Chàng thủ khoa vượt qua nghịch cảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tổng điểm ba môn thi đạt 27,75, cậu học trò trường huyện Lê Văn Trường (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Pah) đã xuất sắc đoạt ngôi vị thủ khoa khối C của tỉnh và lọt vào top những thí sinh có tổng điểm xét tuyển khối C cao nhất cả nước. Nhưng đằng sau thành quả tốt đẹp ấy, ít ai biết rằng, Trường vừa phải trải qua biến cố lớn trong cuộc đời.
Trường có đôi mắt sáng, thông minh và phong cách điềm đạm, tự tin. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến mẹ, đôi mắt ấy như cất giấu biết bao nỗi niềm.
Vượt qua nghịch cảnh
Từ nhỏ, Trường có tiếng là cậu học trò chăm ngoan, học giỏi. Bố mẹ em luôn tự hào về điều đó và cố gắng làm lụng để nuôi chị em Trường ăn học. Với Trường, bố mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần và là nguồn động lực để em nỗ lực vươn lên trong học tập. Vậy mà, khi Trường đang trong quá trình gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia thì tin dữ ập đến với gia đình. Vụ tai nạn giao thông vào lúc 2 giờ sáng 23-11-2018 đã cướp đi người mẹ thân yêu của em. Sự ra đi đột ngột của mẹ đến giờ vẫn là nỗi đau lớn nhất đối với Trường. “Em còn nhớ như in cái ngày mẹ ra đi. Lúc 2 giờ sáng, bố mẹ em gặp nạn trên đường đi cạo mủ cao su. Em hụt hẫng và đau buồn đến vô cùng. Từ nhỏ tới giờ, mọi tâm sự em đều kể hết với mẹ. Những công việc hay quyết định gì quan trọng, em cũng nhờ đến sự tư vấn của mẹ. Trong kỳ thi quan trọng cuối cấp và bước vào ngưỡng cửa đại học, mẹ là người ủng hộ sự chọn lựa và tin tưởng vào quyết định của em. Giờ mất mẹ, mọi thứ trước mắt em dường như sụp đổ”-Trường nghẹn lòng kể lại. Những ngày sau đó, Trường không tới lớp. Sau khi được thầy cô, bè bạn động viên, khuyên nhủ, dù quay lại trường học nhưng em như người không còn sự sống. Sau mỗi tiết học, Trường đều nằm gục trên bàn.
 Lê Văn Trường (bìa phải) ôn bài cùng bạn thân Nguyễn Huy Đạt. Ảnh: T.D
Lê Văn Trường (bìa phải) ôn bài cùng bạn thân Nguyễn Huy Đạt. Ảnh: T.D
10 ngày sau đó, Trường đã thất bại trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý. “Với cú sốc này, em thực sự thức tỉnh. Em đã tự dằn vặt bản thân rất nhiều. Em thấy mình có lỗi với mẹ, có lỗi với sự kỳ vọng của thầy cô và với cả tương lai của chính mình. Em nhận ra mình không thể đau buồn mãi và quyết tâm biến nỗi đau này thành động lực để hoàn thành ước nguyện của mẹ”-Trường ngậm ngùi chia sẻ. Nghĩ là làm, Trường quyết tâm lấy lại tinh thần để chuẩn bị cho kỳ vượt vũ môn. Trong khoảng thời gian này, người luôn bên cạnh sẻ chia với cậu học trò nhỏ là cô giáo Hoàng Thị Thanh Tú-Bí thư Đoàn trường THPT Mạc Đĩnh Chi, giáo viên môn Địa lý. Cô Tú kể lại: “Những thiếu thốn về tình thương, nhất là khi thiếu vắng tình mẫu tử là một mất mát rất lớn đối với bất kỳ ai. Nhưng với nghị lực của mình, Trường đã cố gắng vượt qua nỗi đau để vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là trong học tập. Em đã nhanh chóng lấy lại tinh thần để ôn tập cho kỳ thi một cách hiệu quả nhất. Điều này không phải ai cũng làm được”. Ngoài gia đình, thầy cô thì bạn bè cũng đã phần nào giúp Trường vực dậy sau mất mát. Cậu bạn thân là Nguyễn Huy Đạt cũng luôn đồng hành cùng Trường suốt quãng thời gian khó khăn. “Trường vốn học rất giỏi, lại có tinh thần học tập cao nên chúng em động viên nhau học tốt để cùng bước vào chung 1 ngôi trường đại học. Bây giờ thì cả 2 đã thực hiện được điều đó”-Đạt bày tỏ.
Với quyết tâm ấy, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Lê Văn Trường đã xuất sắc giành trọn điểm 10 môn Địa lý, 9,75 điểm môn Lịch sử, 8 điểm môn Ngữ văn và trở thành thủ khoa khối C của tỉnh với tổng điểm 27,75; lọt top những thí sinh có tổng điểm xét tuyển khối C cao nhất cả nước... Với số điểm này, Trường đã trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị. Em nói trong niềm xúc động xen lẫn tự hào: “Bây giờ thì em đã thực hiện được mơ ước của mình và cũng là nguyện vọng của bố mẹ. Đây là món quà ý nghĩa đầu tiên trong cuộc đời em dành tặng mẹ”.
