Cay đắng trên những con tàu xa xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hàng trăm ngư dân xứ biển Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lần lượt dắt díu nhau xuất ngoại đánh cá thuê trên những con tàu nước ngoài với hi vọng đổi đời.

Sau vài năm xa xứ, nhiều người trở về dựng cơ ngơi bạc tỉ, xây nhà, sắm xe, lập doanh nghiệp. Nhưng cũng có kẻ kém may mắn bỏ mạng nơi xứ người hoặc sống tiếp đoạn đời dằng dặc trong thương tật.

Mức thu nhập hấp dẫn

Thôn Tân An (xã Bình Minh) được người dân quanh vùng ví von là "thôn tỉ phú" bởi suốt mấy chục cây số dọc doi cát ven biển Quảng Nam chưa có thôn xóm nào mà mật độ người giàu dày đặc như ngôi làng này.

 

Căn nhà khang trang hơn 800 triệu đồng giữa xóm biển thôn Tân An của ông Nguyễn Văn Năm (56 tuổi). Ông Năm có hai con trai đi tàu cá Hàn Quốc hơn 5 năm.
Căn nhà khang trang hơn 800 triệu đồng giữa xóm biển thôn Tân An của ông Nguyễn Văn Năm (56 tuổi). Ông Năm có hai con trai đi tàu cá Hàn Quốc hơn 5 năm.

Men theo đường làng, gia đình nào có người thân lao động nước ngoài sẽ dễ dàng được nhận ra với những căn nhà nhiều tầng bề thế, tiện nghi.

Vốn là một làng chài có tiếng nhưng cuộc sống gắn bó với biển giã quê nhà nhiều rủi ro chỉ đủ lo miếng cơm manh áo. Sau thảm họa bão Chanchu, những ngư dân trẻ Tân An bàn nhau rời làng theo tàu cá Hàn Quốc, Nhật Bản rong ruổi hải ngoại với lời hứa hẹn thu nhập hấp dẫn.

Ngư dân Trần Công Hùng (29 tuổi) là tân binh trong đội quân đánh cá thuê, vừa được trở về nhà nghỉ tết. Dù mới làm việc 8 tháng nhưng Hùng đã tiết kiệm gửi về nhà gần 300 triệu đồng.

Cằm bạnh, mắt xếch, thể hình rắn rỏi cùng lối trò chuyện chất phác đúng kiểu ngư dân, Hùng thật thà bảo rằng mức lương chủ tàu đang trả cho anh mỗi tháng lên tới 50 triệu đồng, một số tiền không tưởng nếu ở Việt Nam.

Hùng đi lưới ruốc cho một chủ tàu ngoài khơi Incheon (Hàn Quốc). Vào mùa ruốc, lao động chỉ có hai giờ chợp mắt mỗi ngày. Suốt một tháng ngoài biển không ai được tắm rửa, giặt giũ.

"Vào mùa cao điểm áp lực rất lớn, cộng với ngôn ngữ bất đồng, ăn uống không phù hợp làm lao động suy sụp, nếu kéo dài có thể đột quỵ mà chết. Làm nghề này không phải dễ kiếm đồng bạc đâu, dù lương rất cao nhưng đến lúc vượt quá giới hạn chịu đựng là tự động rút lui thôi.

 

Ngư dân trẻ Trần Công Hùng nói về điều kiện lao động trên tàu lưới ruốc ở Incheon, Hàn Quốc.
Ngư dân trẻ Trần Công Hùng nói về điều kiện lao động trên tàu lưới ruốc ở Incheon, Hàn Quốc.

Lao động Việt Nam sợ nhất là cái lạnh xứ Hàn. Ăn uống khó khăn, làm việc vất vả còn chịu đựng được nhưng cái lạnh thì không chịu nổi. Vào mùa lạnh, có thời điểm nhiệt độ ngoài trời giảm còn -150C thôi" - Hùng nói.

Cách nhà Hùng một căn là ngôi nhà mới khang trang của ngư dân Trần Công Hòa (35 tuổi). Anh thuộc thế hệ "lính cựu", là lứa đầu đi tàu cá Hàn Quốc ở làng biển này.

Căn nhà xây cất hết 800 triệu đồng, mỗi phòng trang bị một toilet riêng, nội thất xài toàn gỗ xịn, tường ốp đá sáng lóa nhưng vẫn còn khiêm tốn hơn vài nhà hàng xóm xung quanh. Xây nhà xong, hai vợ chồng anh mở doanh nghiệp phân phối hải sản tươi sống cho các nhà hàng ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Anh Hòa nói nhờ đi lao động nước ngoài mà cuộc sống được khấm khá, sung túc như hôm nay.

Sang Hàn Quốc năm 2011, anh Hòa đi đánh bạch tuộc, vớt rong biển rồi đánh bẫy ghẹ. Từ tàu gần bờ chuyển sang đi xa bờ.

Anh nói mức lương dành cho lao động theo diện hợp pháp dao động khoảng 30 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu nhảy ra ngoài làm lao động bất hợp pháp có thể thu nhập một tháng 70-80 triệu đồng, thậm chí vào mùa có thể được trả 100 triệu đồng.

