Trường hợp bị rắn chàm quạp cắn là bệnh nhi Đinh A Dý (7 tuổi, làng HTiên, xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro). Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nhiễm độc sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn bên cẳng chân phải; trẻ bị rối loạn đông máu trong tình trạng rất nặng, máu chảy không cầm ở tất cả các vị trí dẫn đến thiếu máu nặng, lờ đờ, da trắng bệch và có nguy cơ tử vong do chảy máu, mất máu.
Chị Đinh Thị A chăm sóc con trai bị rắn độc cắn, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh. Ảnh: N.N |
“Với các triệu chứng lâm sàng và qua mô tả của người nhà, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhi bị rắn chàm quạp cắn. Bệnh nhi lập tức được điều trị tích cực bằng cách bổ sung các chế phẩm của máu, đặc biệt là truyền huyết tương có nhiều tiểu cầu và huyết tương cấp cứu yếu tố đông máu, truyền hồng cầu đậm đặc để nâng tỷ lệ hồng cầu… Qua 14 ngày điều trị, cháu Đinh A Dý đang có hướng hồi phục tốt. Riêng vết thương ngay tại chỗ rắn cắn có dấu hiệu nhiễm trùng nhưng do trẻ vẫn chưa hồi phục về yếu tố đông máu nên chúng tôi sẽ xử lý cắt lọc vết thương sau”-bác sĩ Trang thông tin.
Còn bệnh nhi Rơ Mah Đại (13 tuổi, làng Kom Ngó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) nhập viện trong tình trạng đau đớn, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay… Qua các triệu chứng, bác sĩ xác định cháu Đại bị rắn hổ mèo cắn gây tổn thương thần kinh và làm yếu liệt hô hấp. “Tổ cấp cứu đã truyền huyết thanh kháng rắn hổ mèo. Sau gần 10 giờ truyền huyết thanh thì các triệu chứng thần kinh của trẻ phục hồi, tay chân cử động được và hết cảm giác khó thở. Qua hơn 1 tuần điều trị tích cực, yếu tố rối loạn đông máu đã được cải thiện đáng kể. Hiện bệnh nhi vẫn đang được theo dõi điều trị”-bác sĩ Trang cho hay.
Trò chuyện với P.V, chị Klơr (mẹ bệnh nhi Rơ Mah Đại) kể: Hôm đó, con trai theo bố mẹ đi mót mì thì bị rắn độc cắn. Gia đình đưa cháu lên Trung tâm Y tế huyện, sau đó thì cháu được chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh. Nhờ các bác sĩ cấp cứu kịp thời, đến nay, cháu đã khỏe hơn.
Còn chị Đinh Thị Adang (mẹ bệnh nhi Đinh A Dý) thì kể: “A Dý được nghỉ học nên tôi cho cháu lên rẫy chơi. Sau đó, cháu và bạn cùng nhau đi bẫy chim. Trong lúc bẫy chim, cháu bị 1 con rắn từ trong bụi lao ra cắn. Chúng tôi chạy đến đập chết con rắn và chở cháu lên Trung tâm Y tế huyện cấp cứu. Do tình trạng của cháu rất nặng nên chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh. Qua điều trị, cháu đã hồi phục dần. Chúng tôi cảm ơn các bác sĩ đã chăm sóc tận tình giúp cháu qua cơn nguy kịch”.
Chị Adang cho biết thêm, khu vực chị sinh sống có nhiều trường hợp bị rắn cắn. “Mùa này mưa nhiều, rắn sinh sôi và trú ẩn trong các bụi cây rậm rạp, sơ ý một tí là bị cắn ngay. Tôi đi làm rẫy đều phải mang ủng, bao tay để bảo vệ và dặn các con không nên chơi ở bụi rậm. Tuy nhiên, chuyện xảy ra bất ngờ không kịp tránh”-chị Adang nói.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Vào mùa mưa, rắn sinh sản và phát triển. Rắn không chỉ ẩn mình trong bụi rậm mà có lúc còn bò vào nhà dân. Vì vậy, mọi người không nên chủ quan. Bác sĩ Trang khuyến cáo: Để phòng ngừa rắn độc cắn, người dân khi làm việc thì cần mặc đồ bảo hộ, khi đến các bụi cây rậm rạp thì cần khua khoắng, gây tiếng động để rắn tránh đi. Các gia đình cần thường xuyên phát quang bụi rậm. Nếu bị rắn độc cắn thì không được ga rô vết cắn, không được chích rạch; chỉ rửa vết thương dưới vòi nước sạch sau đó nhanh chóng vào cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị.
Theo bác sĩ Trang, trước đây, khi rắn cắn, mọi người thường sơ cấp cứu bằng cách ga rô. Tuy nhiên, việc này được khuyến cáo là không nên làm vì sẽ làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, gây đau, rất nguy hiểm. Ngoài ra, khi ga rô lúc đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa đến tính mạng.