Sài Gòn cố lên - Kỳ 1: Rớt nước mắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở Sài Gòn những ngày này, khi cả thành phố giãn cách kéo dài trong tình huống bất khả kháng, nhiều lần tôi thầm nhủ trong lòng: 'Phải cố lên'.

Trong những ngày giãn cách xã hội ở Sài Gòn, nhiều nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm giúp đỡ người vô gia cư, lao động khó khăn những suất ăn đầy nghĩa tình. Ảnh: ĐỘC LẬP
Trong những ngày giãn cách xã hội ở Sài Gòn, nhiều nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm giúp đỡ người vô gia cư, lao động khó khăn những suất ăn đầy nghĩa tình. Ảnh: ĐỘC LẬP
Tôi cũng đã nhiều lần rớt nước mắt khi người thân, bạn bè ở xa nhắn gọi: “Cố lên nhé. Sài Gòn cố lên!”.
Chưa bao giờ thôi ước mong những điều bình an
Covid-19 từ lâu được xem là đại dịch toàn cầu. Cả đất nước chúng ta từ đầu năm 2020 đến nay, đã trải qua 4 đợt dịch. Chúng ta đã có những âu lo, nhưng hơn tất cả là cùng có những niềm vui, khi đã cùng nhau vượt qua hết đợt dịch đầu, đến đợt dịch thứ 2, thứ 3. Và bây giờ, tất cả đang căng mình chống chọi với đợt dịch thứ 4, kéo dài từ 27.4 đến nay, và chưa có dấu hiệu vơi bớt quy mô ca nhiễm.
Đợt dịch thứ 4 này, có thể nói nó như một cơn bão mạnh, càn quét qua hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Có nơi lác đác chỉ một vài ca, được kịp thời phát hiện, chữa trị và người bệnh khỏe lại bình thường, cuộc sống trở lại nếp sinh hoạt bình thường. Nhưng có những nơi, như ở Sài Gòn, số ca nhiễm vẫn còn rất nhiều. Hàng ngàn người nhiễm bệnh vẫn còn được tích cực điều trị. Nơi này từng phút giây vẫn đang dốc sức lo phòng chống dịch. Cả chính quyền và người dân đang không một ngày ngơi nghỉ trước “cơn bão” Covid-19.
Ba mạ tôi ở quê ngoài Huế, một hai hôm gọi vào hỏi thăm. Qua chia sẻ của con trai, ba mạ biết con mình vẫn đi làm. Nhiều người xung quanh vẫn đi làm. Ông bà động viên: “Giữ sức khỏe nha con. Cố gắng!”. Mình cũng không biết nói sao, chỉ thưa: “Dạ, ba mạ yên tâm”.
Bằng hữu nhiều nơi cũng thế, chân tình nhắn tin, gọi điện thoại chia sẻ, động viên. Câu cuối, như luôn lặp lại nhau: “Bạn cố lên. Sài Gòn cố lên!”.

Nhà hảo tâm lo nấu cơm, mang đến tặng bà con khó khăn vùng bị phong tỏa ở Sài Gòn, là hình ảnh phổ biến những ngày này. ẢNH: ĐỘC LẬP
Nhà hảo tâm lo nấu cơm, mang đến tặng bà con khó khăn vùng bị phong tỏa ở Sài Gòn, là hình ảnh phổ biến những ngày này. ẢNH: ĐỘC LẬP
Làm báo Thanh Niên, tôi đọc các comment (phản hồi) dưới các bài viết trên www.thanhnien.vn, thấy rất, rất nhiều bạn đọc cũng chia sẻ động viên nhau tha thiết. Trên mạng xã hội, “Sài Gòn cố lên” được tạo thành Slogan của Avatar và chia sẻ rộng khắp, cũng đầy yêu thương, tha thiết. Bao người ở Sài Gòn cũng “Sài Gòn cố lên”.
Trong bao chia sẻ, yêu thương về tinh thần đó, tôi thấy những tình cảm đặc biệt, hy vọng cho những bình an, tốt lành cả lúc này và những tháng ngày tới. Điều này dường như tất cả bao người đều mong ước, bởi cuộc sống này chưa bao giờ giờ thôi ước mong những điều bình an, tốt lành đó.
Nhiều lần, tôi rớt nước mắt khi nghĩ về điều này.
Một điềm lành cho nhau lúc rất nguy khó
Đại dịch Covid-19 đang còn “rất dữ”, mỗi ngày ở Sài Gòn số ca nhiễm đang tính ở 4 con số mỗi ngày (hàng ngàn ca). Cả thành phố đã chuyển trạng thái giãn cách xã hội toàn diện, từ ngày 9.7 - một trong những biện pháp cơ học có tính hệ trọng cả về phòng chống dịch và về mặt xã hội một, giải pháp mạnh được tính từ đầu đợt dịch, tuy không mong đợi, mà đoạn cuối, tình thế buộc phải áp dụng.
Tình thế đó, tôi thấy rất khó, rất khổ. Có lẽ nhiều người cũng đã thấy, cũng thấu cảm được vấn đề.
Sài Gòn trên 10 triệu người, thậm chí gần 15 triệu. Cường độ kinh tế, giao thương lớn số 1 cả nước, là một siêu đô thị. Một phần lớn cư dân tại chỗ, nhưng một phần lớn nữa là nhập cư. Kinh tế vỉa hè ở Sài gòn rất đặc thù. Buôn bán cũng rất đặc thù. Đa phần cơ sở dịch vụ là thuê mặt bằng, không kiểu như nhà mình sẵn có mình tự buôn bán lấy công làm lời phổ biến như nhiều nơi khác. Đa phần bán sức lao động để mưu sinh. Được làm một ngày, có thể sống nhiều ngày. Không được làm một ngày, nhiều ngày lao đao, chao đảo. Tôi quan sát bao người xung quanh, thấy vậy.

