Chiếc tivi màu của nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chiếc tivi màu đời đầu mang thương hiệu Sony của Nhật được ông nội mua về từ huyện để xem bóng đá. Đó là ký ức đẹp của bọn trẻ con như tôi lúc bấy giờ, để rồi khi lớn lên và nhớ lại, cảm xúc đó thật khó diễn tả.

Ngày trước, ở vùng quê, để sở hữu được chiếc tivi màu là điều rất xa xỉ. Vì thế, nhà nào có tivi, đặc biệt tivi màu sẽ trở thành trung tâm của cả xóm. Ba tôi kể, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cả xóm chỉ có duy nhất cái tivi trắng đen cũ hiệu Hitachi. Mỗi lần muốn xem phải vặn cái núm bên phải để chỉnh kênh. Có lúc, tivi còn gắn thêm tấm kính màu xanh trước màn hình để từ xa mọi người nhìn cho giống tivi màu. Qua lời kể của ba, tôi cảm nhận được khi đó chỉ chiếc tivi trắng đen cũng đã đủ làm hài lòng tất cả mọi người ở vùng quê nghèo khó.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi tôi lên 7 tuổi, để chuẩn bị cho mùa World Cup 2002, ông nội tôi dành dụm một số tiền từ trước để lên huyện mua về chiếc tivi màu hiệu Sony đang thịnh hành lúc bấy giờ. Kể từ đó, tôi bắt đầu biết đến không khí bóng đá và say mê nó nhờ chiếc tivi của nội.

Lúc nhỏ, tôi cứ thắc mắc mãi vì sao đội tuyển nước mình lại không được tham dự World Cup. Lớn lên một chút, tôi mới hiểu giá trị của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, về cách mọi người chờ đợi để tận hưởng từng trận đấu qua chiếc tivi trắng đen của thế hệ ba tôi ngày trước.

Thời đó, các chuyên mục, bản tin thể thao không nhiều như bây giờ nên ai ai cũng nôn nao chờ đợi được xem từng trận đấu cho thỏa niềm đam mê. Cũng nhờ xem những trận đấu trên chiếc tivi của ông, bọn trẻ chúng tôi biết đến và yêu thích nhiều cầu thủ. Những tấm ảnh các cầu thủ nổi tiếng như: Ronaldo, Ronaldinho, Zidane… được cắt ra từ những bài báo rồi dán khắp phòng.

Xóm tôi mỗi lần đến mùa World Cup không khí không khác chi lễ hội. Ai cũng hào hứng, hồ hởi gọi nhau tập trung đến trước hiên nhà ông tôi ngồi xem. “Ăn bóng đá, ngủ bóng đá” là thế. Chiếc bàn gỗ đặt tivi được kê sát cửa sổ, khoảng sân trước nhà luôn chật kín người trước mỗi trận đấu. Đôi lúc, chiếc tivi lại gặp sự cố do không bắt được tín hiệu nên hơi nhiễu mờ. Ba tôi lại xoay, điều chỉnh cần ăng ten để tín hiệu được rõ nét. Nhưng với mọi người, những sự cố như thế chẳng thể nào xóa nhòa sự háo hức chờ đợi, mà còn tăng thêm gia vị khi đang xem. Để giờ nhắc lại ai cũng nhớ.

Buổi sáng trước trận chung kết World Cup năm đó, bà tôi lại đi chợ mua vài ký đậu phộng và trà về chuẩn bị chiêu đãi cho cả xóm cùng ngồi xem. Người thì yêu Brazil, người thì mến tuyển Đức, có người không thực sự yêu bóng đá nhưng thích cảm giác đông vui nên đều tập trung trước sân. Không khí hôm đó thật sôi nổi. Dù kết quả trận đấu thế nào chăng nữa, điều đọng lại sau cùng là mọi người có cơ hội quây quần bên nhau, cùng xem một mùa bóng đá thật nhiều kỷ niệm.

Chiếc tivi của nội và khoảng sân nhỏ trước nhà là nơi mọi lo toan của cuộc sống đều tan biến, nơi tình yêu bóng đá chung nhịp đập, khoảng cách giữa già và trẻ được xóa nhòa bởi từng khung hình trên màn ảnh nhỏ. Nếu có thước phim thời gian quay lại thì những khoảnh khắc giá trị lúc đó sẽ làm ta thêm trân quý cuộc sống này.

Ngày nay, khi công nghệ phát triển, việc thưởng thức các trận bóng đá trở nên đa dạng hơn. Mọi người có thể xem trên trên tivi chuẩn HD, máy vi tính hay những chiếc điện thoại thông minh… nhưng cảm giác được quây quần bên nhau, không khí háo hức chờ đợi đã loãng đi nhiều so với ngày trước. Có lẽ do là người hay hoài cổ nên tôi cứ mong được sống lại trong cảm giác xưa cũ, dù thưởng thức bóng đá trên màn hình tivi nhiễu mờ nhưng đó là những kỷ niệm thật khó quên.

Quốc Diễn

Có thể bạn quan tâm

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.