Sài Gòn cố lên - Kỳ 2: Ai đến đất này đều được yêu thương hết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi nghĩ dù trong tình cảnh khó khăn thế nào, đất và người ở Sài Gòn đều có một điềm lành để vượt qua.

Ở Sài Gòn, có rất đông người nhập cư đến mưu sinh với bao nỗi nhọc nhằn. ẢNH: MAI THANH HẢI
Ở Sài Gòn, có rất đông người nhập cư đến mưu sinh với bao nỗi nhọc nhằn. ẢNH: MAI THANH HẢI
Điềm lành ấy có được, chính từ sự bao dung, thương yêu mà mọi người chắt chiu, nâng niu dành cho nhau. Và điềm lành ấy, tôi nghĩ dẫu ở nơi nào cũng đều rất và luôn mãi cần đến.
Từ hôm đầu tháng 3.2021, trước bối cảnh dịch Covid-19 nhiều nơi được khống chế, và còn một số nơi phức tạp, công cuộc phòng chống đại dịch vẫn tiếp tục ở mức cao, Báo Thanh Niên tổ chức cuộc thi Vượt qua Covid-19.
Cuộc thi này nhằm mục đích mời gọi bạn đọc chia sẻ những ký ức, kinh nghiệm, câu chuyện người thật việc thật… để động viên nhau, lan tỏa thông điệp yêu thương và ý thức phòng chống dịch bệnh của toàn dân, đồng hành cùng các cấp chính quyền vượt qua Covid-19.
Trước khi cuộc thi ngừng nhận bài dự thi vào ngày 30.6 vừa qua theo quy chế của cuộc thi, tôi có đọc được một bài viết Rồi thành phố sẽ bình thường của tác giả Phương Huyền, là nhà báo đang công tác ở Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH).
Trong bài viết, tác giả Phương Huyền đã ghi lại những dòng thơ xúc động:
Sài Gòn của mình đợt này bệnh hơi lâu
Chắc những ngày dài bao dung đã đủ rồi, mỏi mệt
Ai đến đất này đều được yêu thương hết
Nên nặng gánh ân tình, nghỉ ngơi chút chút thôi
Không sao đâu vài bữa khỏe lại rồi
Sài Gòn vẫn giang rộng vòng tay đón người tứ xứ…

Trong những ngày này, nhiều hoàn cảnh vô gia cư, khó khăn ở Sài Gòn được các nhà hảo tâm đến tặng thức ăn mỗi ngày. ẢNH: MAI THANH HẢI
Trong những ngày này, nhiều hoàn cảnh vô gia cư, khó khăn ở Sài Gòn được các nhà hảo tâm đến tặng thức ăn mỗi ngày. ẢNH: MAI THANH HẢI
Là một người đang sống và làm việc ở Sài Gòn, Phương Huyền như đã “nói hộ” tâm trạng của nhiều người nơi đây, khi cả thành phố trong tình cảnh đang giãn cách xã hội triệt để nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Là một người đang sống và làm việc ở Sài Gòn, Phương Huyền cũng đã âm thầm làm nhiều việc thiện nguyện, nhất là tự bỏ tiền túi mua quà tặng, nhu yếu phẩm giúp bao người vô gia cư, lao động tự do mưu sinh bấp bênh, thiếu hụt giữa thời dịch giã, ngay từ đợt dịch đầu năm 2020 và âm thầm làm miệt mài đến nay, với ước mong “Ai đến đất này đều được yêu thương hết”.
Nhắc lại chuyện này, và tôi xin mượn câu thơ của nhà báo Phương Huyền “Ai đến đất này đều được yêu thương hết” để đặt tựa đề cho bài viết này.
Sài Gòn trong giãn cách
Sài Gòn giãn cách xã hội, kéo dài từ ngày 30.5 để phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất. Ngày đầu, mọi người trông vẫn bình tĩnh trước giãn cách. Phố xá vắng không tưởng. Trật tự không tưởng. Chỉ có bà con thì nhiều, đi chợ, siêu thị mua nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho những ngày tới ít ra khỏi nhà.
Nhiều ngày sau và cả bây giờ, nhiều người vẫn ra đường đi làm trong các lĩnh vực thiết yếu mà Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội cho phép. Đi làm, dẫu đối mặt nguy cơ, âu lo dịch bệnh, nhiều người vẫn buộc phải đi. Cả thành phố gần 15 triệu dân, không đảm bảo các hoạt động thiết yếu sẽ rất rối, thậm chí có thể nói nôm na là “vỡ trận” ngay. Việc đi làm ấy, có thể nói là một sự hy sinh để bảo vệ cho vấn đề sinh tồn chung trong trật tự, chí ít là sinh kế của những con người ấy, những gia đình ấy không “vỡ” vì “bão dịch” kéo dài.