Chung sức lo bữa ăn thiện nguyện cho những hoàn cảnh khó khăn ở Sài Gòn. ẢNH: ĐỘC LẬP
Chung sức lo bữa ăn thiện nguyện cho những hoàn cảnh khó khăn ở Sài Gòn. ẢNH: ĐỘC LẬP
Cuộc sống mưu sinh ở Sài Gòn, cũng lắm đặc thù. Một bộ phận không hề nhỏ nương náu hè phố, nhà đất không, ruộng vườn không, nhiều thứ không. Làm việc, cơm hàng cháo chợ qua ngày, khá phổ biến. Sự vận động cơ học của đô thị, chính là nguồn sống chính của đại đa số bộ phận này. Chợ búa ở Sài Gòn, còn là đầu ra nhu yếu phẩm của bà con nông dân, doanh nghiệp bao tỉnh, thành...
Tính trung tâm kết nối liên vùng, và cả nước, rất lớn. Khi chính quyền áp quyết sách gì, đâu chỉ riêng cho thành phố này. Tác động cộng hưởng lớn vô cùng. Đó là thực tế mà không ít người chia sẻ, là Sài Gòn trọng thương thì cả nước trọng thương. Nôm na tình cảm là vậy.
Rồi nữa, bao người đến mưu sinh ở Sài Gòn, dù cơ cực, vẫn để tạo nguồn gửi gắm về quê nhà. Hình như không, hoặc rất ít, là ở quê chi viện ngược cho người đến Sài Gòn mưu sinh. Nhìn quanh mình, sẽ thấy vậy. Nên ai làm ăn, sống ở Sài Gòn về, quê nhà ở đâu cũng vui là vậy.
Ở thành phố này, tôi để ý mình thấy nơi này chống dịch cũng “rất dữ”. Chuyên nghiệp, bài bản, tổng lực, diện rộng... Các lực lượng tham gia công tác chống dịch làm việc liên tục, không ngừng nghỉ. Đôi lúc nơi này nơi kia, khâu này khâu nọ còn chút lọt chọt lúc đầu, nhưng rồi bài bản hết, bao quát hết. Tình thế khó đều được hóa giải, khá nhanh gọn.

Ngày càng có nhiều người ở Sài Gòn được chích vắc xin Covid-19. ẢNH: KHẢ HÒA
Ngày càng có nhiều người ở Sài Gòn được chích vắc xin Covid-19. ẢNH: KHẢ HÒA
Nhiều bằng hữu gọi hỏi thăm dịch vậy Sài Gòn trụ được không, mình nôm na là, nếu quy mô dịch ở Sài Gòn, không may rơi vào một tỉnh nào đó, vỡ trận ngay liền. Đến giờ, khó khăn thì thật ra Sài Gòn không phải đã hết. Thực tế thấy khó vô bờ bến, rất nhiều. Nhưng cơ bản, tôi thấy ổn, mọi thứ từ chính quyền lo phòng chống dịch, đều được chủ động tính toán, chủ động kiểm soát tối đa theo nỗ lực, quyết tâm cao nhất.
Trong một bối cảnh quá khó, một tình huống quá bất lợi, và có cả bất ngờ ngoài mọi dự liệu, một lúc đối mặt quá nhiều đòi hỏi cấp bách để giải quyết sao cho chu toàn..., thì không thể toàn vẹn hết ngay được. Những chuyện này, tôi thấy nhiều người cũng thấu cảm, sẻ chia. Quan trọng là, sự nhận diện, tiếp cận, giải quyết vấn đề ở nơi này, nói chung là nhanh, chuyên nghiệp, quyết liệt, có kết quả. Hy vọng chuyển biến, là ở chỗ đó.
Dịch giã Covid-19 như bóng ma vô hình, không tài nào ý chí bất kỳ ai nhận diện cơ học dễ dàng được. Nếu có phép thuật bắt bóng ma ấy (vắc xin) thì mọi thứ dễ dàng liền. Bằng không, vẫn luẩn quẩn: mở thì bão dịch bùng, giãn cách triệt để thì bùng “bão” khác. Rất khổ và rất khó!
Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ở Sài Gòn đang “đứng”, nhưng mỗi ngày mỗi ngày, dòng chảy cuộc sống nơi này vẫn tiếp tục. Người ở Sài Gòn tìm cách thương nhau. Người ở các nơi thể hiện thương yêu Sài Gòn cũng đủ cách. Tròn đầy, ấm áp. Đó như một điềm lành cho nhau lúc rất nguy khó.
Theo Đình Phú (TNO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.