Chư Pưh tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quyền sử dụng đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Hàng ngàn ha đất nông nghiệp thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Phú Nhơn lại do người dân huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) khai hoang, sản xuất suốt mấy chục năm qua. Những hộ này đang gặp vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Để thuận lợi trong công tác quản lý cũng như tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất, chính quyền huyện đang tìm hướng giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Cách đây hơn 5 năm, ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) bỏ ra gần 400 triệu đồng để mua hơn 2 ha đất của một hộ dân. Mọi thủ tục mua bán chỉ được 2 bên giao dịch bằng giấy viết tay vì chưa có giấy CNQSDĐ. Sau đó, ông Hùng đầu tư trồng 1,5 ha hồ tiêu, phần diện tích còn lại trồng điều. Tuy nhiên, khi đi làm hồ sơ đề nghị cấp giấy CNQSDĐ, ông mới phát hiện toàn bộ diện tích này do Ban QLRPH Nam Phú Nhơn quản lý.

Diện tích đất sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) chưa có giấy CNQSDĐ. Ảnh: Quang Tấn

Diện tích đất sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) chưa có giấy CNQSDĐ. Ảnh: Quang Tấn

Ông Hùng cho hay: “Tại khu vực này, người dân sản xuất từ rất lâu, đa số trồng cây lâu năm. Vì thế khi mua, tôi cứ nghĩ đất này hợp pháp. Không ngờ toàn bộ diện tích đất của người dân ở khu vực này đều thuộc quản lý của Ban QLRPH Nam Phú Nhơn. Từ 3 năm nay, gia đình tôi luôn phập phồng lo sợ, không dám đầu tư mạnh cho vườn cây vì không biết sẽ bị thu hồi lúc nào. Tôi mong các cấp, các ngành của huyện, tỉnh quan tâm xem xét cấp giấy CNQSDĐ để người dân chúng tôi yên tâm sản xuất”.

Tương tự, toàn bộ hơn 2,3 ha đất được ông Nguyễn Lỵ (cùng thôn) sản xuất từ năm 1996 đến nay cũng thuộc quyền quản lý của Ban QLRPH Nam Phú Nhơn. Ông Lỵ cho biết: “Chúng tôi sản xuất ở đây mấy chục năm qua, không có tranh chấp gì với ai. Đến năm 2019, hộ ông Phan Sơn (đã được cấp giấy CNQSDĐ) khi làm thủ tục đáo hạn ngân hàng thì bị từ chối vì phát hiện đất của gia đình cũng thuộc quyền quản lý của Ban QLRPH Nam Phú Nhơn. Từ đó, gia đình tôi cũng như hàng chục hộ dân ở đây rất bất an, không yên tâm sản xuất. Trong khi đó, hầu hết diện tích ở đây được người dân trồng cây lâu năm, vốn đầu tư lớn. Chúng tôi mong huyện, tỉnh quan tâm tạo điều kiện cấp giấy CNQSDĐ để người dân có điều kiện vay vốn đầu tư phát triển sản xuất”.

Theo ông Nguyễn Văn Tường-Trưởng ban QLRPH Nam Phú Nhơn, đơn vị đang quản lý hơn 3.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.500 ha được người dân 2 xã Ia Hla và Ia Blứ sản xuất từ lâu. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị trong việc quản lý diện tích đất này. “Ban đang phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương rà soát, xác định vị trí, lập bản đồ để làm cơ sở xây dựng phương án sử dụng đất sau thu hồi gửi các sở, ngành liên quan thẩm định. Tuy nhiên, do diện tích lớn, địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó nên việc triển khai rà soát gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian”-ông Tường thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho hay: Huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban QLRPH Nam Phú Nhơn và chính quyền địa phương khẩn trương rà soát, xác định hiện trạng, xây dựng bản đồ cụ thể và phải xong trong tháng 2 này. Từ đó làm cơ sở để xây dựng phương án sử dụng đất sau thu hồi báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định trước khi trình UBND tỉnh thu hồi, giao lại địa phương quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi UBND tỉnh thu hồi, bàn giao cho địa phương quản lý, huyện sẽ xem xét cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ dân nếu đủ điều kiện.

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.