"Chìm" giữa mùa nước nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“4 miệng dớn chỉ đổ (thu hoạch) được 3 kg cá linh, bán được 15.000 đồng, không đủ cho chi phí 1 lít xăng chạy xuồng. Chắc hết xác lưới này, tôi giải nghệ luôn” - tiếng thở dài của ông Nguyễn Hoàng Gấm - người có trên 30 năm gắn bó với nghề đánh bắt cá ở xã Tân Thạnh (TX.Tân Châu - An Giang) như nốt trầm giữa mùa nước nổi được kỳ vọng lắm tôm, nhiều cá.

3 ký cá linh - không đủ bù chi...

Về An Giang đúng vào cao điểm đánh bắt cá mùa nước nổi. Tháng Chín âm lịch, nước sông Hậu ăm ắp đôi bờ con đường chạy dọc từ TP.Long Xuyên ra huyện biên giới An Phú, tất cả như báo hiệu cho một mùa nước có nhiều... nước mà nhiều người hoa mỹ gọi là “lũ đẹp”. Bởi theo kinh nghiệm của những lão làng nghề “đâm hà bá”, năm nào nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, đồng đất ngập sâu thì nguồn lợi thủy sản, nhất là cá tôm trong tự nhiên cũng nhiều...

 

Nước lên cao hơn năm trước đã nhấn chìm đồng đất thành biển nước.
Nước lên cao hơn năm trước đã nhấn chìm đồng đất thành biển nước.

Chúng tôi tìm về Vĩnh Hội Đông - địa phương được mệnh danh là “vựa cá” tự nhiên của huyện đầu nguồn An Phú nằm giữa sông Hậu với hình ảnh đặc trưng: Cá tôm đầy sông.

Trong ký ức chưa xa của tôi, mùa nước nổi là mùa “Vĩnh Hội Đông không ngủ”, bởi cảnh tấp nập đánh bắt, vận chuyển cá làm xáo động cả vùng sông nước. Vậy mà, tôi không thể tin là đã đặt chân đến vựa cá Vĩnh Hội Đông, nếu không nhận ra bảng tên trước trụ sở UBND xã. Nước tràn bờ, nhưng con sông im ắng. Khu vực ngã Ba Dung Thăng - nơi được xem như “rún cá”- thường vào mùa này san sát những xuồng, những ghe của ngư dân các nơi đổ về giăng câu, thả lưới... Vậy mà năm nay, vắng bặt xuồng câu, ghe lưới.

Tìm đến nhà ông Hà Văn Ni (60 tuổi) - người có trên 30 năm gắn bó với nghề đánh bắt cá mùa lũ ở xã ven biên Vĩnh Hội Đông - đúng lúc ông chuẩn bị thăm dớn, chúng tôi xin phép tháp tùng để “mục sở thị”. Nhìn đường lưới chạy dài trên dưới 300m, chúng tôi phần nào hình dung quy mô của miệng dớn không hề nhỏ. Tuy nhiên, sau một hồi lặn hụp, ông Ni chỉ đổ được hơn 1kg cá linh. Theo ông Ni, nhiều ngày qua, lượng cá bắt được chỉ đủ ăn cho 4 người trong gia đình. “Hôm nào trúng cũng chỉ được khoảng 3-4 kg - ông Ni buông tiếng thở dài - Có lẽ đây là năm thất cá nhất sau hơn 30 năm tui sống chết với nghề”.

Với tất cả sự khách quan và cẩn trọng, chúng tôi lặn lội sang TX.Tân Châu (An Giang), vùng đất đầu nguồn sông Tiền để kiểm chứng. Vừa dịp ông Nguyễn Hoàng Gấm (xã Tân Thạnh) đổ dớn về, thấy cá linh nhảy soi sói dưới xuồng, bạn đồng nghiệp là dân Sài Gòn reo lên: “Cá nhiều quá, trúng quá”. Nhưng đó chỉ cảm xúc của dân thành thị. Bởi với ông Gấm, với lượng cá này, là lỗ nặng. “Chỉ được khoảng 3kg cá linh, không đủ bù cho chi phí cho 1 lít xăng để chạy xuồng. Đó là chưa kể đến chi phí khác - giọng ông Gấm buồn buồn - Chắc hết xác lưới này, tôi giải nghệ luôn”. Đó không chỉ là lời “hăm dọa” của ông Gấm mà là tiếng thở dài đang giằng xé lòng những người gắn bó với nghề cá mùa nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long.

Vùng cá đìu hiu, đại gia cũng rơi nước mắt

Không chỉ người đánh bắt cá với quy mô gia đình bị “chìm” giữa mùa nước nổi mà ngay cả những “đại gia” đánh bắt với quy mô lớn cũng rớt nước mắt.

 

4 miệng đáy của ông Gấm chỉ thu được từng ấy cá linh.
4 miệng đáy của ông Gấm chỉ thu được từng ấy cá linh.

Sông Sở Thượng (huyện Hồng Ngự) là “vùng cá” của Đồng Tháp. Vậy mà năm nay cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Là người trúng thầu gian đáy (địa điểm bố trí lưới đánh bắt cá trên dòng chính với quy mô lớn nhất so với các phương tiện khác), hàng đầu trên sông Sở Thượng (đoạn thuộc xã Thường Thới Hậu A) với giá lên đến vài trăm triệu đồng và đầu tư thêm cả trăm triệu đồng cho tiền vật tư, thuê 4 người giúp việc với giá 4 triệu đồng/ người/tháng, nhưng ông Nguyễn Văn Kiệt vẫn chấp nhận “treo lưới”.

