỗ vui chơi, giải trí, mua sắm mở cửa như tại một số thành phố du lịch ở các quốc gia châu Á khác.
Ông Cung Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa, cũng thẳng thắn nhìn nhận, du lịch biển đảo của tỉnh đang đối mặt với nhiều vấn đề, như: một số nơi phát triển manh mún, nhỏ lẻ, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng, mới lạ để thu hút khách. Đặc biệt, việc khai thác quá mức tài nguyên ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Điển hình là việc rạn san hô, sinh vật biển ở một số nơi trong vịnh Nha Trang bị suy thoái nghiêm trọng do các hoạt động du lịch.
Hướng đến du lịch “xanh”, bền vững
Chuyên gia du lịch Trần Anh Thi cho rằng, để du lịch Hàm Tiến - Mũi Né nói riêng, du lịch Bình Thuận nói chung phát triển xứng tầm thì trước hết cần những người có tư duy và tâm huyết với du lịch; các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sức khỏe…, cần liên tục làm mới, tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ, thu hút khách du lịch ở lại dài ngày; vấn nạn rác thải, ô nhiễm môi trường cần phải được giải quyết triệt để.
Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, lưu ý đến việc phát triển kinh tế đêm, khai thác văn hóa bản địa, văn hóa làng nghề truyền thống, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại Bình Thuận. Đặc biệt, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện) cần được khơi mở để thu hút khách du lịch hạng sang, chi tiêu nhiều. Đối với du lịch của huyện đảo Phú Quý, để không “quá sức chịu đựng về môi trường”, cần phải thay đổi, tính toán phân khúc khách phù hợp.
Ông Cung Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ, sau 10 lần tổ chức, Festival Biển đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc sắc tôn vinh vẻ đẹp của biển, đảo Việt Nam nói chung và Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng; hay như việc UBND TP Nha Trang triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững tại Tổ dân phố Bích Đầm (thuộc đảo Hòn Tre), đã tạo ra sản phẩm du lịch mới, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển.
“Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Bộ Tiêu chuẩn du lịch xanh, giúp các doanh nghiệp nắm bắt và điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo hướng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần đưa ngành du lịch Khánh Hòa phát triển xanh, bền vững”, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa Cung Quỳnh Anh, thông tin.
Theo NGUYỄN TIẾN - HIẾU GIANG (SGGPO)