Chợ cá miền chân sóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quảng Bình có đường bờ biển dài với nhiều chợ cá, bến cá họp bên chân sóng lúc rạng sáng.

Khung cảnh mua bán tấp nập tạo nên bức tranh sinh động, giàu mầu sắc về đời sống ngư dân miền biển. Không chỉ là nơi giao thương, các chợ cá này còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn khám phá văn hóa biển và thưởng thức hải sản tươi ngon trong hành trình đến với Quảng Bình.

chocadd.jpg
Bình minh trên chợ cá Nhân Trạch.

Chợ cá, nét văn hóa miền biển

Quảng Bình có gần 120 km bờ biển, ngoài 5 cửa sông chính thì phần lớn đều là biển bãi ngang. Trên bãi ngang ấy không biết từ bao giờ đã hình thành các chợ cá, bến cá, cũng là nơi khởi đầu và kết thúc một hành trình ra khơi của những chiếc thuyền đánh cá vùng lộng (khu vực nằm giữa vùng ven bờ và vùng khơi - PV). Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình không chỉ đầu tư xây dựng nhiều cảng cá lớn mà còn phát triển các bến cá ngay tại bãi biển, giúp ngư dân thuận lợi hơn trong việc bốc dỡ và tiêu thụ hải sản. Từ đó hình thành các chợ cá mang đậm nét văn hóa của cư dân miền biển.

Trong số các chợ cá ở Quảng Bình, chợ cá Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch có “tuổi đời” lâu nhất, gắn với việc hình thành và phát triển của làng biển trù phú này. Theo sử sách, làng biển Cảnh Dương hình thành vào năm Quý Mùi (1643), đến nay đã 382 năm. Từ xưa, người dân Cảnh Dương vẫn tự hào là một vùng quê văn vật, có nhiều di sản văn hóa độc đáo, trong đó có chợ cá, được xem là nơi lưu giữ “hồn cốt” của làng. Các bậc cao niên trong làng cho rằng, chợ cá Cảnh Dương có lịch sử gắn với quá trình hình thành và phát triển của làng, tên chợ cũng là tên làng. Chợ cá không chỉ đơn thuần là nơi giao dịch mua bán mà còn là nơi thể hiện văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán của người dân làng biển Cảnh Dương.

Như thường lệ, khoảng 3 giờ sáng, những chiếc thuyền nan hay các tàu nhỏ đánh cá gần bờ nối đuôi nhau vào cửa sông Roòn, mang theo nhiều loại hải sản tươi ngon. Lúc này, chợ cá Cảnh Dương bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Ngay bên triền sóng, ngoài những người phụ nữ đón chồng, con trở về sau chuyến biển, từng tốp tiểu thương cũng hối hả chạy ra đón bạn hàng để chọn được những mẻ cá, mực, tôm tươi ngon nhất. Từng mẻ hải sản tươi rói được phân loại, chốt giá nhanh chóng theo xe của tiểu thương tỏa đi khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Chợ cá Cảnh Dương vì thế cũng trở thành chợ đầu mối hải sản ở phía bắc của tỉnh Quảng Bình.

Cũng như nhiều phụ nữ khác ở Cảnh Dương, chị Nguyễn Thị Nga thức dậy từ rất sớm để đón mua sỉ hải sản về nhập lại cho các nhà hàng, bán lẻ cho các chợ và gửi hàng cho khách du lịch. Chị cho biết, mỗi ngày, cửa hàng nhập khoảng 2-3 tạ hải sản các loại. Nhờ đón được tàu sớm nên hải sản của chị lúc nào cũng tươi ngon và tiêu thụ hết trong ngày. Nghề buôn bán hải sản ở chợ cá tuy cực nhọc nhưng kiếm được đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống gia đình và lo cho con cái ăn học. “Hơn nữa, hương biển cả, mùi tanh nồng của hải sản và cả cảm giác được lựa chọn những mớ cá, mực tươi ngon như ăn vào máu thịt tôi. Chỉ nghỉ một ngày hoặc con cái đi thay một ngày là thấy nhớ chợ cá, nhớ bạn hàng và bà con nơi đây”, chị Nga chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang cho biết, xã có 549 chiếc tàu, thuyền khai thác hải sản. Trong đó, có 200 tàu công suất lớn khai thác xa bờ với sản lượng đánh bắt đạt gần 4.000 tấn/năm. Số còn lại chuyên khai thác vùng lộng, thời gian đi biển từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, nên cá, mực tươi ngon và tiêu thụ hết ngay khi cập bãi. Cùng với chợ Cảnh Dương thì chợ cá họp ngay trên bãi cát trước làng mỗi buổi bình minh không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là không gian giao lưu, gắn kết cộng đồng vun đắp tình làng nghĩa xóm.

Dù không có bề dày lịch sử như chợ cá Cảnh Dương, nhưng các chợ cá như Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Nhật Lệ (thành phố Đồng Hới), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) hay Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa biển khơi. Ở đó, mỗi ngày, hàng trăm thuyền cập bến, mang theo biết bao tôm cá tươi rói. Những rổ cá bạc lấp lánh dưới ánh mặt trời, những con mực óng ánh, ghẹ xanh chắc thịt… tất cả làm nên vẻ đẹp giản dị nhưng đầy hấp dẫn của nghề biển. Sáng sớm ở các chợ cá, tiếng máy tàu nổ giòn, tiếng hò reo của ngư dân, tiếng xô của sóng hòa quyện vào tiếng í ới gọi nhau của các bà, các chị... tạo ra những thanh âm sôi động trong ngày mới ở vùng biển bãi ngang.

