(GLO)- Những ngày này, trên các nẻo đường của Pleiku đã duyên dáng khoác trên mình một tấm áo mới, tấm-áo-hoa-ngày-Tết đầy thanh âm và màu sắc, chộn rộn không khí Xuân. Cũng bởi, trong bộn bề công việc để chuẩn bị đón mừng năm mới, chợ hoa từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn và níu giữ bước chân của người dân Phố núi trong dịp Tết đến Xuân về.
Sứ giả của mùa Xuân
Nếu gọi những ông chủ của các nhà vườn là những người chắp cánh cho mùa Xuân thì chợ hoa Tết sẽ được coi là sứ giả đưa mùa Xuân đến với mọi gia đình Việt. Đã từ lâu, trên mọi miền đất nước, những phiên chợ được tổ chức thường niên và quy mô nhất trong năm này luôn nhận được sự đón đợi của nhiều người.
Một góc chợ hoa Xuân. Ảnh: T.H |
Tại Gia Lai, ngay từ trung tuần tháng Chạp, hàng trăm gian hàng hoa đủ loại, từ các hàng bông bình dân, thông dụng cho đến lan, quất, mai vàng, sứ, kiểng đủ kiểu, đủ các kích cỡ đã theo chân nhau tụ hội, góp phần tô thắm thêm bức tranh xuân Phố núi sự rộn ràng trong sắc màu rực rỡ của muôn loài hoa.
Xuân Quý Tỵ này, ông Nguyễn Văn Sang-một chủ vườn chuyên trồng hoa hồng và thược dược (tổ 8, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cung cấp cho thị trường gần 300 chậu thược dược và 250 chậu hoa hồng. Vừa nhanh tay bê chậu hoa hồng 7 màu ra xe cho khách, ông vừa tiếp chuyện tôi: “Hoa tôi trồng chỉ để phục vụ những khách hàng bình dân thôi, nhưng những chậu hoa bảy màu được ghép công phu từ 1 năm rưỡi đến 2 năm như thế này không phải nhà vườn nào cũng có được đâu. Vậy nên, năm nào tôi cũng có một lượng khách hàng ổn định, tiền thu được cũng đủ để cho tôi thêm nhiều hứng khởi trong vụ hoa năm sau. Nếu cô muốn mua mai, đặc biệt là những chậu mai truyền thống hay mai bonsai thì nên tìm đến lô hàng của ông Hà. Tôi cũng vừa qua ngắm mai bên đó về, đã mắt lắm cô ạ”.
Theo chỉ dẫn của ông Sang, tôi nhanh chóng tìm ra gian hàng của ông Hà. Thấy tôi vừa hỏi thăm vừa ghi chép, ngay lập tức ông Hà đưa tặng tôi một tấm card visit. Thì ra ông là Mai Hai Hà-một chủ vườn chuyên bán các loại cây cảnh có tiếng của Pleiku (số 25, Chu Mạnh Trinh). Tết năm nay, ông đang hy vọng gần 600 chậu mai dày công chăm bón của mình sẽ đến được với người yêu hoa. “Mai của tôi có vẻ như ngược giá, loại mai dảo được ghép từ gốc mai rừng có giá 60-120 triệu đồng; mai bonsai trung bình 8-14 triệu đồng; mai truyền thống (loại được uốn theo dáng hình chữ S), chậu cao nhất khoảng 17 triệu đồng, còn trung bình từ 1,2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/chậu; nhưng không phải là không có người mua. Tuy tình hình kinh tế năm nay có khó khăn hơn mọi năm nhưng tôi vẫn hy vọng có được một mùa hoa bán buôn thuận lợi”.
Ảnh: Thu Huế |
Tại chợ hoa Xuân, không khó để nhận ra một góc riêng của đào-loài hoa giúp những người con miền Bắc không có dịp về quê đón Tết nhà khỏa lấp phần nào nỗi nhớ nhà. Ông Đăng, nhà ở Biển Hồ-người đang sở hữu 150 gốc đào Hải Dương cho biết: “Đào này, tôi đem từ Hải Dương vào, giá xê dịch từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/gốc. So với năm ngoái, giá đào năm nay có phần nhích hơn. Từ sáng đến giờ, tôi đã bán được 20 gốc rồi, chủ yếu là các gia đình gốc Bắc và một số đơn vị bộ đội”.
Nét đẹp riêng cho phố
Chỉ cần bước ra đường là đã có cảm giác ngày Tết đã đến thật gần. Các loài hoa muôn hồng ngàn tía, rực rỡ theo những bước chân mau mải, khẩn trương của chủ để góp phần điểm tô cho không gian Phố núi thêm ngạt ngào hương sắc. Cũng như mọi năm, chợ hoa Xuân Quý Tỵ này thật đa dạng sắc màu và phong phú chủng loại, trong đó các loài như mai, đào, quất, cúc, lan luôn chiếm phần lớn, là những loài hoa không thể thiếu của phiên chợ giàu có những niềm vui và tươi sáng nét văn hóa này.
Bên cạnh đó là sự góp mặt của những gian hàng với thế cây được kết tạo trong tình yêu và sự miệt mài bón chăm của chủ, những vạt trạng nguyên tươi sắc đỏ, những chậu dâu tây xanh mướt mát, lấp ló những trái mọng căng, những gian hàng sinh vật cảnh đặc trưng và còn có cả một không gian dành cho những người hay hoài niệm với phấp phới những tranh thư pháp, câu đối hay những chữ “thiêng” mà bất cứ ai cũng muốn sở hữu trong dịp đầu năm như Tâm, Phúc, Lộc, Thọ… Tùy vào sở thích từng người, tùy không gian ngôi nhà và túi tiền của mình, người dân tha hồ lựa chọn cho mình những “biểu trưng văn hóa Tết” ngay tại chợ hoa.
Chợ hoa Xuân năm nay, theo quan sát của tôi, người đến để mua hoa thật nhiều nhưng số người đến để thưởng lãm hoa lại nhiều hơn cả. Anh NguyễnVăn Hiệp (tổ 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) từ gần một tuần nay, chiều nào anh cũng dạo quanh chợ “để ngắm hoa cho đã con mắt và xem sức sắm Tết của mọi nhà”- “Năm nay anh định rinh chậu hoa nào về chưng Tết không?”. Nghe câu hỏi của tôi, anh Hiệp chỉ ngay vào một thế mai đang chờ ngày bung sắc, sau khi không tiếc lời bình phẩm, anh lại cười: “Tôi đang ước nhà mình cao hơn một chút, rộng hơn một chút và vợ chồng tôi kiếm được nhiều tiền hơn một chút để đón cây mai thế này về ăn Tết cùng. Cây này, ông chủ đòi 120 triệu đồng đấy…”. Còn anh Phạm Văn Thoàn (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), sau khi cùng vợ con đi mấy vòng, lại lấy điện thoại ra chụp liên tiếp những dáng cây, chậu hoa mình thích, anh dừng lại trước gian hàng bán phong lan, bỏ 200 ngàn đồng để mua 3 giỏ.
Vậy là, vượt ra khỏi tầng nghĩa “là nơi giao thương, mua bán hoa và cây cảnh mỗi độ Xuân về”, không biết tự khi nào, chợ hoa Xuân đã thành một địa chỉ-một điểm đến không thể thiếu của người dân Phố núi.
Thu Huế