Chư Sê: Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Huyện Chư Sê đã và đang ưu tiên nguồn lực và huy động sức dân chung tay phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Những ngày này, người dân làng Thoong Nha (xã Bờ Ngoong) phấn khởi khi tuyến đường nội làng dài khoảng 800 m đã được bê tông hóa theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 500 triệu đồng, người dân đóng góp ngày công lao động. Con đường hoàn thành kết nối với các trục đường chính trong làng giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Ông Lê Quang Chức-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thoong Nha-cho hay: Làng có hơn 200 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Bahnar. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và qua tuyên truyền, vận động, người dân trong làng đã tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động để tuyến đường nhanh chóng hoàn thành. Đây là động lực để hệ thống chính trị và dân làng chung sức hoàn thiện các tiêu chí còn lại, phấn đấu đạt chuẩn làng NTM vào cuối năm nay.
Ông Đỗ Thanh Lâm (thôn Đồng Tâm, xã Bờ Ngoong) bên tuyến đường ra trung tâm huyện đã được Nhà nước đầu tư sửa chữa giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Đỗ Thanh Lâm (thôn Đồng Tâm, xã Bờ Ngoong) bên tuyến đường ra trung tâm huyện đã được Nhà nước đầu tư sửa chữa giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Diệp
Còn ông Đỗ Thanh Lâm (thôn Đồng Tâm, xã Bờ Ngoong) cho biết: Tôi sống ở vùng đất này từ năm 1990. Trước đây, giao thông đi lại rất khó khăn, đường đất nhỏ hẹp, mùa mưa thì lầy lội, còn nắng thì bụi bặm. Những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư xây dựng các tuyến đường liên huyện, liên xã giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng nông sản thuận lợi hơn. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, người dân đồng lòng chung sức với Nhà nước xây dựng nhiều tuyến đường bê tông, đường nhựa trên địa bàn. Nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất, đóng góp tiền và ngày công để chung sức xây dựng hoặc sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn đảm bảo lưu thông hàng hóa cũng như kết nối với các vùng khác nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Ông Lê Duy Khương-Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong-thông tin: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã thu hút người dân tham gia hưởng ứng tích cực, nhất là hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn, góp phần để xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện nay, huyện và xã đang tiếp tục củng cố, hoàn thiện các tiêu chí để phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao trong thời gian tới.
Hạ tầng giao thông nông thôn xã Bờ Ngoong đang hoàn thiện. Ảnh: Nguyễn Diệp
Hạ tầng giao thông nông thôn xã Bờ Ngoong đang hoàn thiện. Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Sê, tính đến nay, tất cả các tuyến đường xã và đường từ trung tâm 14 xã ra huyện với tổng chiều dài hơn 185 km đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, cứng hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận lợi; trên 70% các tuyến đường nội thôn và đường liên thôn cũng được bê tông hóa hoặc cứng hóa đảm bảo lưu thông thuận tiện. Riêng trong năm 2021, huyện đã đầu tư cứng hóa được hơn 13,9 km đường giao thông nông thôn với kinh phí hơn 12,3 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh đầu tư hơn 6,1 tỷ đồng, huyện đối ứng trên 2,6 tỷ đồng và người dân đóng góp hơn 3,5 tỷ đồng.
Trao đổi với P.V, ông Trần Quốc Sĩ-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Sê-cho hay: Những năm gần đây, từ nguồn vốn xây dựng NTM và vốn chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn, thủy lợi theo phân cấp của UBND tỉnh, huyện đã đầu tư kinh phí và huy động người dân chung sức làm mới, duy tu sửa chữa các công trình giao thông nông thôn cấp thiết đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều. Vì vậy, trong năm 2022, huyện dự kiến xây dựng 15 km đường giao thông nông thôn với kinh phí khoảng 11 tỷ đồng, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.