Nét đẹp từ việc xử phạt theo luật tục ở làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi dân tộc bản địa ở Bắc Tây Nguyên đều có cách xử phạt đối với những người vi phạm luật lệ của làng. Họ cho rằng, làng nào xảy ra chuyện xấu mà chưa làm lễ phạt thì thần linh sẽ trừng trị, làm cho nương rẫy mất mùa, người dân trong làng bệnh tật, đói rét quanh năm. Vì vậy, việc xử phạt được tiến hành với mục đích đem lại bình yên cho buôn làng.
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người trong làng đều lấy luật tục làm chỉ dẫn cho hành động của mình, già làng căn cứ vào luật tục đó để giám sát các cá nhân. Cá nhân nào vi phạm luật tục, gây bất ổn cho buôn làng thì đều bị chính luật tục trừng trị, mà già làng là người trực tiếp phán xét chứ không phải cha mẹ. Nếu người nào vi phạm những điều cấm thì tùy theo tính chất, hoàn cảnh kinh tế sẽ bị phạt trâu, bò, heo, gà và rượu để cúng Yàng xin tha các tội như ngoại tình, trộm cắp, xúc phạm người đứng đầu làng, giết gia súc của người khác… Cá biệt, có trường hợp tội nặng bị đuổi khỏi làng để răn đe (hình thức xử phạt cao nhất), đủ làm người muốn phạm tội phải chùn bước.
Có rất nhiều hình thức xử phạt, già làng khi xử lý một vụ việc luôn có những phương pháp khác nhau, sự phán xét của già làng là gần như tối thượng, ngay cả cha mẹ người bị phạt cũng phải tuân theo một cách tuyệt đối.
 Một buổi xử phạt ở huyện Kbang.  Ảnh: T.P
Một buổi xử phạt ở huyện Kbang. Ảnh: T.P
Hôn nhân của dân tộc bản địa ở Tây Nguyên cũng như các dân tộc khác hầu như được xác lập vững chắc bởi chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Trường hợp vợ chồng ly hôn thì theo lệ của làng bị phạt rất nặng. Chẳng hạn, đối với dân tộc Xê Đăng cư trú tại huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), nếu khi vợ chồng bỏ nhau thì cả 2 người đều bị phạt; trong trường hợp người chồng bỏ vợ thì sau 6 năm mới được lấy vợ khác, vợ hoặc chồng chết trước thì người còn lại sau 3 năm mới được kết hôn. Nếu vi phạm các quy định này cũng bị xử phạt heo, gà… Người đã có vợ, có chồng ngoại tình là cấm kỵ, tùy từng dân tộc mà mức xử phạt khác nhau, hầu như là phạt heo và rượu ghè để cả làng cùng uống.
Trong một lần đi công tác ở huyện Kbang, tôi có dịp chứng kiến một buổi xử phạt. Đó là một đôi trai gái đang trong quá trình tìm hiểu nhưng đã trót dại “ăn cơm trước kẻng”. Tất nhiên, cha mẹ là người thiệt thòi nhất, phải chuẩn bị 1 con heo, 1 con gà và 2 ghè rượu để đãi dân làng. Trong lễ phạt, già làng thắp 1 cây nến, 2 xiên thịt heo nướng và gà nướng được gác trên ghè rượu, yêu cầu cô gái ngồi kế bên, sau đó chắp tay ngửa mặt lên trời đọc một lời khấn, đại khái: “Xin thần linh hãy đến để chứng giám. Mong thần linh hãy bỏ qua tội này, ban cho mùa màng tươi tốt, buôn làng không ai bệnh tật…”. Kết thúc việc cầu cúng, già làng yêu cầu cô gái uống 1 cang rượu để tạ ơn, sau đó dùng đọt lá chuối chấm vào máu của con gà đã cắt tiết trước đó, đi khắp làng bôi lên cổ gáy của người trong làng. Mục đích của việc này là xin mọi người thứ lỗi; những người được bôi máu gà lên cổ cũng rất đồng tình vì cho rằng đây là bài học để học theo, không được theo “vết xe đổ” đó.
Trong luật tục của người Bahnar trước đây, người chửa hoang cũng thường bị làng phạt rất nặng, kể cả người gây ra “hậu quả”. Cụ thể, người con trai phải có một con dê và người con gái phải chịu một con heo. Quan niệm cho rằng, vi phạm này đã làm ảnh hưởng đến Thần đất, Thần lúa nên buộc phải tiến hành lễ cúng phạt trước khi trỉa lúa, nếu không dân làng sẽ mất mùa, đói kém. Vào ngày tổ chức nghi lễ, những con heo, con dê được giết thịt lấy máu trộn với nhau, đôi trai gái phải lần lượt mang thứ máu trộn đó bôi vào ngón chân cái của từng người tham gia trong buổi lễ, vừa bôi vừa xin lỗi mọi người xin bỏ qua chuyện xấu. Đây cũng là lời nhắn nhủ mỗi gia đình cần dạy dỗ con em mình, đặc biệt là răn đe những người trẻ không được theo bước chân ấy.
Một tội khác bị phạt rất nặng trong cộng đồng người Bahnar trước đây, đó là người cùng một dòng họ lấy nhau. Điều này được cho là trái với đạo đức, khiến thần linh nổi giận gây ra các tai họa để trừng phạt con người như cháy làng, dịch bệnh, mất mùa... Vì vậy, đôi trai gái cùng họ lấy nhau phải chuẩn bị gà, dê, bò và rượu để cúng giải hạn cho dân làng. Trong lễ cúng, già làng đọc lời cúng mời Yàng về ăn uống; đôi trai gái bị phạt lấy một ít tiết của con vật hiến sinh hòa với rượu, đổ vào vỏ bầu mang đến từng nhà trong làng, dùng cành cây tre nhúng vào quả bầu đựng nước rồi quết lên chân cầu thang với ngụ ý xua đuổi, tẩy uế mọi rủi ro, tai họa, mong Yàng đừng bắt tội dân làng... Một số làng còn phạt khá nặng nề, đó là sau khi làm lễ cúng tạ tội còn bị lột trần truồng và bị buộc phải ăn thức ăn trong máng heo.
Đối với các dân tộc thiểu số ở Bắc Tây Nguyên, còn có một tội vô cùng xấu hổ đó là trộm cắp, trong mọi hoàn cảnh đều bị dân làng coi thường. Nếu ăn cắp 1 trái bắp thì phải đền lên thành10. Đặc biệt, tội này cha mẹ phải gánh chịu. Tùy theo mức độ, cha mẹ người có lỗi đích thân đến gia đình bị mất cắp, mời già làng phân xử cùng một số người thân chứng kiến. Thường trong buổi lễ bắt buộc phải có con gà và ché rượu cần. Già làng yêu cầu người có tội tự nhận lỗi, mong được tha thứ và hứa lần sau không được tái phạm. Sau đó, người mắc lỗi châm nước vào ghè rượu mời già làng uống trước, tiếp đến mời người bị mất cắp tha thứ cho mình.
Những tập tục trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên luôn gắn với tín ngưỡng, tâm linh, chung quy lại là muốn đem đến điều tốt đẹp, mong cho mùa màng được tươi tốt, cuộc sống được thần linh che chở. Được truyền từ đời này sang đời khác, việc xử phạt theo luật tục là “luật pháp” do chính mỗi cộng đồng tạo ra đã trở thành sức mạnh của làng, đảm bảo bình yên cho buôn làng. 
 THẾ PHIỆT

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.