2cocha.jpg
Phụ nữ Cảnh Dương đến chợ cá rất sớm để chọn được những mớ cá, mực tươi ngon.

Để chợ cá thành điểm đến hấp dẫn du khách

Nhiều chợ cá, bến cá ở Quảng Bình là nơi mưu sinh, nơi thể hiện tinh thần gắn bó giữa con người với biển cả. Người dân Quảng Bình sống cùng biển, dựa vào biển mà tồn tại. Họ luôn dành cho biển sự kính trọng, biết ơn. Những ngày ra khơi, họ cầu mong trời yên biển lặng. Ngày trở về, họ tri ân biển đã cho họ cá tôm đầy khoang. Còn với du khách, họ đến với chợ cá đâu chỉ có mua hải sản mà nhiều người muốn trải nghiệm khung cảnh mặn mòi và cảnh sắc tuyệt đẹp của biển lúc bình minh.

Đến chợ cá Nhân Trạch hay Cảnh Dương, du khách có thể hòa mình với ngư dân khi lội xuống biển, vượt qua từng đợt sóng để kéo thuyền nhỏ hay giúp đẩy thuyền thúng đầy cá nặng vào bờ. Mùi nồng của nước biển mặn, mùi tanh của cá, mực hòa quyện trong tiếng sóng và tiếng gọi nhau của ngư dân, mang lại cảm giác thật khó quên. Nếu không thích xuống bến đợi cá, du khách có thể ngồi vắt vẻo trên bờ kè dọc bãi cát, nhìn ra mặt biển vời vợi. Trên mặt nước xanh bao la là vầng dương đỏ au, đang nhô dần lên từ phía chân trời xa thẳm. Chỉ cần đưa tay ra là có thể như “hứng” được mặt trời trong bàn tay qua khung hình tuyệt đẹp.

Bên chợ cá Nhân Trạch, chúng tôi có dịp trải nghiệm món đặc sản dân dã nhưng nổi tiếng của Nhân Trạch, món mì tôm mực. Chọn mua ít mực tươi, cả nhóm vào quán nhỏ ngay bên con đường bê-tông dẫn tới chợ cá mua mấy gói mì tôm, nhờ mệ (bà) chủ quán luộc qua mấy con mực rồi chế vào bát mì. Trên bát mì tôm với 3 con mực tươi da còn chấm đỏ, thêm ít hành, ngò, chúng tôi đã có bữa sáng dân dã nhưng thơm lừng và nhớ mãi!

Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình cho rằng, các tour khám phá các chợ cá vào lúc bình minh không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị mà còn giúp du khách hiểu rõ hơn về đời sống và văn hóa của người dân vùng biển. Nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của xã Cảnh Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hỗ trợ xây dựng nơi đây thành làng văn hóa - du lịch biển. Hiện tại, khu vực này đã phát triển các homestay và dịch vụ du lịch, giúp du khách có cơ hội hòa mình vào đời sống ngư dân.

Chính quyền xã Cảnh Dương cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao trải nghiệm du lịch, như thu gom rác tại chợ cá nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, khôi phục các nghề đánh bắt truyền thống thân thiện với thiên nhiên. Đặc biệt, nghề kéo lưới rùng được khuyến khích phát triển nhằm thu hút du khách trực tiếp tham gia kéo lưới và trải nghiệm bắt cá. Trong khi đó, tại những vùng biển giàu tiềm năng du lịch như Nhân Trạch, Nhật Lệ, các doanh nghiệp đã tổ chức tour tham quan làng biển, kết hợp các hoạt động như trượt cát tại Quang Phú, khám phá chợ cá và thưởng thức bữa sáng hải sản ngay tại chợ.

Tuy nhiên, để các chợ cá ở Quảng Bình thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn, các chuyên gia du lịch cho rằng cần kết hợp không gian chợ với các lễ hội truyền thống, bố trí tiểu cảnh mang đậm dấu ấn miền biển để du khách có thể check-in. Bên cạnh đó, việc quảng bá qua mạng xã hội, cập nhật thông tin về chợ cá, giá hải sản và đánh giá từ du khách cũng sẽ giúp tăng mức độ tin cậy, tạo thuận lợi cho khách tham quan và mua sắm đặc sản làm quà.

Ngoài ra, cần tích hợp chợ cá vào các hành trình tham quan Quảng Bình, như kết hợp với chuyến khám phá động Phong Nha - Kẻ Bàng hay bãi biển Nhật Lệ, nhằm gia tăng sức hút du lịch. Quan trọng hơn, để chợ cá phát triển bền vững và trở thành điểm đến trải nghiệm lý tưởng, cần xây dựng hệ thống thu gom rác hiệu quả, hạn chế rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng túi giấy, hộp đựng thân thiện với môi trường. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giáo dục về hệ sinh thái biển sẽ giúp du khách hiểu rõ giá trị của việc bảo vệ nguồn lợi hải sản, từ đó thêm yêu biển đảo quê hương.

Theo HƯƠNG GIANG (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.