Sài Gòn cố lên - Kỳ 3: Điềm lành cho nhau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sài Gòn những ngày này được yêu thương quá đỗi. Khi ở đâu đó cần sự trợ giúp, ngay lập tức được nhiều nhà hảo tâm tìm đến, sẻ chia những phần quà, nhu yếu phẩm rất kịp thời. Giữa lúc giãn cách xã hội lắm âu lo, tôi đã thấy bao người không quên dành tặng nhau những điềm lành.
 
Bảo vệ dân phố khuân vác hàng tiếp tế cho người dân trong hẻm bị phong tỏa. ẢNH: ĐỖ HÙNG
Bảo vệ dân phố khuân vác hàng tiếp tế cho người dân trong hẻm bị phong tỏa. ẢNH: ĐỖ HÙNG
Cả thành phố đã giãn cách chặt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất từ ngày 9.7 (sau các mức độ giãn cách từ ngày 30.5). Trong thành phố, có hàng ngàn khu vực, hẻm được phong tỏa vì có ca nhiễm. Cả thành phố giãn cách xã hội kéo dài đã khổ cực bộn bề, trong giãn cách ấy lại thêm cảnh phong tỏa, âu lo không sao tả hết.
Trong tình cảnh quá đỗi ngặt nghèo ấy, chính điềm lành mọi người dành cho nhau, giúp vơi đi bao cơ hàn, thắt ngặt của nhiều hoàn cảnh. Điềm lành ấy là những việc làm rất cụ thể, đó là giúp đỡ nhau những nhu yếu phẩm, rau xanh đang túng thiếu để chống chọi qua “bão” dịch.
Hẻm cần rau
Anh Đỗ Hùng, người Quảng Trị, vào Sài Gòn sống và làm việc khoảng 20 năm nay. Nhà anh ở trong hẻm 77 Chuyên dùng 9, P.Phú Mỹ, Q.7. Hẻm này có 2 tổ dân phố: 23 và 33, với chừng 1.000 hộ dân, trong đó gần phân nửa là người thuê nhà trọ, bao gồm công nhân, lao động tự do, sinh viên...
Hẻm có mấy ca nhiễm Covid-19, cả hẻm phong tỏa. Có trường hợp chịu 3 tầng phong tỏa: toàn thành phố, cả hẻm và khu nhà trọ họ ở. Mọi người co cụm lại bên trong hẻm, ai ở nhà đó. Trong khi người có nhà cửa ở đó thì chưa gặp vấn đề lớn, nhưng người thuê trọ thì đang ngày một khó khăn.
 
Hàng hóa tiếp tế đến kịp thời, sau khi cư dân trong hẻm 77 Chuyên dùng 9, P.Phú Mỹ, Q.7 kêu gọi sự cứu giúp. ẢNH: ĐỖ HÙNG
Hàng hóa tiếp tế đến kịp thời, sau khi cư dân trong hẻm 77 Chuyên dùng 9, P.Phú Mỹ, Q.7 kêu gọi sự cứu giúp. ẢNH: ĐỖ HÙNG
Theo ghi nhận của anh Đỗ Hùng, hẻm thanh bình hẳn. Lũ con nít ngày thường đạp xe, la hét ỏm tỏi giờ cũng vắng bóng đâu hết rồi. Karaoke xóm thì tuyệt nhiên không còn. Chỉ có anh bảo vệ dân phố ngồi trên ghế bố dưới cái dù che nắng. Hỏi ra thì thấy mấy ảnh cũng cực. Hai anh chia nhau chốt cái khu nhà trọ đối diện nhà anh Hùng, mỗi anh làm nguyên ca 24 tiếng. Cơm nước có Đoàn thanh niên cung cấp. Nằm ngủ trên ghế bố ngay hẻm, ngày nắng đêm mưa rất khổ.
“Mà anh ấy khổ thì những người trong khu nhà trọ cũng khổ. Họ là công nhân, nghèo, ngưng làm việc bữa giờ, phải chôn chân trong khu nhà trọ bít bùng, trong những phòng nhỏ vài mét vuông, phòng nào ở yên phòng đó. Mấy người trên lầu 1 lâu lâu còn có thể giãn cách so le, ra ban công hít một hơi khí trời rồi vào, chứ mấy người ở dưới chắc rất ngộp vì khu trọ quây tôn xung quanh”, anh Hùng kể.
 