 

Nhiều ngư dân Bình Minh đi tàu cá nước ngoài trở về đua nhau xây nhà lầu.
Nhiều ngư dân Bình Minh đi tàu cá nước ngoài trở về đua nhau xây nhà lầu.

Đánh đổi xương máu

Đồng tiền kiếm được ở xứ người dù đáng kể nhưng không hề dễ dàng. Để nhận được đồng lương, lao động Việt phải nhẫn nhịn chịu đựng sự sỉ nhục của giới chủ. Nhiều người trả giá bằng cả máu và mạng sống.

Anh Hòa cho biết chuyện mắng chửi, chì chiết người lao động trên tàu cứ như cơm bữa. Lúc mới sang 6 tháng, anh bị dao róc lòi xương đầu gối khi cắt dây lưới, chuyển vào viện may hơn chục mũi, băng kín cả một chân.

Bác sĩ khuyên anh phải nằm viện 15 ngày, sau 30 ngày mới được xuống nước. Nhưng chỉ 2 ngày sau chủ tàu đến viện dọa sẽ trả anh về nước nếu không tiếp tục làm việc. Anh Hòa được cho nghỉ 3 ngày rồi phải tiếp tục xuống tàu, mỗi ngày lao động quần quật từ 2h sáng tới 22h đêm trong tận cùng đau đớn.

"May là tôi gặp một luật sư người Hàn từng đi lính ở Hội An. Biết chuyện, ông đã đứng ra làm thủ tục giải thoát tôi khỏi tàu cá này. Sau tôi chuyển qua đi tàu bẫy ghẹ xa bờ. Trên tàu có một người Việt khác tên là Quý cũng mới sang, quê ở Hà Tĩnh.

Làm được mấy ngày thì Quý chết chìm do dây quấn vào chân lúc đang bủa lưới. Lúc chết, vợ Quý ở nhà vừa mới sinh con ba tháng" - anh bùi ngùi kể.

Bi thảm hơn phải kể tới anh Đoàn Khiêm (40 tuổi), người thôn Tân An. Vừa sang Hàn Quốc được vài tháng thì tàu anh Khiêm nổ bình gas, anh chết trên trực thăng cấp cứu vì phỏng nặng, bỏ lại người vợ trẻ và ba đứa con nhỏ đang tuổi ăn học nơi quê nhà.

 

Thay đổi bộ mặt làng xã

Ông Trần Văn Tám, phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, ước tính toàn xã có hơn 300 lao động xuất ngoại làm ngư dân. Thời điểm này vẫn còn 47 người đang lao động ở nước ngoài.

"Ban đầu lao động đi Indonesia, Malaysia, nhưng thu nhập thấp nên dần chuyển sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Kết thúc hợp đồng nhiều người trở về với mức thu nhập khá cao. Họ dùng tiền cất nhà, dựng hàng quán, xây kho bãi, đầu tư bất động sản... nhờ vậy mà bộ mặt làng xã khang trang hơn" - ông Tám nói.

Đứt luôn đường học của con


Ông Phạm Văn Long (43 tuổi), thôn Hà Bình, bị tai nạn liệt toàn thân khi đi tàu cá Hàn Quốc.
Ông Phạm Văn Long (43 tuổi), thôn Hà Bình, bị tai nạn liệt toàn thân khi đi tàu cá Hàn Quốc.
Giới ngư dân đi biển nước ngoài ở Bình Minh đều biết ông Phạm Văn Long (43 tuổi), nhà tổ 2, thôn Hà Bình. Cũng là lao động trên tàu Hàn Quốc nhưng căn nhà gia đình ông Long ở chẳng khác gì những ngư dân nghèo khó khác.

Suốt ngày ông nằm bẹp trên chiếc chõng tre. Mọi việc từ ăn uống tới vệ sinh, tắm giặt đều phải nhờ vợ con trợ giúp.

Đi Hàn Quốc từ năm 2012, ông Long làm việc được 6 tháng nhưng có hơn hai năm rưỡi nằm viện. Lúc phơi lưới, ông bị dây tời quật vào cổ làm đứt tủy sống.

Từ lúc ông lâm nạn đến nay chủ tàu chưa hỗ trợ được một đồng. Số tiền bảo hiểm 20.000 USD đã dùng hết vào việc chi trả thuốc thang và thuê luật sư khởi kiện chủ tàu. Dù vậy, đã nhiều năm qua vẫn chưa có dấu hiệu chủ tàu sẽ đền bù tai nạn cho ông.

Ngày qua ngày, hai vợ chồng sống nhờ số tiền 1,2 triệu đồng trợ cấp tàn tật của Nhà nước. Hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn học buộc phải nghỉ ngang đi kiếm việc làm mướn trang trải cuộc sống gia đình.

"Mình cứ nghĩ đi nước ngoài lao động kiếm tiền nuôi tụi nhỏ ăn học chứ có ai ngờ đứt luôn đường học của con mà lại thành gánh nặng của gia đình như vầy đâu" - ông Long sụt sùi nói.

Tấn Lực/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.