Chư Pưh quan tâm giúp phụ nữ thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. 
Nhiều mô hình sáng tạo
Trước đây, gia đình chị Ralan H’Ben thuộc diện hộ nghèo của làng Luh Yố, xã Ia Hrú. Cả gia đình 5 người sống trong căn nhà nhỏ ẩm thấp; thu nhập chỉ dựa vào mấy sào mì và tiền công làm thuê của hai vợ chồng. Giữa năm 2018, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã chọn tham gia mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”, xây tặng nhà và trao 2 con dê sinh sản để làm tư liệu sản xuất.
Chị H’Ben chia sẻ: “Khi được Hội LHPN xã quan tâm kêu gọi các Mạnh Thường Quân xây cho căn nhà nhỏ và hỗ trợ 2 con dê sinh sản, tôi rất phấn khởi, lấy đó là động lực để tiếp tục vươn lên. Sau đó, tôi đã vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua thêm 3 con bò và 3 sào đất trồng lúa. Cuối năm 2019, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo”.
Chị Ralan H’Ben (làng Luh Yố, xã Ia Hrú) vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã. Ảnh: Trần Dung
Chị Ralan H’Ben (làng Luh Yố, xã Ia Hrú) vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã. Ảnh: Trần Dung
Theo bà Rơ Mah H’Lat-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Hrú, mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” (biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu và hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ kiến thức) được thành lập từ tháng 6-2018. Mỗi năm, Hội sẽ tập trung giúp 2 phụ nữ nghèo phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ tiền mua dê (mỗi con trị giá 3,5 triệu đồng) và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.
“Từ khi triển khai đến nay, mô hình nhận được sự hưởng ứng của hội viên, phụ nữ và giúp thắt chặt tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Mô hình đã giúp 2 hội viên thoát nghèo. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới”-bà H’Lát cho biết.
Bị câm điếc bẩm sinh, bà Mai Thị Ánh (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa) phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Bà phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của bà Ánh, năm 2017, Hội LHPN thị trấn Nhơn Hòa đã chọn bà tham gia vào mô hình “Hỗ trợ vật nuôi xoay vòng”. Từ nguồn quỹ đóng góp của hội viên, Hội LHPN thị trấn đã mua 1 con bò giống (trị giá 12 triệu đồng) giao cho bà Ánh nuôi. Sau khi con bò này đẻ lứa đầu tiên, bà Ánh được giữ lại con bê. Con bò mẹ được trả lại Hội để tiếp tục giao cho hội viên nghèo khác nuôi.
Bà Lê Thị Minh Châu-Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Nhơn Hòa-cho hay: “Sau khi hỗ trợ bò, chúng tôi đã kết nối với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để cho bà Ánh vay 10 triệu đồng mua thêm bò về nuôi. Đến nay, gia đình bà Ánh đã có 6 con bò, còn nuôi thêm heo, gà… và chính thức thoát nghèo vào cuối năm 2019. Với mô hình “Hỗ trợ vật nuôi xoay vòng”, Hội đã giúp 2 hội viên thoát nghèo”.
Giúp phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Bà Mai Thị Thanh Hằng-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh-cho biết: “Thời gian qua, bên cạnh việc chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức cho hội viên, giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm, Hội cũng đã tập trung triển khai thực hiện có chất lượng các hoạt động, chương trình nhằm hỗ trợ chị em thoát nghèo; quan tâm hỗ trợ vốn kết hợp với hướng dẫn cách sử dụng vốn có hiệu quả”. 
Theo đó, Hội LHPN huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Vận động hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021”. Hiện nay, toàn huyện có 12 Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với 196 thành viên, đã tiết kiệm được trên 310 triệu đồng.
Song song với đó, Hội đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế. Hội đã ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện cho chị em vay vốn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Tổng số vốn Hội đang quản lý là 5,7 tỷ đồng, giải quyết cho 88 hội viên, phụ nữ vay. Ngoài ra, 48/74 chi hội tại 9 xã, thị trấn đã vận động xây dựng tốt quỹ xoay vòng vốn với tổng số tiền trên 370 triệu đồng. Nguồn quỹ này đã giúp cho 151 hội viên vay với lãi suất thấp hoặc không tính lãi.
Bên cạnh đó, hoạt động “Quỹ đồng hành cùng phụ nữ nghèo” ngày càng vững mạnh. Hiện Hội LHPN huyện và các cơ sở Hội đã đóng góp được gần 80 triệu đồng, hỗ trợ cho 152 gia đình hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Toàn huyện hiện đã nhân rộng được 13 mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” với 159 thành viên, giúp đỡ sinh kế cho 17 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội LHPN 9 xã, thị trấn đã đăng ký giúp 32 hộ hội viên nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo.
“Trong năm 2019, Hội có 1.631 hộ hội viên nghèo. Với các chương trình, hoạt động bám sát thực tiễn, chúng tôi đã giúp 475 chị thoát nghèo. Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục quan tâm triển khai đa dạng các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống”-bà Mai Thị Thanh Hằng cho biết thêm.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.