Chơ Ro níu giữ hồn xưa: Phố thị trong buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước cơn bão đô thị hóa, những ngôi nhà sàn hay trang phục truyền thống của người Chơ Ro (ấp Vinh Thanh, TT.Ngãi Giao, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nay chỉ còn trong tâm tưởng.

Một góc làng Vinh Thanh ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Một góc làng Vinh Thanh ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Từ TP.HCM, sau gần 3 tiếng đồng hồ rong ruổi trên QL51, chúng tôi tới TT.Ngãi Giao. Thầy Đào Quốc Trung (giáo viên lịch sử Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) ra đón về ấp Vinh Thanh, nơi tập trung đông người Chơ Ro. “Về xóm nghèo, hy vọng các bạn không ngại”, thầy Trung nói.

Đâu rồi nhà sàn, trang phục Chơ Ro
Ấp Vinh Thanh nằm nép mình bên thị trấn. Những ngôi nhà cấp bốn hiện lên san sát, kín cổng cao tường trên con đường trải nhựa. Những đứa trẻ tụm năm tụm bảy ngoài đường nói với nhau bằng tiếng Kinh. Thật khó nhận ra đây là nơi nhiều thế hệ của một dân tộc thiểu số đã và đang sinh sống nếu không được giới thiệu trước. Háo hức được thấy những căn nhà sàn, trang phục thổ cẩm... ngay giữa lòng đồng bằng đô thị nhanh chóng vụt tắt. Chúng tôi “vỡ mộng” với thực tế.

Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh - nơi diễn ra các cuộc thi, lễ hội lớn
Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh - nơi diễn ra các cuộc thi, lễ hội lớn
Theo truyền thống của đồng bào Chơ Ro (Châu Ro, Jơ ro, Dơ ro, Chrau Jro... - PV), nhiều gia đình cùng một dòng tộc sẽ sống tập trung trong những khu nhà sàn dài. Tuy nhiên nơi đây không còn ngôi nhà sàn nào nữa. Đường đi được bê tông hóa. Địa phương hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh theo chương trình 134, 135 của Chính phủ và nhiều chính sách phát triển dân tộc khác. Do Vinh Thanh xưa trong chiến tranh là ấp chiến lược nên mỗi lần làm đường rất nhiều lực lượng chuyên trách phải xuống, rà soát kỹ lưỡng xem còn sót bom mìn không.
Chị Dương Thị Sáng (40 tuổi, Trưởng ấp Vinh Thanh) bảo: “Bản chất của nhà sàn là để phòng tránh thú dữ, nhưng từ lúc tôi sinh ra mọi thứ đã hòa nhập hết vào nếp sống của người Kinh rồi, không ai xây nhà sàn nữa”.
Đô thị hóa khiến đời sống của người Chơ Ro cũng thay đổi. Lúc trước họ di chuyển bằng xe bò nhưng nay là xe gắn máy. “Đa số đồng bào ở đây làm nghề nông, rẫy của họ cách đây khá xa, ở Lồ ồ Đá Bạc (xã Đá Bạc, H.Châu Đức). Ngày trước dân chỉ trồng bắp, đậu, sau đó trồng thêm tiêu, cà phê, kết hợp với chăn nuôi để tăng thu nhập. Nhưng giờ thanh niên trong làng chuộng đi làm công nhân hơn”, chị Sáng cho hay.
Thầy Đào Quốc Trung cũng từng đi làm công nhân, thợ hồ khi chưa được 16 tuổi. Anh lý giải, làm công nhân lương ổn định, cũng được gần chục triệu đồng/tháng. Trong khi đó, làm rẫy không thất mùa cũng thất giá có năm thu chỉ từ... 10 - 20 triệu đồng. “Người có trình độ thì làm văn phòng, không trình độ thì xin vô xí nghiệp làm hoặc đi xuất khẩu lao động. Đã qua rồi thời người dân tộc có thể sống nương mình vào thiên nhiên”, thầy Trung tặc lưỡi.
Cuộc xâm lăng của điện thoại thông minh, loa kẹo kéo
Tối, trăng tròn vành vạnh phía đầu làng, Vinh Thanh ngập trong ánh trăng. Văng vẳng phía cuối xóm là tiếng hát lẫn tiếng nhạc xập xình từ loa kẹo kéo.