Đảng viên tuổi 18
Ngôi nhà nhỏ của tân thủ khoa Lê Văn Trường ở thôn 1 (xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) gần đây luôn rộn ràng tiếng nói cười. Ai cũng mừng cho cậu học trò đầy nghị lực. Ông Lê Văn Hạnh-bố của Trường-trầm ngâm nói: “Hôm có kết quả kỳ thi, bố con tôi thức trọn 1 đêm. Trường lại thắp hương trước bàn thờ mẹ để báo cáo về thành tích của mình. Con đạt điểm cao, cả nhà mừng lắm! Con đã vượt lên nỗi mất mát lớn của gia đình để vượt vũ môn thành công sau 12 năm đèn sách”.
Lê Văn Trường (bìa trái) tại lễ kết nạp Đảng. Ảnh: T.D
Lê Văn Trường (bìa trái) tại lễ kết nạp Đảng. Ảnh: T.D
Nói về kết quả mình đạt được trong kỳ thi vừa qua, Trường tiết lộ, trong 2 năm học lớp 10 và 11, em vẫn theo ban Khoa học Tự nhiên. Bước vào năm học 12, Trường mới quyết định chuyển sang ban Khoa học Xã hội. Trường cho rằng: “Sở dĩ có sự thay đổi này là vì em nhận thấy những môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý em học cũng khá ổn và đặc biệt là nếu thi khối C thì khả năng em trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị sẽ cao hơn. Sau khi tham khảo ý kiến thầy cô và gia đình, em đã quyết định chuyển hẳn sang thi khối C. Ngay lúc đó, em đã vạch ra chương trình học cụ thể cho các môn học này”. Đối với quyết định này của Trường, các thầy-cô giáo trong trường cũng khá bất ngờ. “Trường là một học sinh học rất toàn diện. Khi em thay đổi khối thi, tôi cũng hơi ngần ngại vì thời gian còn lại để em ôn tập các môn khối C không nhiều. Tuy nhiên, sau khi xét về năng lực học tập của Trường, tôi hoàn toàn ủng hộ. Và đây là một quyết định đúng”-thầy Lê Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi-chia sẻ.
Theo Trường, khối C nặng về kiến thức nên trong quá trình ôn tập không những cần siêng năng mà phải có phương pháp, thời gian biểu phù hợp. Em đã chia việc học thành nhiều giai đoạn với những mục tiêu cụ thể. “Học kỳ I, em tập trung vào việc nắm chắc kiến thức cơ bản, đặc biệt chú ý bám sát sách giáo khoa. Đầu học kỳ II, song song với việc ôn kiến thức cơ bản, em bắt đầu làm quen với các dạng đề, đề thi cụ thể. Nếu có chỗ nào chưa hiểu, em tìm tới nhà thầy cô để hỏi thêm”-Trường nêu bí quyết. Với môn Ngữ văn, Trường nắm vững lý thuyết, các kiểu câu, phương thức biểu đạt và kỹ năng phân tích để hoàn thành tốt phần đọc hiểu. Phần nghị luận xã hội, việc viết không cần dài dòng mà nên chú trọng viết đúng ý, phân tích đúng trọng tâm và rút ra bài học cho bản thân. Ở môn Địa lý, để giành trọn điểm 10, Trường đã chia nhỏ kiến thức ra từng phần và học theo hướng vạch ra các ý để tránh bỏ sót, ngoài ra cũng thường luyện vẽ, nhận xét, giải thích biểu đồ. Lịch sử là môn dễ bị mất điểm nhất do có quá nhiều sự kiện cần nhớ, vì vậy Trường đã chia lịch sử theo từng giai đoạn để việc ôn tập trở nên hiệu quả, rõ ràng hơn, tránh được những nhầm lẫn.
Trong suốt những năm qua, không chỉ học giỏi, Trường còn năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động của nhà trường. Nhờ sự năng động, sáng tạo trong học tập lẫn rèn luyện, mới đây, Trường vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 18 tuổi. Thầy Lê Văn Tàu cho hay: “Nhờ những hoạt động và thành tích của mình, Trường trở thành một trong 2 học sinh xuất sắc của trường được kết nạp vào Đảng. Với sức trẻ, nhiệt huyết cũng như năng lực vốn có, tin rằng Trường sẽ vượt qua những trở ngại để thể hiện tốt bản lĩnh và vai trò của mình trong mọi lĩnh vực. Chúng tôi tự hào khi có những học trò như em”. Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, phấn đấu trở thành đảng viên khi vừa 18 tuổi của Trường đã khiến hết thảy mọi người khâm phục. Em tự hào chia sẻ: “Đây không chỉ là vinh dự lớn lao mà còn là cơ hội để bản thân em rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm và tự khẳng định mình”.
Giờ đây, khi đã hoàn thành mục tiêu thi đậu vào được ngôi trường đại học mình mơ ước, Trường bắt đầu đặt ra mục tiêu mới cho mình, đó là phải học thật tốt để sau này góp sức mình cống hiến cho quê hương, đất nước.
 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.