Kỳ 2: "Lấy rẻ đất của dân, bán giá cao hưởng lợi"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Câu chuyện mượn dự án, thu hồi đất của dân theo giá Nhà nước quy định, rồi bán giá thị trường cao ngất cũng diễn ra nóng sốt, kéo dài tại Nha Trang, Khánh Hòa. Tại dự án Khu biệt thự Quốc Anh, xã Phước Đồng, dù phần lớn diện tích là đất rừng sản xuất nhưng chủ đầu tư vẫn được cấp phép xây dựng biệt thự, căn hộ du lịch để bán, cho thuê. Trong khi đó, nhiều năm qua, nhiều người dân có đất tại dự án không được phép “động” vào hiện trạng và nay bị áp giá bồi thường rẻ, chỉ 20.000 đồng/m2.

“Nhốt” đất, mỗi mét vuông bằng giá tô phở

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Nha Trang, chính quyền xã Phước Đồng đang đẩy nhanh xác minh nguồn gốc đất của các hộ dân tại Dự án Khu biệt thự Quốc Anh. Tuy vậy, nhiều người dân chưa đăng ký đo vẽ, kê khai hồ sơ, mà thay vào đó là hàng loạt đơn thư kêu cứu, tố cáo dự án chưa minh bạch, lấy đất nhưng đền bù giá rẻ…

 
Vị trí dự án Khu biệt thự Quốc Anh sẽ triển khai.
Vị trí dự án Khu biệt thự Quốc Anh sẽ triển khai.

Tại văn bản số 52 (ngày 5.2.2016), UBND TP.Nha Trang giao hẳn cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mà không phải thông qua hội đồng bồi thường. Văn bản rõ ràng là vậy nhưng ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang - lại khẳng định: “Có qua hội đồng bồi thường chứ sao không? Cái đó là trước đây, sau này thành phố chỉ đạo phải thông qua” (!).

Ông Trần Văn Minh cho biết, năm 1993 đã khai hoang hơn 10.000 m2 đất để sản xuất kinh tế. Đến năm 2007, căn nhà của gia đình ông bị sập đổ nhưng ông xin xây dựng lại thì chính quyền ngăn chặn với lý do đã quy hoạch. “Thời điểm đó chưa có quy hoạch Dự án Khu biệt thự Quốc Anh nhưng tôi xin chuyển mục đích sử dụng để xây nhà ở lại không được chấp thuận.” - Ông Minh cay đắng.

Phần lớn diện tích đất tại dự án này hiện trạng là đất rừng sản xuất. Suốt nhiều năm, người dân không được chuyển đổi, chuyển nhượng. Dù mảnh đất đó, họ khai hoang trước năm 2000. Tuy vậy, vẫn có người được chuyển mục đích sử dụng đất như ông N.N.V. 400m2 đất của ông V sở hữu từ năm 2002, có cùng mục đích sử dụng như các hộ lân cận, nhưng ông V vẫn chuyển được số đất này thành đất thổ cư rồi bán lại cho người khác.

Ông Đào Xuân Tro (ở Phước Hạ, xã Phước Đồng) cho rằng: “Dự án này do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Họ xây dựng biệt thự để bán, cho thuê để thu lợi nhuận. Tiền vào túi ai, đã rõ. Tại sao chủ đầu tư không thỏa thuận giá đền bù với dân mà áp giá đền bù đất rừng sản xuất chỉ 20.000 đồng/m2 theo giá nhà nước. Người dân xin chuyển mục đích sử dụng đất không được, nhưng Cty TNHH Quốc Anh NT lại được ưu ái? Liệu có khuất tất gì không?”. Bất thường hơn là kề đó là 1 dự án du lịch khác, chủ đầu tư phải tự thỏa thuận, xin ký cam kết mức giá cả đền bù với dân rất hợp lý.

Giả mạo con dấu, giấy tờ

Ông Nguyễn Đình Hải - đại diện các hộ dân có đất tại dự án Khu biệt thự Quốc Anh - cho rằng, các trường hợp chia tách và cất nhà sau khi có dự án đều bị loại trừ, không đo đạc, xét duyệt, kiểm kê và phải xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Nha Trang thông tin vẫn lập hồ sơ để đo đạc và xét duyệt nguồn gốc đất! “Có hay không sự mờ ám?” - ông Hải nghi vấn.

Tại khu đây còn xuất hiện nhiều cá nhân có dấu hiệu làm giả con dấu của chính quyền, tự tạo giấy xác nhận nhà ở, “mộng” nhận đền bù. Ông Tro cho biết, hành vi này được người dân phát hiện, tố giác đến UBND xã Phước Đồng gồm Nguyễn Thị Não, Châu Viết Hoàng, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Thị Hồng.