Dẫn tôi đi thực địa, ông Lê Văn Huy - Trưởng ấp Bình Hòa Thượng - tua lại thước phim về thời gian đáy từng “ăn nên làm ra”. “Xuồng hứng cá từ miệng đáy, rồi xuồng, ghe của bạn hàng đến cân cá cứ tấp nập vào - ra liên tục...” - giọng ông Huy như đưa chúng tôi lạc vào thế giới đầy ắp cá, tôm như lời bài hát ca ngợi vùng đất phương Nam lắm cá, nhiều tôm - “Những năm trước, mỗi ngày giàn đáy này đổ cả trăm tấn cá linh. Thậm chí, có khi cá nhiều đến mức, chủ phải lệnh cho nhóm thợ “xả” miệng để tránh giàn đáy bị sạt vì quá tải”.

Đang thả hồn lâng lâng trên mây theo thước phim ly kỳ ngược về một vùng lắm cá, nhiều tôm... chúng tôi như rơi xuống mặt đất khi chứng kiến thực trạng hoàn toàn khác biệt. Gian đáy không một bóng người và không gian im ắng đến mức đứng trên bờ vẫn nghe được giọng anh Hồ Văn Lăng nằm trên chòi canh nghêu ngao câu vọng cổ. Thấy có khách, anh vội dọn nồi thịt heo kho vào góc chòi rồi chép miệng: “Làm đáy cá mà phải ăn thịt heo thì anh biết thất cỡ nào rồi”! Theo anh Lăng, sau lần xuống lưới đầu tiên không có cá, chủ đáy ra lệnh ngưng hoạt động đến nay để không thua lỗ thêm.

Vùng đầu nguồn An Giang còn tệ hơn. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông (An Phú) Lâm Ngọc Hồ cho biết, toàn xã có 6 gian đáy, nhưng phải sau 5 vòng đấu giá, mới có người thuận mãi 3 gian nhỏ, 3 gian lớn còn lại không có người ngó vì kinh nghiệm mách bảo mùa nước năm nay ít cá, nếu đấu giá gian đáy lớn, nguy cơ lỗ sẽ rất cao.

“Thuận mãi” là tiếng địa phương diễn đạt hành động chấp nhận bỏ giá khởi điểm để đưa ra giá mới thấp hơn nhằm tìm thấy sự đồng thuận ở người mua. Mỗi vòng đấu là 1 lần giảm giá, năm nay giảm đến 5 lần mà vẫn... “ế”, tự thân con số này đã lột tả hết toàn cảnh bức tranh đánh bắt cá mùa lũ vùng đầu nguồn ảm đạm đến dường nào. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Bởi theo xác nhận của anh Hồ, cả 3 gian đáy trúng giá, cũng chưa có ai ra quân vì ai cũng sợ “làm” sẽ lỗ nặng hơn.

Vẫn phải đánh bạc với con nước

Năm nay lũ cao hơn năm trước, nước nhấn chìm những cánh đồng đầu nguồn thành biển nước mệnh mông. Nhưng nhiều ngư dân lại rơi nước mắt trước biển nước.

Đang rôm rả với chuyện giới thiệu các món ngon từ cá linh, bỗng ông Gấm buồn rười rượi khi bạn đồng nghiệp dân Sài Gòn chính hiệu kể chuyện phải mua cá linh với giá 300.000đ/kg để thưởng thức đặc sản miền Tây. Bởi theo ông Gấm, từ đầu mùa đến giờ, ông chỉ bán cá linh được giá 5.000đ/kg với điều kiện phải sống và nhảy soi sói. Nếu chết chỉ có 3.000đ/kg, thậm chí còn thấp hơn nữa. Một cái giá, thấp hơn nhiều nhiều năm trước.

“Thất mùa, cá ít mà lại thất giá bán, dân làm cá tụi tui thua thiệt đến 2 lần. Nhiều hôm đi đổ, thấy trong trống ít cá, tui buồn rớt nước mắt... - ông Gấm bộc bạch - Vì sản lượng ít, thương lái không chịu đến mua ngay, buộc lòng phải rộng lại hôm sau, hao hụt lắm vì cá linh dễ chết”.

Thế nhưng, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn là không chỉ có người bán giá thấp rớt nước mắt mà ngay cả người mua giá thấp cũng... khóc ròng vì thường xuyên đối mặt thua lỗ. Chị Nguyễn Thị Phường - một thương lái có tiếng ở khu vực đầu nguồn huyện An Phú “bật mí”: Không phải thương lái phải ép giá, cũng không phải bóc lột gì hết, mua giá này mà thương lái tụi tui cũng thường xuyên chém mém thua lỗ”....

“Biết nghề ngày một khó khăn, nhưng không còn lựa chọn khác” - ông Nguyễn Văn Kỷ - một trong số 500 hộ dân không đất sản xuất ở xã Vĩnh Hội Đông - lý giải: “Không đất đai canh tác, tuổi không còn trẻ để đi làm ở các khu công nghiệp....”. Cũng như nhiều lão làng trong nghề, ông Kỷ thừa biết đó là đầu tư tiềm ẩn nhiều nguy cơ thua lỗ, nhưng vẫn phải đánh bạc với con nước như chuyện “chẳng đặng đừng”.

Hơn lúc nào hết, những ngư dân vùng đầu nguồn sông Cửu Long đang trông đợi chiếc phao mới để họ thoát khỏi cảnh chìm giữa mùa nước nổi!

Lục Tùng/laodong

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.