Ngã tư Phan Đình Phùng - Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận vào lúc 22 giờ ngày 10.7, ngày thứ 2 giãn cách xã hội toàn thành phố. Ảnh: MAI THANH HẢI
Ngã tư Phan Đình Phùng - Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận vào lúc 22 giờ ngày 10.7, ngày thứ 2 giãn cách xã hội toàn thành phố. Ảnh: MAI THANH HẢI
Thành phố này luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước. Ngân sách của thành phố thường chiếm gần 1/3 tổng ngân sách cả nước. Năm 2019, thu khoảng 420.000 tỉ, tức bình quân 1 ngày làm việc, TP.HCM thu khoảng 1.500 tỉ đồng, cũng từ đóng góp công sức lao động của toàn người dân, doanh nhân, doanh nghiệp nơi đây.
Năm 2020, dịch bệnh kéo dài, thành phố thu ngân sách khoảng 380.000 tỉ, giảm khoảng 40.000 tỉ so dự toán từ đầu năm.
Cả thành phố vận hành bộ máy, lo đầu tư tất tần tật về y tế, giáo dục, hạ tầng, an sinh xã hội… Một năm khoảng gần 80.000 tỉ (số còn lại nộp vào ngân sách quốc gia để lo đầu tư cho các vùng miền khác). Để thấy, giảm 40.000 tỉ đồng thì lớn lắm. Năm 2021, thành phố giãn cách kéo dài, kinh tế còn ảnh hưởng đến mức nào, chưa ai định lượng hết được.
Đầu tàu kinh tế, đầu mối giao thương số một, khi giãn cách xã hội, dư âm lớn, có lẽ là do vậy. Thành phố mà “nghèo” đi, rất nhiều địa phương đang thụ hưởng ngân sách (có phần nhiều đóng góp của TP.HCM) cũng ảnh hưởng rất đáng kể.

Không ít người bất lực trong mưu sinh và cuộc sống khi thành phố giãn cách kéo dài vì dịch bệnh phức tạp. Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN
Không ít người bất lực trong mưu sinh và cuộc sống khi thành phố giãn cách kéo dài vì dịch bệnh phức tạp. Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN
Sài Gòn giãn cách kéo dài, thiệt hại kinh tế không thể dễ dàng đo đếm được tổng thể. Thành phố vẫn vận hành, đó là vai trò của chính quyền thành phố. Công tác chống dịch vẫn cấp tập mức cao, đó là quyết tâm của thành phố. Dẫu bộn bề áp lực, khó khăn, chính quyền thành phố vẫn chăm lo. Chăm lo được, là nhờ nguồn lực ngân sách, nguồn lực có được từ sự lao lực làm việc của bao người nơi đây.
Nhận diện rõ “bão dịch” khiến bao người chao đảo, kiệt quệ, chính quyền thành phố đã triển khai ngay gói hỗ trợ 886 tỉ đồng cho các trường hợp thuộc diện cần hỗ trợ, trong đó có đến khoảng 250.000 lao động tự do… Những ngày qua, hàng trăm tỉ đã được giải ngân.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Nghĩa tình chăm lo của chính quyền thành phố, để không một ai bị bỏ lại phía sau, ít nhiều thể hiện rất rõ tính nhân văn của quyết sách. Chính quyền nghĩa tình sẽ có quyết sách nghĩa tình. Quyết sách nghĩa tình sẽ có cộng đồng nghĩa tình, xã hội nghĩa tình. Đó là căn cơ của sự lan tỏa, hiệu ứng của quyết sách. Tôi nghĩ nhiều người cũng thấy vậy.

