Làng Nú sưu tầm, lưu giữ nhạc cụ dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên trong nhà sinh hoạt cộng đồng của làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai), Trưởng thôn Rơ Lan Huân dành riêng một góc nhỏ để trưng bày các loại nhạc cụ truyền thống của người Jrai do chính nghệ nhân trong làng chế tác.
Già Rơ Châm Uynh (73 tuổi) là chủ nhân của chiếc đàn kní nhỏ xinh trưng bày tại đây. Kể cho chúng tôi nghe về cách thức làm nên cây đàn, ông bảo làm đàn khá đơn giản, chỉ nhìn thấy người chú của mình làm rồi về học làm theo. Một ống nứa làm thân, 3 phím đẽo bằng gỗ, sau đó dùng sáp ong gắn chặt vào thân đàn. Dây đàn được căng dọc thân ống nứa, đè lên phím bấm. Nối với dây đàn là sợi dây ngậm vào miệng để điều tiết âm thanh khi biểu diễn. Cung kéo là một thanh tre dài khoảng 60 cm được chuốt nhẵn. Già Uynh lấy ra một cục nhựa cây năt-một loại cây rừng-và vuốt nhẹ lên cung kéo để tăng thêm độ trơn bóng. Xong đâu đó, ông ngậm sợi dây vào miệng, giữ chiếc đàn theo chiều đứng, tay phải cầm cung kéo lướt trên dây đàn, tay trái nhịp nhàng bấm từng phím, khoang miệng nhấp mở giữ vai trò là chiếc “hộp cộng hưởng” âm thanh. Già Uynh say sưa biểu diễn một làn điệu dân ca Jrai trước sự theo dõi đầy thích thú của mọi người. “Đàn kní có cấu tạo đơn giản nhưng sử dụng lại rất khó, phải kết hợp cả 2 tay và miệng. Vì thế mà bây giờ trong làng hầu như rất ít người biết chơi loại nhạc cụ này. Ngày trước ông bà vẫn hay dùng đàn trong dịp hát dân ca giao duyên, tỏ tình nam nữ”-anh Huân bày tỏ.
  Anh Huân bên góc trưng bày nhạc cụ trong nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. Ảnh: P.L
Anh Huân bên góc trưng bày nhạc cụ trong nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. Ảnh: P.L
Tương tự, đàn đing jơng cũng chỉ có già Siu Bố (74 tuổi) mới biết cách sử dụng. Đàn gồm 13 ống nứa sắp xếp theo thứ tự từ ngắn đến dài và buộc chặt với nhau tạo thành 5 lớp âm thanh. Mỗi ống nứa vạt nhọn ở phần đầu để tạo âm (tựa như kỹ thuật tạo âm cho đàn trưng-P.V). Khi biểu diễn, nghệ nhân dùng miệng thổi vào phần ống rỗng, đồng thời dùng ngón tay lướt qua các miệng ống để tạo thành âm thanh tựa tiếng trống. “Đàn này bây giờ cũng không còn ai chơi. Vì vậy, mình đưa vào khu trưng bày nhạc cụ truyền thống ngay trong nhà sinh hoạt cộng đồng để mọi người biết, hy vọng có người tập luyện trở lại”-anh Huân tâm sự.
Cùng với các loại giấy khen, thành tích của làng được trưng bày tại nhà sinh hoạt cộng đồng, góc nhạc cụ khiến cho không gian nơi đây thêm sự gần gũi, đậm chất truyền thống. Anh Huân chia sẻ: “Góc trưng bày nhạc cụ này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Mình muốn sưu tầm thật nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Chọn trưng bày ở nhà sinh hoạt cộng đồng là bởi mình muốn dân làng, đặc biệt là lớp trẻ mỗi khi đến sinh hoạt tại đây có cơ hội được tìm hiểu và biết thêm về các loại nhạc cụ của dân tộc mình”. Góc nhạc cụ của làng Nú hiện có 1 cây đàn trưng, 2 chiếc đàn goong, 1 đàn kní và 1 đàn đing jơng. Tất cả đều do các nghệ nhân lớn tuổi trong làng chế tác. “Mình mong muốn sẽ tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt chung, sẽ mời các nghệ nhân chế tác nhạc cụ trong làng đến nói chuyện, kể về từng loại đàn và biểu diễn trực tiếp cho mọi người cùng xem. Qua đó giúp cho bà con hiểu thêm về văn hóa của dân tộc, biết tự hào, biết giữ gìn và phát huy”-anh Huân mong mỏi.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.