Chân tình từ những ché rượu "lẩu siêu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người dân tộc Thái ở Tây Nguyên có câu “Pay kin pa, má kin lảu” có nghĩa là: Đi ăn cá, về uống rượu. Cá là món ăn rất được coi trọng, rượu là thức uống không thể  thiếu, đây là nét văn hóa từ lâu của người Thái, vì thế trong mỗi gia đình đều có những ché rượu quý được chưng cất theo một công thức đặc biệt.

 Những ché rượu “lẩu siêu” được ông Lô Quốc Hợi cất giữ cẩn thận. Ảnh: D.Y.T
Những ché rượu “lẩu siêu” được ông Lô Quốc Hợi cất giữ cẩn thận. Ảnh: D.Y.T

Ánh nắng vàng rực trải dài trên con đường nhựa và những ngôi nhà gỗ bề thế dọc hai bên đường vào buôn Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư MGar, tỉnh Đak Lak). Chúng tôi dừng trước nhà ông Lô Quốc Hợi. Nhìn người đàn ông có nước da trắng hồng, thân hình khỏe khoắn nhanh nhẹn, ít ai biết rằng ông năm nay đã 65 tuổi. Mỗi lần có khách quý tới nhà, ông nâng niu ché rượu “lẩu siêu” như báu vật, cẩn thận rót từng ly và tươi cười: “Đối với dân tộc Thái tình cảm tràn đầy trong chén rượu “lẩu siêu”, mỗi ly rượu chất chứa tấm chân tình của gia chủ”. Rượu của người Thái có 2 loại chính, rượu cần được gọi là “lẩu xá”, rượu đã qua chưng cất gọi là “lẩu siêu” với những cách thức khác nhau. Các loại rượu này đều dùng nguyên liệu là các loại củ, hạt có tinh bột đồ thành xôi chín trộn với men tự chế rồi ủ theo cách thức đặc biệt.

Ông Hợi chia sẻ: Những ngày hội, lễ lớn, mâm cúng của đồng bào Thái không cần cầu kỳ, linh đình nhưng phải đầy đủ các món truyền thống như: cá, các món thịt, đường trắng, nước mắm... Đặc biệt, không thể thiếu ché rượu “lẩu siêu”. Làm ra một ché rượu “lẩu siêu” đòi hỏi cách thức nấu đặc biệt, người nấu phải tỉ mỉ, cẩn thận và đong đếm nguyên liệu một cách chính xác.

Cho chúng tôi xem những ché rượu được cất cẩn thận ở góc nhà, ông Hợi chia sẻ: Để cất 1 ché rượu “lẩu siêu” nguyên liệu phải có là gạo nếp. Gạo nếp được chọn lựa kỹ và không được mốc, sau đó nấu lên thành xôi rồi mang đi ủ. Men nấu rượu được làm chủ yếu từ bột nếp. Ngoài ra còn có vỏ quế, riềng, cây mía non, lá mít, lá hương nhu. Một ché rượu ngon nằm ở men rượu, vì thế người nấu phải biết phối hợp các nguyên liệu để tạo thành một mẻ men ngon.

Tất cả các nguyên liệu này được ủ khô trong 1 tháng, sau đó chúng được cho vào nồi nấu rượu của người Thái để chưng cất. Mỗi lần cất, chỉ cất tối đa 1 lít rượu trên 3-4 kg gạo nếp, còn bình thường cất khoảng 0,5 lít, không nên cất nhiều như những loại rượu khác. Nếu cất nhiều rượu sẽ không ngon và không đảm bảo mùi vị, chất lượng. Rượu “lẩu siêu” được để nguyên chất 100% nên rất nặng, có thể đốt cháy được, có mùi rất thơm, khi uống vào cảm giác ngọt đắng, nồng ấm và sảng khoái.

Giọng ông Lô Quốc Hợi bỗng chùng xuống: “Xã Ea Kuêh, huyện Cư MGar, tỉnh Đak Lak có 95% dân tộc Thái di cư từ các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An vào lập nghiệp cách đây hơn 20 năm, hiện có gần 200 hộ. Trước đây, người dân còn nấu rượu “lẩu siêu” nhiều, nhưng thời gian gần đây nghề này dần bị mai một. Cả buôn Thái chỉ còn một vài gia đình nấu được loại rượu này. Tôi muốn truyền lại cho con cháu để giữ nghề truyền thống nhưng rất khó, không phải ai cũng học được. 

 Dạ Yến Thảo

Có thể bạn quan tâm