Chư Prông một thuở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đầu tháng 6-1985, tôi theo chuyến xe đò từ Pleiku về huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) để nhận nhiệm vụ của một cán bộ tăng cường. Mới chớm mùa mưa nhưng tỉnh lộ 663 đã lầm lên như mặt ruộng. Hơn chục km từ quốc lộ 19 vào đến huyện, chiếc xe đã “bò” mất hơn 2 giờ đồng hồ!
Tôi được phân công về Phòng Văn hóa-Thông tin. Trụ sở cơ quan là căn nhà xây cấp 4 lợp ngói gồm 3 phòng. Một phòng dùng đặt máy móc của đài truyền thanh, 1 phòng dùng làm việc và 1 phòng làm khu tập thể. Những lúc mưa to, nước dột tung tóe khắp nơi. Dẫu vậy, nó cũng là một trong mấy ngôi nhà xây đếm được trên đầu ngón tay của huyện lúc đó. Khu trung tâm huyện, bấy giờ, người ta vẫn quen gọi bằng cái tên mỹ miều là “thị trấn Lệ Ngọc”, nhưng nhà cửa chỉ đóng khung trong không gian chưa đầy 1 km2. Dân chỉ có một “xóm Đông Hà” kinh tế mới chừng ba chục nóc nhà. Trưởng phòng của tôi là ông Rơ Mah Tiến. Nghe nói hồi chiến tranh, ông hoạt động văn nghệ nhưng chủ yếu là chiếu phim phục vụ căn cứ. Phòng chẳng có mấy việc để làm nên chức trách trưởng phòng với ông có vẻ là “nghề tay trái”. Vào mùa, có khi ông vắng mặt cả tuần liền. Ông đi trỉa lúa, đi gặt giúp vợ con. Dù vậy, cứ vào thời điểm giáp hạt, ông lại phải về làng xin gạo vì đông con. Một lần, tôi vô tình gặp ông đi đào củ mài về, nghĩ mà thương quá đỗi!
Nhưng bấy giờ thì có riêng gì ông Tiến. Ai có gia đình cũng phải lo làm rẫy để có cái ăn bởi đồng lương chỉ mang tính tượng trưng. Đến Chủ tịch UBND huyện Kpuih Dem cũng nhập vào đội quân tăng gia sản xuất. Ông qua đời cũng dễ đến hai chục năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh của vị Chủ tịch ấy: Đó là một con người vóc dáng nhỏ, trán hói, gương mặt đầy vẻ phong trần, nhưng phía sau lại là một tấm lòng cởi mở. Nhà ông, bấy giờ, cũng vách ván, lợp ngói như bao cán bộ, công nhân viên chức của huyện. Tuy nhiên, ông không chọn mặt đường trung tâm mà ở tít phía sau “xóm Đông Hà”, trơ trọi giữa lũng một ngọn đồi hoang. Chủ nhật nào tôi cũng thấy ông cắm cúi dưới ruộng lúa. Thậm chí, nhiều hôm hết giờ làm việc buổi chiều, ông ôm cặp đi thẳng ra ruộng, lúi húi cho đến tối mịt mới về. Gặp tôi, ông nở nụ cười ám khói thuốc lá động viên: “Phải cố mà làm chú ạ. Khó khăn là khó khăn chung, cứ ngồi mà kêu thì giải quyết được gì”.
Trung tâm thị trấn Chư Prông ngày càng khang trang, khởi sắc. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Trung tâm thị trấn Chư Prông ngày càng khang trang, khởi sắc. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Phong trào “nhà nhà làm rẫy, người người làm rẫy” kéo dài cho đến quãng năm 1993-1994 mới chững lại. Bấy giờ “vũ khí hạt gạo” không còn là nỗi quan tâm của mọi gia đình nữa. Cuộc sống cũng bắt đầu nảy nở. Dấu hiệu đầu tiên là trục đường chính chừng 1 km chạy qua trung tâm huyện được trải nhựa, rồi Nhà máy Thủy điện Ia Drăng hoàn thành, thị trấn có điện. Từ đây, Chư Prông bắt đầu tịnh tiến trên con đường phát triển chung.
Mới năm kia, tôi chở nhà văn Trung Trung Đỉnh đi Chư Prông chơi. Ông Đỉnh bảo: “Hãy cho gặp ông Rơ Mah Tiến đã rồi đi đâu cũng được”. Tôi ngạc nhiên hỏi, hóa ra 2 ông quen nhau từ hồi trong cứ. Nhưng ông Tiến từ lúc nghỉ hưu đã về sống ở làng vợ tại xã Ia Pia. Con đường lầy lội khi xưa giờ đã được láng nhựa đẹp đẽ. Ông Tiến đã xây được nhà to rộng, quay mặt ra đường, xung quanh nhà cửa của người dân cũng đàng hoàng, đời sống sung túc. Các con ông cũng đã lấy vợ, lấy chồng; tạo lập được cuộc sống yên ổn. Gặp nhau 2 ông mừng rỡ. Sau khi hết vào nhà lại ra sân ngắm nghía, ông Đỉnh rủ ông Tiến đi nhậu. Ông Tiến lắc đầu cười buồn: “Bác sĩ bắt cai rượu từ mấy năm nay rồi”. Nói đến rượu, tôi chợt nhớ cái Tết 1986. Năm đó, Phòng Văn hóa-Thông tin được huyện chia ít bánh kẹo và một chai rượu chanh Hà Nội gọi là quà Tết. Ngày cuối năm gặp mặt, anh em trong phòng định làm tí cho vui vẻ, nào hay hỏi đến rượu thì ông Tiến cười hồn nhiên: “Thèm quá, tớ uống mất rồi còn đâu”. Lại nghĩ thương ông. Cái thời chỉ thứ rượu xoàng mà cũng khát khao đến thế!
Phòng Văn hóa-Thông tin bấy giờ có lẽ là cơ quan nghèo nhất huyện. Vậy mà ông Rơ Mah Tiến lại là người khổ nhất cơ quan ấy. Nhìn vào gia cảnh ông cũng đủ thấy cái giá lớn lao của công cuộc đổi mới đất nước. Chẳng biết lớp cán bộ bây giờ có mấy người còn nhớ đến ông?
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.