Người Chơ Ro có truyền thống làm rẫy, trồng lúa, bắp, đậu...
Người Chơ Ro có truyền thống làm rẫy, trồng lúa, bắp, đậu...
Những chiếc loa, dàn karaoke xuất hiện ngày càng nhiều, người trong xóm cũng triển khai dịch vụ cho thuê loa kẹo kéo di động. Người Chơ Ro thích chung vui với bạn bè và đặc biệt đam mê văn nghệ. Nhưng giờ đây, rượu cần được thay thế bằng bia. Những bài dân ca Chơ Ro xưa được thay bằng những bài nhạc trẻ đang thịnh hành.
Điện thoại thông minh cũng thay đổi đời sống người Chơ Ro. Những đứa trẻ hầu như chỉ nhìn chằm chằm vào điện thoại. Người lớn mỗi khi đi làm về cũng chỉ mở ti vi xem chứ không còn truyền thống “chih prau” (kể chuyện dân gian xưa của người dân tộc) nữa. Do nhu cầu giải trí, hòa nhập và đặc biệt do sự phát triển của dịch vụ trả góp nên nhà ai cũng tranh thủ mua sắm đầy đủ tiện nghi, lắp đặt wifi, đăng ký 4G...

Thác Xuân Sơn (thác sông Ray) - cội nguồn Chơ Ro theo sông Ray
Thác Xuân Sơn (thác sông Ray) - cội nguồn Chơ Ro theo sông Ray
“Những buổi quây quần bên bếp lửa để kể chuyện K Lêu đi tìm nguồn nước cho con cháu dân tộc trong làng nay trở thành… mơ ước của những người muốn giữ gìn văn hóa Chơ Ro. Lớp trẻ dần từ bỏ những trò chơi dưới trăng, mù tịt loại rau nào để nấu canh bồi (một trong những món ăn truyền thống của người Chơ Ro). Thậm chí, việc tiếp thu tốt xấu tràn lan trên internet làm nhiều thanh thiếu niên dân tộc bỏ học, rơi vào tệ nạn xã hội”, thầy Trung chia sẻ.
Gia đình thầy Trung chuẩn bị mâm cơm với cá kho, thịt luộc, rau xào, hệt như những gia đình miền xuôi khác. Anh bảo bây giờ các món ăn Chơ Ro truyền thống hầu như không được nấu nữa vì đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị và nguyên liệu nấu ngày một khan hiếm. Những món ăn như cơm lam, canh bồi, rượu cần… chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội hoặc đãi khách khứa.
Theo thầy Trung, không có làng Chơ Ro nào ở Đông Nam bộ còn nhà sàn, mặc trang phục xưa nữa. Anh nói: “Truyền thống có lẽ giờ chỉ tồn tại trong một số quan niệm cổ truyền. Ví dụ trong gia đình Chơ Ro, khi vợ sinh thì người chồng phải lo toan mọi việc, nếu để vợ cho cha mẹ nuôi là tội lỗi lớn”.
(còn tiếp) 
Cội nguồn người Chơ Ro
Ngày trước, mỗi tối người Chơ Ro có tập tục kể chuyện dân gian (chih prau) cho con cháu. Họ mượn hình ảnh thiên nhiên để dạy cho con cháu thành thật, làm ăn lương thiện. Kể nhiều nhất là chuyện K Lêu và 2 dòng Chơ Ro. K Lêu được xem là người mang dòng nước về cho dân tộc. Ông vào rừng đi săn cùng với con chó của mình. Đến một điểm đó thì con chó sủa dữ dội và không chịu rời đi. K Lêu bèn cắm mũi tên xuống đất, bỗng dưng nước phun lên vùn vụt. Ông đi đến đâu nước chảy theo đến đó. Đến Xuân Sơn, ông dừng lại nghỉ thì nước tách ra thành 7 dòng rồi hòa vào khi ông đi tiếp. Đây chính là thác Xuân Sơn (thác sông Ray). Khi tới biển, K Lêu được một con cá sấu đưa vào bờ. Đây là cội nguồn Chơ Ro theo sông Ray.
Hướng còn lại là dân Chơ Ro sông Xoai (sông Xoài), từ H.Long Thành (Đồng Nai) đến TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). 
Đời sống không còn nhiều khác biệt
Bà Nguyễn Thị Dung, cán bộ tôn giáo, dân tộc (UBND TT.Ngãi Giao), cho biết trên địa bàn có gần 1.340 người Chơ Ro. Với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế văn hóa - xã hội, đời sống vật chất của bà con dần được nâng lên. Đáng tiếc song hành với sự phát triển là việc mất đi các bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, tiêu biểu như kiến trúc (vật thể) và tiếng nói (phi vật thể).
“Đời sống của người Chơ Ro hiện nay tại thị trấn không còn sự khác biệt nào lớn đối với nét sống của người Kinh, nếu có cũng chỉ có những nghệ nhân dạy học hoặc các cuộc thi, lễ hội lớn mỗi năm tại Nhà văn hóa Bàu Chinh (xã Bàu Chinh) gần đó”, bà Dung nói.
Theo Phạm Thu Ngân (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…