Ngày 29.12.2017, UBND xã Phước Đồng đã mời 4 hộ dân nêu trên để làm việc trực tiếp liên quan đến giấy xác nhận nhà ở. Tuy nhiên, họ đã vắng mặt. Qua kiểm tra, đối chiếu chữ ký các con dấu quốc huy trong các giấy xác nhận nhà ở của 4 hộ, UBND xã phát hiện có biểu hiện chữ ký bị sao chụp, cắt dán, mẫu quốc huy có những điểm khác so với dấu quốc huy UBND xã đang sử dụng. Đáng ngờ hơn, tất cả 4 giấy xác nhận nhà ở nói trên có thời gian xác nhận trong khoảng từ tháng 3-10.2013 nhưng lại dùng mẫu dấu tên bằng chữ in thường nghiêng, khác với mẫu dấu tên UBND xã. Dù vụ việc được phát hiện, tố giác từ năm ngoái, nhưng mới đây, UBND xã Phước Đồng mới chuyển Công an TP. Nha Trang đề nghị điều tra.

“Xẻ đất” xây dựng biệt thự để bán, cho thuê

Khu biệt thự Quốc Anh có diện tích 67,72 ha (bao gồm 52,32ha đất và 15,4 ha mặt nước). Trong đó, phần diện tích mặt đất chia làm 2 khu: Khu Tây Nam và Đông Bắc đại lộ Nguyễn Tất Thành. Khu vực Tây Nam đại lộ Nguyễn Tất Thành gồm các hạng mục nhà ở sinh thái, công viên rừng, trung tâm thể dục thể dục thể thao và các hạng mục phụ trợ.

Khu biệt thự sinh thái rừng là hạng mục đầu tư chính của dự án, quy mô xây dựng các công trình 2 tầng. Khu vực này ngoài chức năng biệt thự, còn là công viên rừng với mật độ xây dựng nhà ở thấp. Riêng khu căn hộ du lịch, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty TNHH Quốc Anh NT xây dựng đến 5 tầng. Khu biệt thự rừng sinh thái nghỉ dưỡng có quy mô 171 căn và khu căn hộ du lịch với quy mô 5 căn.

Theo QĐ 1413 (ngày 3.6.2015) của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu biệt thự Quốc Anh do ông Lê Đức Vinh (lúc đó là Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa) ký, thể hiện mục tiêu, tính chất đầu tư là xây dựng khu biệt thự sinh thái rừng, gần gũi thiên nhiên để bán và cho thuê nhằm phục vụ lưu trú du lịch và dịch vụ nghỉ dưỡng.

Mới đây, UBND TP.Nha Trang tiếp tục gia hạn thời gian thu hồi đất để thực hiện dự án khu biệt thự này. Theo đó, tại CV số 352 (ngày 27.4), UBND TP.Nha Trang đã điều chỉnh nội dung tại Mục 4 (thời gian thu hồi đất từ 2017 - 2018) của Thông báo số 52 (đề cập ở trên) do chính cơ quan này ban hành, “giãn nở” thời gian thu hồi đất đến năm 2019. UBND TP.Nha Trang cũng rất “mông lung”, khi trả lời thắc mắc của người dân. “Qua kiểm tra, việc thu thập thông tin chuyển nhượng hợp pháp theo quy định của Điều 188 Luật Đất đai 2013 của các thửa đất nông nghiệp (chủ yếu là đất rừng sản xuất) tại khu vực thực hiện dự án Khu biệt thự Quốc Anh là rất khó khăn và thiếu cơ sở thông tin”.

Ngày 29.3.2018, Công ty TNHH Quốc Anh NT có văn bản gửi Sở KHĐT xin điều chỉnh địa điểm trụ sở doanh nghiệp, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, chủ đầu tư xin điều chỉnh thời gian hoàn thành các thủ tục để được cấp giấy phép xây dựng là 18 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh; xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng là 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.

Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở KHĐT Trần Minh Hải cho biết: “Gia hạn gì mà gia hạn, chúng tôi đang xem xét xử phạt. Gia hạn vì lý do gì, để xem có khách quan hay chủ quan”. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang - nói: “UBND tỉnh gia hạn, điều chỉnh dự án đến 2019 rồi nên UBND TP.Nha Trang mới làm công tác bồi thường”.

Việc áp giá đất đền bù thấp hay cao thì thành phố chỉ làm theo quyết định của tỉnh đã ban hành. “Ý kiến phản ánh của dân thì chúng tôi ghi nhận xem xét, trả lời hết. Dự án đang mới bắt đầu làm, mới kiểm kê đất thôi” - ông Tuấn nói.

Điều kỳ lạ là tại văn bản gửi Sở KHĐT vào ngày 29-3, ông Trần Lưu Thật - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc Anh NT - cho biết, hiện nay, chủ đầu tư đang tiến hành khai hoang, phát dọn mặt bằng tại các khu đất mà chủ đầu tư tự thoả thuận được với các hộ dân, nhằm chuẩn bị sau khi hoàn tất việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư thì công ty sẽ khởi công xây dựng dự án. Trong khi đó, toàn bộ dự án này tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ theo giá nhà nước. “Công ty đã tự thỏa thuận bồi thường một số thửa đất nằm trong phần ranh quy hoạch của dự án là 7,6 ha/53,23 ha mặt đất (tương ứng 15,14% diện tích mặt đất)”.

Nhiệt Băng/laodong

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.