Cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bệnh vào mùa hè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sốt, viêm đường hô hấp hay tiêu chảy cũng khá thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè nóng nực.

Bệnh hô hấp và sốt vi rút

Mùa hè, bệnh hô hấp (viêm mũi họng, viêm phổi) thường hay gặp ở trẻ nhỏ. Năm nay đầu hè vẫn xen kẽ các đợt không khí lạnh, do vậy viêm tiểu phế quản cũng thường gặp. Khi trẻ bị ho, sốt các bà mẹ nên đưa con đi khám, tuyệt đối không được tự ý đi mua kháng sinh cho con uống vì rất có hại cho cơ thể trẻ. Mặt khác đây cũng là nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh sau này.

 

 

Sốt vi rút cũng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện đột ngột ở trẻ trước đó khỏe mạnh với biểu hiện sốt, có thể sốt cao đột ngột trên 39 độ C, thậm chí trẻ có thể bị co giật, song ít có biểu hiện khác kèm theo hoặc nếu có cũng mờ nhạt, khám lâm sàng các thầy thuốc thường không thấy triệu chứng thực sự bất thường. Nếu chăm sóc và điều trị triệu chứng tốt, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày. Trong trường hợp này, gia đình cần biết chăm sóc trẻ như: cho trẻ nằm trong phòng thoáng mát, mặc quần áo mỏng, nới rộng quần áo; tích cực cho uống nước (nước lọc, nước trái cây…); cho trẻ ăn chế độ lỏng, ăn ít một, ăn làm nhiều bữa. Đo nhiệt độ cho trẻ thường xuyên, khi trẻ sốt cao (trên 39 độ) cần cho uống hạ sốt: Paracetamol hoặc Ibuprofen (đúng liều theo cân nặng và khoảng cách giữa các lần uống). Đặc biệt trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cần hạ sốt kịp thời bởi các trẻ này dễ bị co giật khi sốt cao. Nếu trẻ bị sốt cao, mệt, li bì quấy khóc, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều phải đưa trẻ đi khám ngay.

Để hạn chế lây nhiễm cho trẻ, người bị sốt vi rút khi tiếp xúc với trẻ phải đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng đồng thời cần vệ sinh đồ chơi của trẻ thường xuyên.

Bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy là bệnh dễ gặp ở trẻ trong mùa hè, đối với trẻ nhỏ nguyên nhân gây tiêu chảy hàng đầu là do vi rút rota. Loại tiêu chảy này rất dễ lây, nhiều trường hợp có thể dẫn đến mất nước nặng đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được khám và điều trị kịp thời.

Với những trẻ bị tiêu chảy nhẹ đa phần được điều trị tại nhà bằng cách bù dịch bằng dung dịch oresol nhưng cần pha đúng và uống đúng. Pha đúng là thực hiện như hướng dẫn in trên bao bì, tuyệt đối không chia nhỏ gói dung dịch để pha nhiều lần. Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ ít một. Với trẻ nhỏ tốt nhất nên đổ thìa từ từ để tránh trẻ bị nôn. Đặc biệt, không tùy tiện cho con đi truyền dịch bởi đôi khi truyền dịch có thể gây sốc rất nguy hiểm, an toàn nhất vẫn là bù dịch bằng đường uống.

Các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý tránh vì sốt ruột mà tự ý đi mua và cho con uống các loại thuốc cầm tiêu chảy, vì trong một chừng mực nào đấy việc tiêu lỏng đào thải khỏi ống ruột các tác nhân gây bệnh cũng là một cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể trẻ.

Để phòng tiêu chảy do vi rút nên cho trẻ uống phòng vắc xin rota, vì vi rút này là nguyên nhân chính gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ có sốt, đặc biệt là sốt cao, nôn, đau bụng đồng thời thấy trong phân trẻ có máu phải đưa trẻ đi khám ngay.

Về mùa hè cần đề phòng tiêu chảy do các loại thực phẩm không đảm tiêu chuẩn vệ sinh, nhất là khi cho trẻ đi du lịch, đi chơi xa. Mặt khác, khi cho trẻ ăn thức ăn lạ nên cho ăn ít một và phải theo dõi, bởi đôi khi các protein lạ như một vài loại hải sản nếu cho trẻ nhỏ chưa quen ăn mà các bậc cha mẹ cho ăn quá nhiều đôi khi cũng có thể gây phản ứng tiêu chảy.

Khi trẻ tiêu chảy, cha mẹ cần cho con đi khám bác sĩ nhi khoa, không tự ý mua thuốc cho con uống, cũng không theo đơn cũ vì mỗi lần tiêu chảy có thể do nguyên nhân khác nhau, chỉ định điều trị khác nhau. Việc bổ sung men tiêu hóa cho trẻ nhỏ trong nhiều trường hợp cũng là tốt song cần theo tư vấn của các bác sĩ.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Việc kiêng cữ trong ăn uống với người mỡ máu cao không chỉ là giảm chất béo, thịt động vật mà cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giảm lượng đường, tinh bột nhanh từ trái cây, các loại bánh ngọt, hạn chế bia rượu...