Chư Sê: Nỗ lực giải phóng mặt bằng cho dự án đường Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với vai trò là chủ đầu tư của tiểu dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, thời gian qua, UBND huyện Chư Sê đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

 Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê đang được triển khai thi công Ảnh Hồng Thi
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê đang được triển khai thi công. Ảnh: Hồng Thi



Khởi công từ giữa tháng 5-2018 và dự kiến cơ bản hoàn thành vào cuối năm nay, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông-Vận tải) làm chủ đầu tư. Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng chiều dài hơn 10,8 km đi qua địa phận các xã: Ia Pal, Ia Glai và thị trấn Chư Sê. Mục đích xây dựng tuyến đường này nhằm cải thiện đáng kể hệ thống giao thông đường bộ trong khu vực; giảm tải, giảm lượng xe cho Quốc lộ 14 hiện tại đi qua khu vực trung tâm thị trấn Chư Sê; góp phần tạo điều kiện phát triển về kinh tế, văn hoá, ổn định an sinh xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực tuyến đi qua nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung; đáp ứng được nhu cầu lưu thông và vận chuyển hàng hóa trên các huyện trung tâm tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên về các tỉnh lân cận…

Với dự án này, diện tích đất phải thu hồi khoảng 23 ha của 350 hộ dân. Từ khi dự án triển khai, huyện Chư Sê đã thành lập Tổ công tác trực tiếp làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với UBND, ban ngành, đoàn thể các địa phương liên quan tiến hành họp dân tuyên truyền, thông báo về chủ trương dự án; đồng thời tổng hợp nhu cầu, kế hoạch vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, đề nghị chủ đầu tư chuyển vốn kịp thời để thực hiện hợp phần theo quy định. Sau khi được bàn giao chỉ giới giải phóng mặt bằng, huyện đã kịp thời triển khai các thủ tục về thu hồi đất, lập và trình duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định; phối hợp thực hiện ngay công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. UBND huyện cũng xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với khoảng kinh phí hơn 54,6 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai, đa số các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đều thống nhất với chủ trương, chấp nhận mức giá đền bù và bàn giao mặt bằng. Hiện tại huyện đã chi trả cho 280 hộ với phạm vi mặt bằng bàn giao khoảng 8,1 km, có 11 hộ đã thống nhất phương án bồi thường nhưng chưa nhận tiền. Là một trong những người đầu tiên trao trả mặt bằng cho dự án, ông Bùi Thế Khương (Tổ dân phố 7, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Tôi có 3 sào đất thuộc thôn Tân Lập nằm trong diện bị thu hồi để triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh tránh Đông Chư Sê. Bản thân tôi nhận thấy việc mở đường là điều kiện tốt để dân phát triển kinh tế, thuận lợi đi lại, giao thương. Vì vậy, ngoài việc vui vẻ chấp hành, tôi còn vận động thêm 8 hộ dân có đất thuộc khu vực lân cận bàn giao gần 3 ha đất nông nghiệp để dự án có thể triển khai sớm. Dù quá trình kiểm kê tài sản gắn liền trên đất có chút thiếu sót, song chúng tôi không ai khiếu nại gì cả”.

Bên cạnh đó vẫn còn 55 hộ dân (44 hộ thuộc thị trấn Chư Sê, 11 hộ của xã Ia Pal) chưa thống nhất với phương án bồi thường khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Lý do chính khiến họ không bàn giao mặt bằng là bởi chưa đồng tình mức giá đền bù đưa ra, nhất là các hộ có đất nằm trên các tuyến đường Cách Mạng và 17-3 (quốc lộ 25); một số khác cho rằng việc kiểm đếm tài sản của họ còn thiếu.

Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Diễu và bà Nguyễn Thị Hiền (tổ dân phố 11, thị trấn Chư Sê). Theo phương án được phê duyệt, trong phần diện tích đất 4.149,7 m2 mà gia đình ông Diễu đang sử dụng có 1.313 m2 thuộc đất UBND thị trấn quản lý (đất suối). Vì ông Diễu lấn chiếm sử dụng nên sẽ bị thu hồi mà không được chi trả tiền bồi thường. Phần diện tích 2.836,7 m2 còn lại, gia đình ông được bồi thường hỗ trợ với số tiền gần 565 triệu đồng bao gồm cả đất và vật kiến trúc, cây cối hoa màu trên đất. Tuy nhiên, ông Diễu không đồng ý với phương án bồi thường trên. “Đất là do cha chồng tôi khai hoang làm ăn đã lâu rồi để lại cho hai vợ chồng, mặt khác do chúng tôi mua thêm chứ không phải lấn chiếm. Tôi lại vừa bỏ ra gần 1,7 tỷ đồng để sửa chữa đập, ao nuôi cá và mua cá giống để thả. Nguồn thu nhập chính của gia đình cũng từ ao cá, trừ chi phí mỗi năm cũng được 130-140 triệu đồng. Giờ nhà nước đền bù số tiền đó thật sự chẳng thỏa đáng nên chúng tôi không thể đồng tình”-bà Hiền bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Quốc Hoan-Phó Chủ tịch phụ trách UBND thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê), Phó Trưởng ban Cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Diễu, cho biết: Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với hộ ông Diễu đã đảm bảo đầy đủ thủ tục và đúng theo quy định của pháp luật. UBND huyện, các ban ngành và UBND thị trấn cũng đã nhiều lần tổ chức đối thoại, tuyên truyền, giải thích và vận động ông Diễu chấp hành quyết định thu hồi đất, nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công đảm bảo tiến độ nhưng ông Diễu không chấp hành. Do đất thu hồi của gia đình ông Diễu thuộc vị trí phải xây dựng các cống hộp lớn, thời gian thi công kéo dài nên bắt buộc phải sớm giải phóng mặt bằng. Vì thế, UBND huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ này. Sáng 8-9, huyện sẽ tổ chức đối thoại thuyết phục gia đình lần cuối, nếu vẫn không đồng ý thì sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định.

Với những nỗ lực trên, huyện Chư Sê quyết tâm đến cuối tháng 9-2018 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho chủ đầu tư nhằm đảm bảo tiến độ thi công của dự án.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

(GLO)- Tại khắp các địa phương trong tỉnh Gia Lai, công tác chỉnh trang đô thị đang được khẩn trương thực hiện, bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2025 và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.