Tấm lòng của nhiều người ở Sài Gòn giúp đỡ nhau thức ăn trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: MAI THANH HẢI
Tấm lòng của nhiều người ở Sài Gòn giúp đỡ nhau thức ăn trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: MAI THANH HẢI
“Không một ai bị bỏ lại phía sau”, để rồi sao? Tôi nghĩ, và chắc nhiều người cũng nghĩ như tôi, đó là để được sống tiếp trong thời dịch giã nguy nan, quá khó khăn này. Sống, để làm việc. Sống, để mưu sinh. Sống, để đoàn kết. Sống, để có cơ hội cùng tiến lên, cùng vượt qua đại dịch. Sống, để cho thấy sự yêu thương luôn là một động lực rất lớn.
Có một phía rất đỗi yêu thương
Trong cơ cấu kinh tế của thành phố, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng khoảng 60%. Nguồn thu mỗi năm luôn rất lớn. Hàng vạn lao động nương nhờ vô đó. Khi tạm ngừng hết, rồi ảnh hưởng kéo dài, khổ vô bờ bến. Lao động phi chính thức, công nhân, nhập cư ở thành phố, cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất. Có những trăn trở, âu lo, nhiều người bảo, không sao kể hết, kể nổi.
“Ai đến đất này đều được yêu thương hết”, tôi nghĩ đó cũng là tinh thần chung mà chính quyền thành phố đang hướng đến. Bởi, lãnh đạo các quận, huyện đã nhiều lần chia sẻ, nếu như hoàn cảnh nào không được thụ hưởng gói hỗ trợ 886 tỉ thì xã, phường, đoàn thể sẽ vận động, chăm lo bằng nhiều phương cách khác, để không ai phải đói khát lúc này.
Tinh thần của thành phố bao dung, nghĩa tình còn ở chỗ này. Bởi lẽ, dẫu là người đến mưu sinh bằng những ngành nghề nặng nhọc, thì sự vất vả của họ cũng góp phần vào thành quả chung cho thành phố phát triển. Giờ thành phần đó vì giãn cách xã hội phải đối mặt bao khó khăn, họ luôn cần được nhớ tới, được chăm lo.

Để không ai bị bỏ lại phía sau trong tình cảnh khó khăn lúc này, luôn cần sự cưu mang, giúp đỡ của cộng đồng. Ảnh: MAI THANH HẢI
Để không ai bị bỏ lại phía sau trong tình cảnh khó khăn lúc này, luôn cần sự cưu mang, giúp đỡ của cộng đồng. Ảnh: MAI THANH HẢI
Để “ai đến đất này đều được yêu thương hết”, thành phố cần sự hợp lực của cả cộng đồng. Trong giãn cách, thành phố không chủ trương ngăn cấm hoạt động thiện nguyện. Chính quyền chăm lo. Mọi người có tấm lòng cùng chăm lo cho nhau, nhất là lo cho những hoàn cảnh khó khăn cần đến sự trợ giúp, từ bữa ăn, thùng mì tôm, đến chiếc khẩu trang, bó rau xanh…
Và, thời gian qua, cả trong những ngày giãn cách xã hội này, công cuộc chống dịch đã và đang đến từ nhiều phía. Trong nhiều phía ấy, có một phía rất đỗi yêu thương, như để cùng nhau thầm mong “thời gian bên nhau trong yên bình”, sớm quay trở lại.
Theo Đình Phú (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.