(GLO)- Đến thời điểm này, các thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã có 4 ngày trong tổng số 8 ngày để điều chỉnh các nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Tuy nhiên, nhiều em băn khoăn chưa điều chỉnh, lý do là chưa xác định rõ chất lượng đào tạo của từng trường và cơ hội việc làm trong tương lai.
Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương rút hồ sơ học sinh trước khi có quyết định thay đổi nguyện vọng. Ảnh: N.G |
Với kết quả phổ điểm của từng tổ hợp môn đều thấp hơn năm 2017, điều dễ nhìn thấy đó là điểm chuẩn của nhiều trường ĐH, CĐ đã giảm mạnh. Mức điểm chuẩn xét tuyển ở những trường tốp trên giảm ít nhất 1-2 điểm, tại các trường tốp dưới mức điểm này giảm đến 3-4 điểm. Riêng ngành Sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã công bố mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào các trường ĐH là 17 điểm, CĐ là 15 điểm và trung cấp là 13 điểm. Chính vì vậy, cơ hội vào ĐH của thí sinh vẫn rất cao. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của các trường có điểm chuẩn quá thấp là điều mà thí sinh cần cân nhắc bởi cơ hội việc làm luôn gắn với chất lượng đào tạo.
Mặc dù đủ điểm xét tuyển vào ngành Quan hệ Quốc tế của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh nhưng em Phạm Xuân Thịnh (Trường THPT chuyên Hùng Vương) cùng gia đình vẫn quyết định điều chỉnh nguyện vọng sang ngành Kinh tế. Thịnh cho biết: “Quan hệ Quốc tế đúng là ngành em yêu thích, nhưng sau khi nghe tư vấn về cơ hội việc làm thì em quyết định thay đổi nguyện vọng. Em nghĩ, việc làm sau khi ra trường là điều quan trọng nhất và ngành Kinh tế sẽ mang đến cho em nhiều cơ hội hơn. Hiện tại em vẫn chưa chọn trường vì muốn tìm hiểu kỹ chất lượng của một số trường đào tạo ngành kinh tế”. Cùng kỳ vọng về việc làm mà ngành Kinh tế sẽ mang lại, em Nguyễn Phương Trinh-học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương-nói: “Đợt đầu em đăng ký nguyện vọng 1 là Trường ĐH Ngoại thương, sau khi có điểm thì em dự định thay đổi sang trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và gia đình cũng rất ủng hộ”.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018 từ ngày 19-7 đến hết ngày 26-7 (theo hình thức trực tuyến) và đến hết ngày 28-7 (theo hình thức trực tiếp bằng phiếu). Trước đó, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường THPT mở cửa phòng máy có kết nối mạng, phân công giáo viên phụ trách giúp học sinh thực hiện các thao tác điều chỉnh nguyện vọng nhằm tránh sai sót. |
Còn em Lê Viết Phụng (Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) thì đang băn khoăn giữa ngành Tài chính Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh nên vẫn chưa điều chỉnh nguyện vọng. Phụng bày tỏ: “Em đang tìm hiểu 2 ngành trên để có sự lựa chọn đúng đắn. Hiện giờ, em đang nghiêng về ngành Quản trị Kinh doanh vì khả năng thị trường việc làm được mở rộng trong tương lai. Đối với khối A00 (Toán, Lý, Hóa) mà em đăng ký thi, phổ điểm 15-18 sẽ nhiều hơn so với phổ điểm từ 18 trở lên nên với mức điểm ngoài 20 của mình, em thấy khá tự tin”.
Trong đợt điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường THPT mở phòng máy có kết nối mạng và cử giáo viên hướng dẫn học sinh điều chỉnh nguyện vọng. Theo đánh giá của nhiều người, điều này đặc biệt có ý nghĩa với học sinh các trường vùng khó. Cô Lê Thị Hồng Chung (giáo viên Tin học Trường THPT Trần Cao Vân, huyện Chư Sê), người túc trực giúp học sinh thao tác điều chỉnh nguyện vọng cho biết: “Số lượng học sinh điều chỉnh thứ tự nguyện vọng khá nhiều. Tuy nhiên, không ít em vẫn lựa chọn theo cảm tính hoặc đặt ra mục tiêu chỉ cần vào được ĐH là được chứ chưa cân nhắc kỹ lưỡng chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm. Với những trường hợp như vậy, tôi luôn hỏi han, lắng nghe nguyện vọng của các em để tư vấn hợp lý. Thật may là nhiều em chọn học nghề thay vì vào các trường ĐH tốp dưới”. Cũng theo cô Chung, các ngành Kinh tế vẫn được nhiều em lựa chọn, tiếp đến là các ngành thuộc khối xã hội như: Báo chí, Công tác Xã hội, Lưu trữ...
Ngoài xét tuyển điểm thi THPT Quốc gia, năm nay nhiều trường ĐH, CĐ có thêm phương thức xét tuyển học bạ THPT. Tùy từng ngành học của mỗi trường mà tiêu chí xét tuyển khác nhau. Hình thức xét tuyển học bạ được không ít thí sinh lựa chọn để tăng thêm cơ hội trúng tuyển ĐH. Dù xét tuyển theo phương thức nào, các thí sinh cũng cần cân nhắc thật kỹ chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm mà các trường ĐH, CĐ mang lại.
Nguyễn Giang