Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang về đích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công trường thi công đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện có hơn 1.500 công nhân cùng hơn 1.000 phương tiện, máy móc làm việc khẩn trương 3 ca/ngày đêm
Những ngày đầu tháng 12, trên công trường dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, không khí làm việc nhộn nhịp và khẩn trương hơn để kịp thông xe một chiều vào dịp Tết nguyên đán 2021.
Không để lỗi hẹn với người miền Tây
Trưa nắng, chúng tôi đến công trường đường cao tốc đang lúc công nhân thảm những mét nhựa đầu tiên của gói thầu thuộc xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là những thảm nhựa đầu nên gần như các kỹ sư, chỉ huy công trường cho đến nhân viên của dự án đều tập trung về để theo dõi.

Những mét thảm nhựa đầu tiên được trải trên đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Những mét thảm nhựa đầu tiên được trải trên đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Khi xe ben đầu tiên trút hết nhựa xuống đường và tài xế xe lu thảm qua thì các kỹ sư ra đo độ dày của nhựa. Sau vài phút trao đổi, các kỹ sư và công nhân đồng loạt vỗ tay mừng vì cuối cùng công trường cũng vào giai đoạn cuối cùng.
Anh Trần Văn Tuấn, tài xế xe lu, hồ hởi nói: "Đây là thành quả của hàng ngàn kỹ sư, công nhân lao động cả ngày lẫn đêm. Gần 300 ngày qua, anh em chúng tôi chưa bao giờ được nghỉ ngơi, kể cả ngày nghỉ. Dự án đã 10 năm rồi, nếu không hối hả thì Tết năm nay chúng tôi lại lỗi hẹn với bà con miền Tây. Vả lại, năm ngoái, chúng tôi phải ăn Tết trên công trường thì năm nay phải phấn đấu trước Tết thông xe tạm thời để còn kịp về sum vầy bên người thân".
Suốt tuyến cao tốc, từ huyện Châu Thành cho đến huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), chúng tôi ghi nhận cứ vài ki-lô-mét thì có một nhóm công nhân thi công với tốc độ làm việc rất hăng hái.
Tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, dù trưa nắng nóng nhưng nhóm công nhân đóng mố cầu vượt vẫn miệt mài trên công trường. Anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân ở đây, cho biết: "Cứ một tổ làm việc thì có một chỉ huy công trình, nhóm công nhân chúng tôi hầu hết từ miền Bắc vào nên cả năm không được về nhà. Cả nhóm nói với nhau phấn đấu chỉ vài mươi ngày nữa là có thể thông xe. Cứ nghĩ đến cảnh bà con miền Tây cuối năm là gặp cảnh kẹt xe nên chúng tôi quyết tâm phải thi công cho xong trước Tết".
Vui như... Tết!
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết hiện dự án đã triển khai thi công 34/36 gói thầu xây lắp, 2 gói thầu còn lại là trạm thu phí và hệ thống giao thông thông minh trong quản lý cao tốc sẽ triển khai thi công theo tiến độ dự án. Như vậy, đến thời điểm này đã đạt 73% khối lượng các gói thầu trên tuyến chính.
Trong đó, đã hoàn thành cắm bấc thấm và gia tải xử lý nền đất yếu trên tuyến chính (còn lại một phần trên tuyến nối). Một số gói thầu khác cũng đang khẩn trương thi công để hoàn thành đúng tiến độ. Riêng phần cầu đang triển khai thi công 51/51 cầu. Dự kiến, 39 cầu trên tuyến chính hoàn thành trước cuối tháng 12-2020.
Cũng theo ông Đông, dù hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền không quy định phải thông tuyến tạm thời trước Tết nguyên đán 2021 nhưng để giải tỏa ùn tắc trên Quốc lộ 1 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các hạng mục cơ bản trên tuyến chính trong tháng 12-2020, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp cuối năm.
"Nỗi ám ảnh ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang trong dịp Tết năm nay sẽ được "hạ nhiệt" khi tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho xe lưu thông tạm thời. Người dân ĐBSCL về quê ăn Tết và quay lại TP HCM làm việc sẽ thoải mái hơn và mình cũng vui như Tết" - một tài xế xe khách tâm sự.
Dự kiến, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ cho lưu thông trước Tết 5 ngày cho xe đi một chiều hướng Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành) - An Thái Trung (Cái Bè) và sau Tết 5 ngày, theo chiều ngược lại. Các loại xe được lưu thông là xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn. 
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến 51,1 km, bề rộng nền đường 17 m với 4 làn xe cơ giới. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa và điểm cuối ở nút giao với Quốc lộ 30.
Dự án khởi công năm 2009 nhưng bị ngưng trệ đến năm 2015 mới tái khởi công lần thứ 2. Năm 2019, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả được giao làm chủ đầu tư chính của dự án. Dự án với tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn BOT là 10.482 tỉ đồng, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỉ đồng.
Theo Bài và ảnh: MINH SƠN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa thống nhất không ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 137 Luật Đất đai năm 2024 đối với 4 loại giấy tờ do UBND TP. Pleiku và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thành phố đề xuất.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.