Trong khi người có nhà ở hẻm phong tỏa thì chưa gặp vấn đề lớn, nhưng người thuê trọ thì đang ngày một khó khăn. ẢNH: ĐỖ HÙNG
Trong khi người có nhà ở hẻm phong tỏa thì chưa gặp vấn đề lớn, nhưng người thuê trọ thì đang ngày một khó khăn. ẢNH: ĐỖ HÙNG
Anh Hùng kể thêm: “Trưa 12.7, mình đang đứng nói chuyện với anh bảo vệ mới vừa thay ca, chợt có mấy bà từ cuối hẻm thất thểu đi ra. Anh bảo vệ kêu mấy cô về đi, đang phong tỏa dập dịch. Một bà bảo thiếu ăn, đi kiếm gì mua ăn. Anh bảo vệ nói đặt Grab hay gì rồi người ta giao tới đầu hẻm, giờ ra không được đâu. Mình hỏi: “Chị cần gì? Cần suất cơm hay rau?”. Một chị, về sau mình biết tên Nhung, đáp: “Không phải cần suất cơm đâu. Vẫn còn tự nấu được, nhưng rau cỏ không có. Chị Nhung chỉ tay nói chị ở trong khu nhà trọ công nhân phía sâu trong kia, mọi người đang rất túng thiếu, chưa đến mức hết gạo nhưng rau tươi và đồ ăn tươi hết”.
Tìm hiểu thực tế thấy đúng, trong nhiều khu nhà trọ đa phần là công nhân, hoàn cảnh khó nghèo, không có tủ lạnh dự trữ thức ăn tươi, mà lúc điều kiện đang khó cũng không đủ tiền mua dự trữ, anh Hùng lên Facebook kêu gọi giúp đỡ, ngay lập tức có nhiều người liên hệ giúp đỡ cho bà con.
Qua được ngày kham khổ
Sáng sớm 13.7, con hẻm vẫn trong diện phong tỏa, các khu trọ vẫn còn giăng dây phòng dịch, nhưng hàng hóa, nhu yếu phẩm tiếp tế dồn về rất nhiều. Nhiều nhóm từ thiện, cá nhân, công ty... chở rau củ quả tươi, gạo, nước mắm, nước tương, muối trộn... tới tặng. Nhiều nhà hảo tâm còn tỉ mỉ chia ra những phần nhỏ sẵn để dễ phát cho bà con.
Có chị Mỹ Vân từ Rạch Giá chạy mua mấy chục ký rau tươi, gửi xe nửa đêm lên Sài Gòn để hỗ trợ. Anh Bùi Huy chở gần 300 kg gạo organic và muối chế biến đặc sản mà công ty của vợ chồng anh đang phân phối trên khắp cả nước tới tận nơi tặng bà con.
Tất cả người đến giúp, chỉ biết tên, thậm chí bà con ở con hẻm này chưa kịp biết hết tên của nhiều người mang hàng hóa, nhu yếu phẩm đến tặng. Họ giúp nhau, đứng từ xa chào nhau, nói lời cảm ơn, rất lặng lẽ.
 
Công nhân khu phong tỏa đi nhận hàng hóa tiếp tế. ẢNH: ĐỖ HÙNG
Công nhân khu phong tỏa đi nhận hàng hóa tiếp tế. ẢNH: ĐỖ HÙNG
Quy trình phân phối là: Nhà hảo tâm đưa hàng tới đầu hẻm, đại diện dân cư ra tiếp nhận, rồi phân công nhân sự chia ra, chở xe ba gác tới từng khu nhà trọ để phát. Đến trưa 13.7, với sự hỗ trợ của các cá nhân và tổ chức hưởng ứng lời kêu gọi qua Facebook, tổ dân phố đang phát dần cho bà con, theo phương châm mỗi người một ít, giải quyết khó khăn trước mắt.
Chị Oanh ở khu nhà trọ gọi là Xóm Ruộng, rơm rớm nước mắt kể rằng, mấy hôm nay ăn uống kham khổ, do không có tủ lạnh để trữ đồ nên không bảo quản đồ được lâu. Với lại vợ chồng làm công nhân, dịch bệnh thu nhập cũng giảm nên thực sự là không có gì ăn, rất đói.
Tình cảm ấy còn gì quý hơn
Ở Sài Gòn lúc này có hàng ngàn khu vực hẻm, cụm dân cư phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19. Trong nhiều ngày qua, đồng nghiệp tôi ở Báo Thanh Niên đã đi đến nhiều nơi đó, ghi nhận được bao câu chuyện nghĩa tình.
Có những bạn trẻ, là cư dân khu phong tỏa, tình nguyện mỗi ngày đi nhận cơm, suất ăn, nhu yếu phẩm của các nhà hảo tâm mang đến đầu hẻm, chở đi phát từng nhà trong hẻm. Các bạn trẻ đó tình nguyện làm người vận chuyển, để giúp nhiều bà con lối xóm có cái ăn mỗi bữa, không quá lo lắng khi không được ra ngoài đi chợ, đi làm như mọi khi.
Còn có nhiều nhóm thiện nguyện đi vận động, đến các vườn rau xanh ở khu vực ngoại ô Sài Gòn thu hái rau củ quả, chở về nơi ở để chế biến, phân chia, làm thêm các suất ăn đem tặng người dân khu phong tỏa, người vô gia cư nương náu hè phố. Trong số các bạn thiện nguyện đó, có nhiều bạn hoàn cảnh khó khăn, vẫn đang thuê trọ.
 
Bảo vệ dân phố mang hàng tiếp tế đến trước khu trọ phong tỏa. ẢNH: ĐỖ HÙNG
Bảo vệ dân phố mang hàng tiếp tế đến trước khu trọ phong tỏa. ẢNH: ĐỖ HÙNG
Còn có nhiều cư dân khu phong tỏa tự hợp lực nhau, tạo nên những gian hàng 0 đồng “ai cần cứ lấy” để giúp cho hoàn cảnh khó khăn ngay trong khu vực mình sinh sống.
Còn có những người nửa đêm tình nguyện đi khuân vác, phân chia các phần quà rau xanh. Có những người có phương tiện xe bán tải tình nguyện chở rau củ quả, nhu yếu phẩm là đặc sản các địa phương gửi về tặng bà con khu phong tỏa ở Sài Gòn.
Tất cả cùng dành cho nhau những điềm lành từ nhiều việc thiện nguyện, ý nghĩa. Người ở Sài Gòn đã cùng nhau để Sài Gòn cố lên được từng ngày như thế.
Sài Gòn bao dung, nghĩa tình. Và, cả nước cũng đang thể hiện tình nghĩa, bao dung với Sài Gòn bằng nhiều phương cách khác nhau, cùng mong mỏi cho Sài Gòn sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Dành trọn yêu thương cho nhau lúc hoạn nạn, tình cảm ấy còn gì quý hơn…
Đón đọc Sài Gòn cố lên - Kỳ 4: Ra khỏi nhà trong yêu thương
Theo Đình Phú (TNO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.