Cựu nhân viên ngoại giao Canada bị bắt giam giữa lúc căng thẳng leo thang từ vụ Canada bắt Phó chủ tịch Tập đoàn Huawei theo yêu cầu của Mỹ.
Michael Kovrig và Mạnh Vãn Chu, 2 nhân vật tâm điểm trong căng thẳng Canada-Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Ông Michael Kovrig, chuyên gia về Đông Bắc Á của Viện Nghiên cứu chính sách ICG (trụ sở tại Bỉ), cựu nhân viên ngoại giao Canada, bị bắt ở Trung Quốc vào tối 10.12, chỉ 10 ngày sau vụ Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt tại sân bay Vancouver (Canada) theo yêu cầu của Mỹ. Trung Quốc chưa đưa ra lý do cụ thể nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng ngày 12.12 tuyên bố ông Kovrig “có thể đã vi phạm luật về hoạt động của tổ chức nước ngoài” vì ICG chưa đăng ký tại nước này. Cùng ngày, tờ Beijing News dẫn nguồn giấu tên loan tin chuyên gia Canada bị bắt vì bị nghi ngờ “có hành động phương hại an ninh quốc gia”. Từ những thông tin này, giới quan sát cho rằng có thể ông Kovrig sẽ bị khởi tố tội gián điệp.
Trong khi đó, Chủ tịch ICG Robert Malley khẳng định: “Chúng tôi không tiến hành bất kỳ hoạt động bí mật bất hợp pháp nào đe dọa an ninh quốc gia ở Trung Quốc”. Theo ông, chuyên gia Kovrig làm việc ở Hồng Kông, đến Bắc Kinh “vì lý do cá nhân” và đến nay người này vẫn chưa được tiếp xúc lãnh sự. Hồi đầu tháng 12, Trung Quốc đã cảnh báo Canada “sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng” nếu không thả bà Mạnh Vãn Chu ngay lập tức. Giới chuyên gia và các nhà ngoại giao nhận định vụ bắt giữ ông Kovrig được cho là nhằm trả đũa và gây sức ép. Trả lời phỏng vấn Đài CBC, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc Guy Saint-Jacques nói: “Ở Trung Quốc, không có sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Cùng ngày, Bộ trưởng An ninh Công cộng Canada Ralph Goodale bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ nhưng cho rằng “không có dấu hiệu rõ ràng” cho thấy việc này liên quan tới vụ bắt bà Mạnh. Theo AP, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ đã liên lạc với phía Trung Quốc về vụ việc, còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino tuyên bố Washington lên án “bất kỳ hình thức bắt giữ người tùy tiện nào”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khuyến cáo công dân cẩn trọng khi đến Trung Quốc “do có nguy cơ bị thẩm vấn, bắt giữ tùy tiện”. Canada đang cân nhắc đưa ra động thái tương tự.
Một ngày sau khi ông Kovrig bị bắt, tòa án tối cao tỉnh bang British Columbia ra phán quyết cho phép bà Mạnh được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10,4 triệu USD (242 tỉ đồng) kèm theo một số điều kiện bao gồm bị giám sát chặt chẽ và đeo vòng định vị. Bà Mạnh có thể bị dẫn độ sang Mỹ vì cáo buộc che giấu, lừa gạt nhiều ngân hàng Mỹ về mối liên kết giữa Huawei và một công ty làm ăn với Iran bất chấp lệnh cấm vận của Washington. Theo AFP, quy trình dẫn độ dự kiến bắt đầu vào ngày 6.2 nhưng nhiều khả năng vụ việc sẽ kéo dài nhiều năm nếu phía bà Mạnh kháng cáo.
Mặt khác, giới chức Mỹ nói vụ bắt giữ bà Mạnh không liên quan đến đàm phán về cuộc chiến thương mại giữa nước này với Trung Quốc, nhưng Tổng thống Donald Trump hôm qua tuyên bố ông “chắc chắn sẽ can thiệp” nếu điều này có thể giúp đạt được thỏa thuận thương mại.
Phúc Duy (Thanh Niên)